Cameron được hco là sức khỏe ổn định sau cuộc giải cứu. Ảnh: Rockall Expedition. |
Chris “Cam” Cameron (53 tuổi), một giáo viên kiêm cựu quân nhân, đang cố gắng lập kỷ lục thế giới về số ngày sống trên một hòn đảo cằn cỗi ở phía bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, người đàn ông đã gọi cứu hộ sau 30 ngày thực hiện thử thách, theo The Guardian.
Cameron khao khát được sống một mình trên hòn đảo rất nhỏ có tên Rockall trong tối đa 60 ngày, ít nhất là vượt qua kỷ lục 45 ngày do Nick Hancock, một nhà khảo sát và nhà thám hiểm thiết lập vào năm 2014.
Đảo Rockall, trông giống như một tảng đá, chỉ rộng 30 và cao 21 m. Hòn đá nằm trơ trọi ở Đại Tây Dương, cách quần đảo Outer Hebrides khoảng 370 km về phía tây.
Hòn đảo hoang vắng nơi ông Cameron sinh sống 30 ngày qua. Ảnh: PA. |
Người đàn ông đặt chân lên hòn đảo vào ngày 30/5 sau khi di chuyển 675 km bằng du thuyền từ làng Inverkip (vịnh Clyde, Anh), bắt đầu hành trình chinh phục thử thách. Nhưng sau khoảng 30 ngày, Cameron đã gọi cứu trợ do “điều kiện thời tiết chuyển xấu” và được lực lượng lính tuần phòng bờ biển giải cứu thành công.
Khi nhận được cuộc gọi cấp cứu vào 8h55 ngày 28/6, Cơ quan Bảo vệ Hàng hải và Bờ biển Vương quốc Anh (MCA) đã gửi một máy bay trực thăng tìm kiếm và cứu hộ từ thị trấn Stornoway (Scotland), cùng một máy bay khác để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Theo cơ quan, rất nhiều đồ dùng của Cameron đã bị sóng biển và gió lớn phá hủy chỉ trong một đêm. Nhiều lần, thầy giáo này cũng suýt bị cuốn trôi.
Cameron, đến từ làng Cherhill (hạt Wiltshire, Anh), thực hiện thử thách sống trên đảo hoang nhằm mục đích gây quỹ cho các tổ chức từ thiện như ABF, Tổ chức từ thiện của Những người lính, Tổ chức từ thiện của Hải quân Hoàng gia, và Tổ chức từ thiện cho Thủy quân lục chiến Hoàng gia.
Thầy giáo người Anh muốn tái thiết lập kỷ lục thế giới nhằm gây quỹ từ thiện. Ảnh: PA. |
Tại Rockall, ông sinh hoạt trong một khu vực có tên là Hall’s Ledge, rộng khoảng 1,5 x 4 m, ngay dưới đỉnh của mỏm đá granit cao 17 m. Cameron chỉ có các loài chim biển và một vài con cá voi mũi nhọn bầu bạn.
Ngày 4/6, một tàu bảo vệ biển của Scotland bất ngờ đến thăm Cameron trên đảo Rockall và mang theo một hộp đồ tiếp tế. 6 thành viên của tàu đã sử dụng chiếc thuyền bơm hơi để vận chuyển chiếc hộp lên tảng đá dốc đứng.
Trong một bài đăng trên Twitter, những người ủng hộ cựu quân nhân thông báo rằng thử thách của ông đã kết thúc.
“Do điều kiện thời tiết và biển tại Rockall chuyển xấu trong 24 giờ qua, Cameron đã tuyên bố tình trạng nguy hiểm vào chiều nay. Một chiến dịch sơ tán ông rời khỏi hòn đảo hiện được điều phối bởi lực lượng lính tuần phòng bờ biển HM Coastguard. Xin đừng đưa ra các suy đoán vào lúc này”, trích nội dung bài viết ngày 28/6.
Vài giờ sau, trang cập nhật rằng Cameron đã an toàn. Ông lập tức được đưa đến bệnh viện Western Isles để kiểm tra sức khỏe sau thời gian dài sinh hoạt trong điều kiện khắc nghiệt.
“Chúng tôi rất tự hào về những thành tích, cũng như lòng dũng cảm của Cameron khi đưa ra quyết định rất khó khăn trong bối cảnh đối mặt với thời tiết khủng khiếp như vậy”, gia đình thầy giáo chia sẻ.
Họ nói thêm: “Chúng tôi rất mong được chào đón ông ấy về nhà và hy vọng rằng những cuộc phiêu lưu trong tương lai của ông sẽ bớt rủi ro hơn một chút”.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống.