Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Góc khuất người chuyển giới trong phim Việt đoạt giải Venice

Thanh Duy Idol bảo từng khóc như con nít ngay tại trường quay khi đạo diễn hô chuyển cảnh, vì những dồn nén tâm lý nặng nề do nhân vật gây ra.

Đập cánh giữa không trung không chỉ là góc nhìn nhân văn về giới LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) mà ẩn trong đó là những thông điệp hiện thực về giới trẻ, về những tâm hồn cô đơn…

"Vai diễn không để mua vui"

- Chúc mừng bộ phim điện ảnh đầu tay mà Thanh Duy tham gia vừa nhận giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải, tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (Liên hoan phim quốc tế Venice) năm nay. Mặc dù đây là giải phụ nhưng cảm xúc của anh lúc này thế nào?

- Tôi mừng lắm. Phim được lọt vào đề cử đã mừng rồi. Đây là cảm xúc rất khó tả. Tôi thấy vui giùm cho chị Điệp (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) và ê-kíp làm phim. Vì dự án phim này chị Điệp đã ấp ủ tới 5-6 năm. Bây giờ là lúc chị hái được “quả ngọt”.

- Anh đã phải dốc bao nhiêu “nội công” cho vai diễn đầu tay này?

- 100%. Vì cảm giác của người lần đầu tiên được làm điều gì đó mới mẻ và thú vị thì lúc nào cũng muốn cống hiến cho hết, có bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu.

Đóng phim xong về lại Sài Gòn, tôi đã trở thành con người khác hẳn, tới độ bạn bè gặp đều nói "Trời ơi sao mày khác dữ vậy". Cách mà tôi cười, cư xử với mọi người khác hẳn. Lúc đó, tôi cảm giác là Linh đang cười chứ không phải Duy nữa. Vì vai này quá nặng so với một “tay ngang” mới chạm ngõ điện ảnh như tôi.

Để vào vai đó, tôi phải là Linh cả ngoài đời sống. Cho nên thời gian tôi ở Hà Nội đóng phim, tôi là Linh luôn.

Thanh Duy (trái) vào vai chuyển giới trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp)
Thanh Duy (trái) vào vai chuyển giới trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp).

- Anh đã phải sống là Linh bao nhiêu lâu sau vai diễn này?

- Cũng mất khoảng một năm sau đó.

- Tôi được biết trong phim có cảnh nóng của anh với một người đàn ông. Đây có là cảnh quay khó và ám ảnh nhất của anh không?

- Không. Những cảnh ám ảnh tôi nhất lại là những cảnh mang màu sắc tối tăm và tâm lý nặng nề. Cảnh hai người hôn nhau quay ở Hà Nội, ngay khu đường tàu lúc tàu chạy qua và cảnh đó diễn ra rất nhanh trong phim. Chỉ có điều bạn diễn của tôi gặp lúng túng vì đây là lần đầu anh ấy quay cảnh hôn một đàn ông. Chúng tôi đã phải rất cố gắng để hoàn thành sớm đúp này.

Gam màu trầm như cuộc sống của Linh trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp)
Gam màu trầm như cuộc sống của Linh trong phim. (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp).

- Làm phim về tài đồng tính không còn là mới ở Việt Nam. Vậy theo anh, điều gì ở “Đập cánh giữa không trung” sẽ hấp dẫn khán giả?

- Với riêng vai diễn của mình, tôi nghĩ Linh là nhân vật có số phận đặc biệt và tương đối khác lạ so với những nhân vật đồng tính của điện ảnh Việt Nam từ trước tới giờ.

Đây là vai chuyển giới duy nhất của điện ảnh Việt Nam tính tới thời điểm này. Như chia sẻ từ đầu, đây không phải là vai diễn chỉ để mua vui. Những người đồng tính nói chung sẽ không thích một vai đồng tính chỉ để mua vui cho khán giả, để mọi người hiểu sai về thế giới của họ.

Tôi nghĩ, với vai diễn này, tôi sẽ nhận được sự đồng cảm của người chuyển giới. Vì Linh là cô gái đã phải đối mặt với nhiều vấn đề mà người chuyển giới phải đối mặt, như ánh nhìn của người ngoài, tình yêu sâu kín trong lòng… Tôi tin rằng, những người chuyển giới ai cũng gặp phải những vấn đề đó và họ sẽ thương cô Linh như cách mà họ thương chính bản thân họ vậy.

- Vậy theo anh, những người bạn đồng tính của anh và cộng đồng LGBT ủng hộ góc nhìn cũng như cách khai thác tâm lý nhân vật của đạo diễn?

- Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi không muốn khẳng định đây là bộ phim nói lên tiếng nói của người đồng tính. Phim chỉ nói về những nỗi cô đơn của người trẻ. Nhưng vai Linh hay ở chỗ, cô ấy không muốn lên tiếng, không đấu tranh, không gào thét rằng tôi cần sự công bằng hay tôi muốn mọi người hãy xem tôi là người bình thường trong phim.

Linh chỉ sống cuộc sống của cô ấy, là hằng ngày mặc áo con gái, độn ngực, trang điểm, đội tóc giả, đi làm móng, đi chơi với bạn và đi làm gái bán hoa... Những người hàng xóm ở khu cô ở quen với hình ảnh đó của Linh và họ chấp nhận cô. Bản thân những người đồng tính, chuyển giới còn mong chờ gì hơn điều đó ở cộng đồng.

- Đó hẳn cũng là những điều sâu sắc nhất còn đeo bám anh kể cả khi đã chia tay đoàn làm phim để quay về với cuộc sống của chính mình?

- Ngày đó, khi bộ phim đã đóng máy về lại Sài Gòn, Linh vẫn theo tôi. Tới bây giờ khi nhắc lại tôi còn nổi da gà. Nhân vật Linh có ý nghĩa rất sâu sắc với tôi và tôi đang mong chờ xem hình ảnh của Linh trên màn ảnh sẽ như thế nào. Chắc là tôi sẽ khóc khi coi phim quá, khóc và thương cho Linh và những người như Linh.

"Khóc để thoát khỏi nhân vật"

- Đúng là nhiều diễn viên, kể cả diễn viên chuyện nghiệp trên thế giới cũng từng lâm vào trạng thái đó như anh, mất nhiều thời gian mới thoát khỏi nhân vật để trở về với cuộc sống bình thường. Thế trong quá trình quay phim có khi nào anh khóc vì Linh, vì sự đồng cảm với nhân vật chưa?

- Có chứ. Trong phim, Linh không được khóc. Trong phim, Linh là người mà người khác không đoán được cô ấy đang nghĩ gì, ngoài mặt nói cười nhưng bên trong thì rất đau, hoặc có những lúc nói những câu rất vô duyên, vô thưởng vô phạt nhưng bên trong lại chất chứa nhiều tâm sự. Linh giống như con ma xó mà người khác không biết, không đoán được (cười). Đôi khi, nó xuất hiện rất bất ngờ và phá đi hoàn toàn không gian trầm buồn của phân cảnh.

Có những cảnh Linh không được rớt nước mắt, mà phải khóc bằng biểu cảm của ánh mắt, để người khác nhìn vào thấy Linh đang phải dồn nén nỗi đau. Có những cảnh nặng đến mức, khi đạo diễn vừa hô cắt là tôi khóc luôn, khóc như chưa từng được khóc.

Bạn biết đấy, có những đúp phải quay 5-6 lần để phục vụ cho những cảnh cận, trung và toàn cảnh, tôi phải nén tất cả những nỗi đau đó vào trong nhiều lần như thế, cho đến khi đạo diễn hô chuyển cảnh thì cảm xúc mới được bung ra. Tôi cứ thế ngồi khóc quá trời như một đứa con nít. Quá mệt, quá khổ, quá đau đớn… vì những dồn nén của chính nhân vật.

Nếu tôi mà giữ “quả bóng” đó về nhà là dễ bị điên, nên phải xả ra ngay lúc đó. Mấy chị phụ trách phục trang thấy vậy hỏi "em có sao không", tôi chỉ nói "chị đừng đụng vào người em". Lúc đó, tôi không cần bất cứ sự chia sẻ, quan tâm nào. Tôi chỉ cần khóc ra cho hết, thoát ra cho hết. Qua đó tôi mới hiểu vì sao nhiều diễn viên trên thế giới tự tử sau những vai diễn quá nặng nề, vì họ không thoát được khỏi vai diễn.

Địa điểm mà Linh thường phải đứng làm
Địa điểm mà Linh thường phải đứng làm "gái bán hoa." (Ảnh: Đơn vị sản xuất phim cung cấp)

- Khi vào vai Linh, Duy có nghĩ bản thân cũng tự khám phá được nhiều góc khuất ẩn chứa sâu trong con người mình không?

- Có chứ. Ban đầu tôi nghĩ mình được chọn chỉ vì có ngoại hình giống nhân vật nhưng sau ba tháng làm phim ở Hà Nội, tôi thấy mình cũng có khả năng diễn xuất.

Ngoài ra, cũng phải cảm ơn nhân vật Linh để khi hoàn thành vai diễn tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều.

- Sau vai diễn này, liệu anh có dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy, hay tiếp tục làm ca sĩ, hay sẽ chọn một loại hình nghệ thuật khác để phô diễn khả năng của mình?

- Thực ra, tôi không xem việc đi đóng phim là cuộc dạo chơi mà xem đây là cơ hội, là cách để khám phá bản thân. Nên nếu chị Điệp có dự án phim nào mới mời, tôi chắc chắn sẽ không từ chối.

Tôi muốn trở thành nghệ sĩ đa năng, chứ không chỉ gò mình trong một loại hình nghệ thuật nào. Giống như chị Phương Thanh, chị hát rất hay và đóng phim cũng giỏi. Hay như nhiều ca sĩ tài năng trên thế giới họ đều đóng phim rất hay.

Thậm chí, những diễn viên tài năng trên thế giới cũng hát rất hay như Anne Hathaway. Tôi từng hết hồn khi cô ấy đóng Những người khốn khổ mà thể hiện xuất thần ca khúc I have dream. Đó là những hình tượng tôi muốn hướng tới.

Thanh Duy Idol muốn hướng đến hình tượng nghệ sĩ đa tài.

http://www.vietnamplus.vn/dap-canh-giua-khong-trung-goc-khuat-cua-nguoi-chuyen-gioi/280123.vnp

Theo ChiLê/Vietnam+

Bạn có thể quan tâm