Chà Mi, á quân Vietnam's Next Top Model 2017, đang làm việc tại London, Anh quốc. Với gương mặt đậm nét Á đông, vừa qua cô nhận được nhiều lời mời chụp campaign và catalogue cho các nhãn hàng cũng như website thời trang.
Từ xứ sở sương mù, Chà Mi chia sẻ về góc khuất của sàn diễn quốc tế. Đó cũng chính là những khó khăn mà cô và rất nhiều người mẫu đến từ khắp nơi trên thế giới phải đối diện khi muốn chinh phục các kinh đô thời trang lớn như New York, Milan, London.
Chà Mi hiện làm việc tại London. Ảnh: FBNV. |
Người mẫu thuê nhà với giá cắt cổ
Chân dài sinh năm 1994 cho biết từng nhóm người mẫu sẽ ở chung trong căn hộ do agency (công ty quản lý) cung cấp nhưng phải trả tiền. Cô miêu tả chỗ ở rất giống nhà chung Next Top Model với những va chạm, xích mích, kịch tính.
"Con gái mà, cứ ở chung với nhau là vô số vấn đề xảy ra, nào là ăn đồ ăn của nhau, nào là con bé kia suốt ngày nói chuyện với bạn trai, nào là con đó chẳng chịu đi club cùng mọi người… Ôi thực sự rất đau đầu đấy các bạn ạ. Việc bạn phải làm là gì, coi một mùa Next Top để lấy kinh nghiệm và cách bạn chọn vai diễn nào là do bạn quyết định", Chà Mi tâm sự.
Theo Chà Mi, để có một chỗ ở trong ngôi nhà chung lộn xộn đó, mỗi người mẫu phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Cô gọi đó là cái giá "cắt cổ", cao gấp 2-3 lần giá thị trường.
Cụ thể, Chà Mi đang ở cùng bốn chân dài khác tại một căn hộ ở London, trung bình mỗi phòng hai người (thời điểm diễn ra tuần lễ thời trang, số lượng người mẫu đông hơn rất nhiều).
"Sau khi tỏa sáng lộng lẫy trên sàn catwalk hàng nghìn USD và khoác lên mình những thiết kế của những cái tên lớn nhất trong ngành thời trang, các người mẫu lại trở về với thực tại sống không mấy gì hấp dẫn.
"Chúng tôi phải trả 40 bảng Anh cho một đêm, vị chi một tháng là 1.200 bảng, tính ra tiền Việt thì bằng cả hơn một tháng tôi làm người mẫu ở Việt Nam - một con số quá mức đắt đỏ. Lâu lâu, tôi và mấy bạn khác thường than thở rằng 'Ôi trời, tao không biết có kiếm nổi tiền để trả tiền nhà tháng này không'", chân dài Việt kể về cuộc sống tại London.
Sự cạnh tranh bắt buộc người mẫu phải lấy lòng agency. Ảnh minh họa: Pinterest |
Tuy nhiên, Chà Mi cho rằng cô vẫn may mắn vì môi trường sống xứng đáng với số tiền bản thân chi trả. Chân dài quê Phú Thọ kể có những người mẫu phải chấp nhận ở nhà trọ chất lượng kém, không an toàn.
"Anya, cô bạn tôi quen tháng trước trong một buổi tiệc, cho biết mình phải trả 60 USD cho một đêm thuê phòng tại New York cùng với 7 người khác. Đó là một căn hộ đầy rệp và chuột, thậm chí còn không có khóa phòng. Một người mẫu khác từng hoạt động ở Milan cho biết chi phí nhà ở cô phải trả cho công ty mỗi tháng là 800 USD", Chà Mi viết trên trang cá nhân.
Trở về nước nếu không chịu được sự khắc nghiệt
Lý giải việc gần như tất cả người mẫu chấp nhận thuê nhà giá cao, Chà Mi bật mí họ cần phải lấy lòng công ty quản lý nếu muốn có việc, có show.
"Ngoài việc ăn chia phần trăm từ các công việc mà người mẫu kiếm được, hầu hết các agency còn kiếm lời từ việc cho thuê nhà. Nếu bạn không ở nhà của họ, họ chẳng muốn tìm việc cho bạn. Không có việc đồng nghĩa bạn bị đào thải. Và ở nước ngoài, tất cả khách hàng đều chỉ làm việc với người mẫu thông qua công ty đại diện".
Á quân Next Top Model kể thêm trong một tháng ở nhà chung người mẫu, cô chứng kiến không ít đồng nghiệp phải trở về nước vì không trụ được. Theo cô, để kiếm được việc ở thị trường nước ngoài, bên cạnh khuôn mặt đẹp, vóc dáng chuẩn, đôi lúc bạn phải dùng mẹo để khách hàng chú ý đến mình.
Chà Mi tiết lộ cát-xê cô nhận được cho mỗi hợp đồng khoảng 1.000 bảng nhưng phải chia cho công ty đại diện 38%. Bài toán chi tiêu sao cho hợp lý giữa tiền nhà, tiền điện thoại, chi phí đi lại... luôn khiến các cô gái đau đầu mỗi khi đi ngủ.
Chân dài Việt đồng thời khẳng định người mẫu khó có thể làm giàu bằng nghề: "Nó cũng giống như việc bơi ngoài biển lớn, một là bạn sẽ chết chìm trong hàng nghìn con sóng, hai là tồn tại để gặp thời. Giàu hay nghèo là tuỳ thuộc vào khả năng của bạn, tôi gọi đó là canh bạc của cuộc đời".
Khi được hỏi làng mốt quốc tế còn có những bí mật hậu trường nào mà khán giả ít biết, Chà Mi bộc bạch đó là sự cạnh tranh của người mẫu trong các buổi casting, những cám dỗ khó lòng từ chối, bê bối mang tên model party, hay cả những quán ăn miễn phí cho người mẫu…
Chà Mi cho biết nhiều người mẫu phải về nước vì không bám trụ được. Ảnh: Getty. |
Thực tế, Chà Mi không phải mẫu Việt duy nhất từng tâm sự về môi trường làm việc khắc nghiệt tại thị trường quốc tế. Hầu hết người mẫu đã có cơ hội đi diễn nước ngoài đều mô tả đó là nơi cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi cao và khắt khe trong từng chi tiết nhỏ.
Chân dài Hà Kino, từng tham gia Milan Fashion Week, chia sẻ nhiều lần cô trúng show diễn nhưng sau đó bị hủy ngang vì họ tìm được người khác thay thế. Theo cô, sự ưu tiên đối với những người mẫu bản xứ luôn tồn tại ở các tuần lễ thời trang. Người mẫu châu Á muốn trúng show phải đi casting nhiều hơn gấp 5 lần.
Cũng chính bởi sự cạnh tranh cao, hậu trường fashion week luôn có những câu chuyện gây sốc, những thực tế xấu xí. Đầu năm 2017, làng mốt xôn xao khi James Scully, một chuyên gia tuyển chọn người mẫu, tiết lộ sự việc 150 chân dài bị bỏ đói ở hậu trường Paris Fashion Week.
Thương hiệu Balenciaga liên quan đến show diễn sau đó gửi lời xin lỗi bằng văn bản đến hơn 100 người mẫu đã bị ngược đãi.