Thành phố New York luôn là địa bàn hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức xã hội đen, thường gợi nhớ đến những bộ phim về trùm mafia như Bố già, Cuộc chiến băng đảng, Con đường chiến binh...
Tuy nhiên, những thước phim đó lại không hề tái hiện Doyers, một trong những con phố “đẫm máu, chết chóc nhất” ở Chinatown (phố người Hoa) tại Mỹ.
Con phố huyền thoại
Doyers là nền móng cho những người nhập cư đến nước Mỹ tìm kế sinh nhai. Nơi đây ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, sự phân biệt chủng tộc, tính bài ngoại và tình trạng chia bè kết phái.
Khung cảnh nhộn nhịp tại Chinatown vào đầu những năm 1900. Ảnh: Fasttrackteaching. |
Vết rạn nứt nay đã bị lãng quên, chôn vùi trong tâm tưởng của người dân Chinatown, nơi từng chứng kiến những cuộc trả thù, thanh trừng quyết liệt giữa các băng đảng tội phạm.
Trong những năm tháng biến động, người dân New York gán cho Doyers cái mác “Bloody Angle” (Góc phố đẫm máu) bởi “những câu chuyện thật dài” về cuộc chiến giữa các băng đảng máu mặt.
Trước đây, Chinatown là địa bàn sinh sống chủ yếu của người nhập cư gốc Ireland, Do Thái và Ý.
Năm 1870, có chưa đến 100 người Hoa sống tại New York. Đến những năm 1880, dân Trung Quốc tại New York mới có khoảng 800 người. Cho đến thập niên 1890, tình trạng di dân ồ ạt thì con số mới lên đến 13.000 người.
Tuy nhiên, dân số Trung Quốc tại New York chưa đủ để xây dựng nên cộng đồng vững mạnh. Họ luôn ở dưới trướng của tầng lớp trung lưu da trắng, bản địa và phải làm việc vất vả tại nhà hàng hoặc hiệu giặt là.
Đương nhiên, những đàn ông châu Á không hứng thú với công việc đó, họ không còn chỗ bám víu, ngoài cuộc sống giang hồ.
Khơi mào cuộc chiến
Xuất thân từ các nhóm xã hội đen ở Trung Quốc, "Tong" là tên gọi cho các tổ chức “bảo vệ’ người Hoa ở nước ngoài.
Mock Duck lãnh đạo Hip Sings, với biệt danh Hồng Tâm, vì hắn thoát chết sau vô số lần bị mưu sát. Còn Tom Lee cầm đầu On Leong Tong và được coi là thị trưởng ngầm của Chinatown.
Đầu những năm 1900, Hip Sings và On Leongs là 2 “Tong” đầu sỏ, cạnh tranh bảo kê tại Chinatown.
Những băng đảng này nắm trong tay các tiệm hút thuốc phiện, vui chơi giải trí, sòng bạc, nhà thổ mà không cần phải dè chừng pháp luật. Những người này lộng hành, thực hiện các hoạt động phi pháp, tội ác, bạo lực với đồng hương.
Chân dung Mock Duck - thủ lĩnh tiêu biểu của Hip Sing Tong. Ảnh: Library of Congress.
|
Dọc đường Doyers, các toà nhà cao tầng là nơi tổ chức các ổ thuốc phiện, cờ bạc (hoàn toàn hợp pháp vào thời điểm đó). Gái mại dâm chen nhau ngồi chờ khách trong các phòng tầng trên và quán bar ở bể bơi.
Bấy giờ, Chinatown khét tiếng là nơi ăn chơi trác táng, có thể dễ dàng tìm thấy thuốc phiện và gái điếm ở mọi ngóc ngách.
Thậm chí, New York Times đã miêu tả khu phố này vào năm 1880 như sau: “Những con đường ở New York ban đầu trông rất bình thường, nhưng dần dần, từng ngôi nhà, góc phố đều nhuốm màu tội ác. Khi rảo bước, bạn không thể biết được điều gì sẽ xảy ra”. Chinatown là một địa điểm văn hoá điển hình của người Hoa ở hải ngoại, các băng nhóm cũng công khai đảm bảo sự an toàn trong khu vực này.
Trái ngược với khung cảnh xô bồ, náo nhiệt bên ngoài, nhà hát Trung Quốc nằm trên đường Doyers luôn mang trong mình vẻ yên bình, trầm mặc.
Tối ngày 7/8/1905, đường Doyers bỗng chốc trở thành “góc phố đẫm máu” và đi vào huyền thoại lịch sử nước Mỹ.
Thành viên 2 nhóm tập trung trong nhà hát, theo dõi vở kịch The King’s Daughter. Tờ The Sun cho biết: “Có khoảng 500 người đàn ông Trung Quốc, đa số họ làm việc cho các hiệu giặt là ở Manhattan, The Bronx và Jersey City”.
2 băng đảng mạnh nhất mặt đối mặt, im lặng và điềm tĩnh. Không khí lúc đó được cây bút Nickolaus Hines miêu tả căng thẳng như “đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ ngồi nghe Thông điệp Liên bang”.
Đột nhiên, một tay anh chị thuộc Hip Sings ném chùm pháo lên sân khấu, nhằm đánh lạc hướng kẻ thù và ra dấu hiệu cho 10 đồng đội của hắn xả súng vào phía 4 tên thuộc On Leongs.
4 thanh niên trúng đạn, nằm sõng soài dưới sàn nhà, những người khác chen lấn, giẫm đạp lên nhau để cố tìm nơi ẩn nấp. Các sát thủ tiếp tục nhả đạn liên tiếp.
Sau khi vụ bắn giết đẫm máu xảy ra, từng đoàn người hiếu kỳ kéo về phía nhà hát để chứng kiến tận mắt hiện trường vụ thảm sát.
Còn các tay súng nhanh chóng lẩn trốn bằng đường hầm phân nhánh từ phố Doyers. Điều đáng chú ý, không một hung thủ nào trong vụ xả súng bị buộc tội và bắt giữ.
Song, cuộc tàn sát đã để lại hậu quả lâu dài, khơi mào cuộc đối đầu đẫm máu giữa các băng đảng tại Doyers.
Đến năm 1909, 4 năm sau vụ thảm sát tại nhà hát Trung Quốc ở Chinatown, căng thẳng giữa 2 băng đảng Hip Sings và On Leongs ngày càng leo thang tới mức báo động. Đỉnh điểm là việc On Leongs bắt giữ và giết chết cô gái điếm Bow Kum thuộc Hip Sings.
Cuộc báo thù kéo dài đến tận năm 1925, bằng nhiều vụ đánh bom đẫm máu, khiến khoảng 50 người Hoa phải bỏ mạng...
Mời bạn đọc đón xem trong kỳ tiếp theo về những mâu thuẫn giữa các băng đảng châu Á ở Chinatown.