Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Góc phố Danh Vọng': Nhạt nhưng rực rỡ sắc màu Broadway

"Góc phố Danh Vọng" là một vở nhạc kịch nhạt, đúng như đạo diễn thừa nhận nhưng điều đặc biệt là cái "nhạt" ấy không vô vị như người ta tưởng, thậm chí đầy sắc màu Broadway.

Dù được PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái nhắn nhủ “Bằng mọi giá, bạn phải đi xem cả 3 vở diễn của Nguyễn Phi Phi Anh để thấy anh chàng này là người có tài”, người viết vẫn không khỏi hoài nghi về một đạo diễn 9X dáng người nhỏ, giọng nói cũng nhỏ. Duy chỉ có một thứ không nhỏ mà người đối diện có thể dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với anh - tư duy làm nghệ thuật.

Goc pho Danh Vong anh 1
Khán giả xếp hàng chờ soát vé xem nhạc kịch Góc phố Danh Vọng

Sân khấu thủ đô rộn rã

Nguyễn Phi Phi Anh, dù lấy tên một nhân vật hoạt hình để làm nghệ danh, vẫn thừa tuổi để được gọi là “thần đồng” và không còn đủ nhỏ để được ví von là “cậu bé vàng nhạc kịch”. Thế nhưng, ở lứa tuổi nào, tác giả Đêm hè sau cuối cũng sẽ được cho là một người chẳng giống ai, đúng như anh từng thẳng thắn: “Tôi rất dị, sự thật là như thế”.

Cái sự dị của anh chàng vừa tốt nghiệp chuyên ngành sân khấu – điện ảnh tại Đại học Hampshire, Mỹ kết hợp với những điều mới mẻ của một dự án nhạc kịch, tên "kêu như chuông" - HOPE (HY VỌNG) - khiến sân khấu thủ đô những ngày gần đây trở nên rộn ràng sau những tháng năm u oải.

Tất nhiên, không phải sự u oải về chất lượng. Bằng chứng là một năm trở lại đây, sân khấu miền Bắc tái dựng nhiều vở diễn kinh điển, thậm chí có tác phẩm gây được tiếng vang như Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam hay chuỗi 5 vở hay nhất của Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện.

Nhưng, đối tượng quan tâm đến các tác phẩm có chất lượng đó chủ yếu là "dân" sân khấu - văn học, người trung tuổi với những ký ức về thời hoàng kim của kịch nghệ. Không vở diễn nào kéo được đông đảo người trẻ đến thưởng thức, càng không có chuyện “cháy” vé hay xếp hàng chờ vào nhà hát.

Vậy mà, Nguyễn Phi Phi Anh – một đạo diễn sinh năm 1991 kiêm tác giả kịch bản và nhà sản xuất lại có thể kéo khán giả đến rạp, dù cái rạp ấy lạnh đến mức người xem cần một cái chăn để đắp.

Vở Đêm hè sau cuối, ê-kíp thực hiện phải mở thêm 4 đêm diễn so với 6 đêm như dự kiến. Còn vở Góc phố Danh Vọng đang công diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp cũng không thấy có dấu hiệu ế vé, nếu không muốn nói là vé đã được bán hết trước hàng tuần lễ.

Goc pho Danh Vong anh 2
Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của Vũ Đỗ Quang Minh (ngoài cùng bên trái) trong vai Rudolph.

Nhạt nhưng không vô vị

Công bằng mà nói cả hai tác phẩm của Nguyễn Phi Phi Anh là Đêm hè sau cuối Góc phố Danh Vọng đều chưa đạt tới sự hoàn hảo.

Sân khấu quá nhỏ, không khó để cảm nhận sự chật chội, bí bách. Dàn diễn viên cũng không ai hội tụ được đầy đủ tài năng cần thiết của một nghệ sĩ nhạc kịch với 3 khả năng diễn xuất, giọng hát và vũ đạo.

Nội dung tác phẩm của đạo diễn 9X cũng không có nhiều thứ để người xem phải “sởn da gà” vì xúc động hoặc kinh ngạc. Kịch bản không đề cao những triết lý đời sống, cũng không đi đến cùng của nội dung thể loại. Đêm hè sau cuối được lấy cảm hứng từ tác phẩm trinh thám nhưng tình tiết không quá bất ngờ, thậm chí diễn giải hơi nhiều.

Trong khi, Góc phố Danh Vọng, vốn được xem là một vở hài hước và giải trí. Nhưng cũng tương đối vừa chừng, không làm khán giả cười sảng khoái, nhiều tình tiết bị cho là lê thê, thoại từ vô nghĩa. Người xem chỉ có thể rụt rè tủm tỉm, tuyệt nhiên không đủ cảm xúc để cười rồ rộ và phớ lớ.

Cả hai vở diễn của Nguyễn Phi Phi Anh đều “nhạt” đặc biệt là Góc phố Danh Vọng, như chính nam đạo diễn từng thừa nhận. Nhưng điều kỳ lạ là nhiều người vẫn có thể xem đến lần thứ 3, thậm chí nhiều hơn nữa.

Ngay cả PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - người nổi tiếng sắc sảo trong giới phê bình sân khấu cũng phải quả quyết với người viết: “Tôi không thể thỏa mãn nếu chỉ xem Đêm hè sau cuốiGóc phố Danh Vọng một lần”.

Không thể hoàn hảo nhưng Nguyễn Phi Phi Anh biết đặt để đâu ra đấy các yếu tố làm nên sự thành công. Dàn diễn viên không chuyên được bù đắp bằng sự trẻ trung, nhiệt huyết, đậm chất sinh viên.

Sân khấu chật chội được biến hóa thành một không gian lớp lang, tầng cao tầng thấp. Kịch bản không cao siêu, thâm thúy nhưng lại ghi điểm nhờ nội dung mới và mở, người thưởng thức có thể hiểu theo cách này và cũng có thể nghĩ theo cách khác.

Quan trọng hơn cả, Nguyễn Phi Phi Anh là chính mình trong các tác phẩm của anh. Không lẽo đẽo chạy theo sau khán giả, cũng không phải kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Nam đạo diễn 9X làm nghệ thuật theo cách của bản thân, thậm chí không mấy quan tâm đến những lời khen - chê.

Goc pho Danh Vong anh 3
Minh Quân Idol đóng vai Flint trong Góc phố Danh Vọng, trước đó anh đóng vai cậu Khánh trong vở Đêm hè sau cuối.

“Hồn Tây xác Việt”

Nguyễn Phi Phi Anh có “cái tôi” cần thiết của đạo diễn trẻ, được đào tạo tại nước ngoài và sở hữu lối tư duy độc lập trong nghệ thuật. Chính sự độc lập, khiến anh không bị sa đà trong áp lực Việt hóa một loại hình kịch nghệ rất phương Tây mang tên Broadway, dù điều ấy rất cần thiết.

Nếu Đêm hè sau cuối còn có câu chuyện “rất Việt Nam” đó là mối quan hệ gia đình và cách giải quyết mâu thuẫn quen thuộc “tình - tiền - tù - tội”. Đến Góc phố Danh Vọng, Nguyễn Phi Phi Anh trở nên Tây hoàn toàn. Ngoài sân khấu, diễn viên và giọng nói Việt, tất cả những yếu tố còn lại đều Tây, từ trang phục, tên nhân vật với Rudolph, Roxanne và Flint tới nội dung câu chuyện rực rỡ sắc màu cổ tích.

Và các khán giả “cứng”, mặc lòng, không thể tham vọng Nguyễn Phi Phi Anh sẽ mang nón lá, đàn bầu hoặc các loại nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, quan họ kết hợp với nhạc kịch phong cách Broadway. PPAN nhiều năm sống ở nước ngoài, việc bị “Tây hóa” là điều khó tránh khỏi.

Dĩ nhiên, điều ấy chưa hẳn đã tốt. Broadway Việt dù có thành công và được đón nhận cũng sẽ không thể mơ mộng hiện hữu trên bản đồ nghệ thuật, nếu chỉ quanh quẩn với những câu chuyện phục vụ giới trẻ và gây chú ý nhờ chưa ai từng làm.

Nguyễn Phi Phi Anh là người có tài. Thật không đơn giản để kéo khán giả trẻ đến rạp xem kịch vì hiện nay có quá nhiều loại hình giải trí. Vậy mà, tác giả 9X đã làm được, thậm chí làm tốt hơn nhiều người kỳ vọng.

Lẽ hiển nhiên, để đi được đường dài ở Việt Nam, với một sân khấu lớn hơn, không chỉ vài trăm chỗ như Trung tâm Văn hóa Pháp, với đối tượng khán giả đa dạng hơn, không chỉ số đông là giới trẻ. Tác giả Góc phố Danh Vọng cần phải làm nhiều hơn hai tác phẩm... “hồn Tây xác Việt”.

Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh: ‘Tôi rất dị, sự thật là thế’

Tác giả của nhạc kịch "Đêm hè sau cuối" cho biết cách nghĩ của anh không giống người bình thường và cách hành xử cũng khác.

Quang Đức

Ảnh: Đặng Dương

Bạn có thể quan tâm