Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gợi ý đáp án đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở TP.HCM

Đề thi môn Ngữ văn lớp 10 có chủ đề "Để những suy nghĩ cất lên thành lời". Thí sinh tham khảo gợi ý đáp án dưới đây.

thi lop 10 TP.HCM anh 1
thi lop 10 TP.HCM anh 2

Gợi ý đáp án

Gợi ý đáp án do tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện.

Câu 1 (3 điểm)

a) Hai lợi ích của việc để những nghĩ suy cất lên thành lời là:

+ Mang đến sự chia sẻ cảm thông.

+ Tạo thành mối dây liên kết giữa người với người.

b) Thành phần biệt lập trong đoạn thơ của Lưu Quang Vũ:

+ Thành phần biệt lập gọi đáp “Mẹ ơi”.

c) Từ nội dung đoạn trích trong cuốn Nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, học sinh rút ra được những hiểu biết về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.

+ Đó là những chàng trai, cô gái sẵn sàng rời ghế nhà trường đi theo tiếng gọi thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc. Họ tự nguyện vào chiến trường, đối mặt với bao hiểm nguy để sống hết mình với lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

+ Đó là thế hệ trẻ đã chứng kiến, thấu hiểu và biết ơn sự hi sinh của những người đi trước để từ đó họ có thêm động lực tiếp tục hành trình bảo vệ Tổ quốc.

+ Đó cũng là tuổi trẻ kiên cường, gan dạ, bản lĩnh của họ được tôi luyện, rèn giũa từ khói lửa chiến tranh và từ lòng căm thù giặc sâu sắc

d) Với những góc nhìn khác nhau, thí sinh đưa ra quan điểm cá nhân của mình về cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác / Không ai khác có thể trở thành tớ. Thí sinh cần lập luận để chỉ ra lý do mình thích hay không thích.

Một vài gợi ý:

- Em rất thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: “Tớ không trở thành ai khác / Không ai khác có thể trở thành tớ”. Bởi vì:

+ Chia sẻ của Bao Nakashima đã khẳng định những giá trị riêng biệt của bản thân mỗi người. Mỗi người sinh ra là một cá thể riêng biệt, độc đáo và duy nhất, không lẫn với bất kỳ ai.

+ Vì chúng ta là cá thể độc đáo, riêng biệt, ta cũng không cần lặp lại, bắt chước hay trở thành bản sao của bất kỳ ai. Ta cần giữ được bản sắc của riêng mình trong suốt hành trình khôn lớn và trưởng thành.

→ Chính nhờ sự khác nhau này đã tạo nên tính đa dạng cho cuộc sống, sự muôn màu cho xã hội. Xã hội phát triển là nhờ vào những giá trị riêng biệt của cá nhân tạo thành.

Câu 2 (3 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận;

Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Vấn đề nghị luận: “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời…”.

* Giải thích:

- Giải thích ý thơ: Cuộc sống có những biến cố và khi chúng ta vấp ngã sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh.

- Vấn đề cần bàn luận: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời thì sẽ tạo nên sự nuối tiếc, còn ngược lại, nó sẽ là nền tảng cho tình yêu thương, sự gắn kết giữa người với người.

* Bàn luận:

- Những suy nghĩ tốt đẹp không chỉ là những lời cảm ơn chân thành dành cho hành động giúp đỡ của người khác với mình mà đó còn là việc mình lan tỏa sự giúp đỡ đó cho những người xung quanh.

- Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời thì những tình cảm tốt đẹp sẽ không được thể hiện và lan tỏa, cuộc sống sẽ bớt đi những sắc màu tươi sáng, tâm hồn ta sẽ nặng trĩu những nuối tiếc.

- Làm thế nào để những suy nghĩ tốt đẹp khi cất lên thành lời? Phải cất lời cảm ơn kịp thời, đúng thời điểm để người giúp đỡ, hỗ trợ ta cảm nhận được thành ý của ta. Những suy nghĩ tốt đẹp cũng cần xuất phát từ tình cảm chân thành vì như vậy những điều tích cực đẹp đẽ mới được lan truyền rộng rãi.

* Dẫn chứng:

- Lời cảm ơn sau khi nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh mình: Bác bảo vệ, cô bán nước, người bạn…

- Hoạt động tri ân, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ, những người công với đất nước, dân tộc…

- Lắng nghe những ý tưởng khởi nghiệp và sẵn sàng ủng hộ khi thấy phù hợp: Đổi giấy, quần áo cũ lấy cây xanh; túi làm từ các vật liệu tái chế…

* Mở rộng vấn đề:

- Bày tỏ thái độ không đồng tình với những quan niệm, hành động sai lầm: Những người ích kỷ, vô cảm, không biết sẻ chia và cảm thông; không biết nói lời cảm ơn...

* Bài học và nhận thức:

- Hiểu được vai trò, giá trị của việc sẻ chia những điều tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống.

- Lan truyền những tấm gương người tốt, việc tốt tới những người xung quanh để rút ra được bài học đúng đắn trong cách hành động và ứng xử.

- Nên bày tỏ, bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc chân thành để mọi người cảm nhận được những điều tốt đẹp mình muốn lan tỏa.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 3 (4 điểm)

Đề 1:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận;

Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. Triển khai vấn đề:

Thí sinh lựa chọn một khổ thơ hoặc một đoạn thơ tiêu biểu về tình yêu nước của con người Việt Nam và phân tích.

Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

- Tác giả: Phạm Tiến Duật (1941-2007), quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ cứu nước. Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến trong hình tượng lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

- Khổ thơ trích trong bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính, bài thơ được viết năm 1969, thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt trên con đường chiến lược Trường Sơn.

+ Xuất xứ: Bài thơ được in trong tập thơ Vầng trăng quầng lửa.

+ Khái quát: Khắc họa một hình ảnh độc đáo những chiếc xe không kính. Qua đó, tác giả khắc họa nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời chống Mỹ với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dũng cảm bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam.

2. Phân tích khổ thơ

- Khổ thơ tạo nên kết cấu đối lập, bất ngờ sâu sắc: Đối lập giữa hai phương diện vật chất và tinh thần, giữa vẻ bên ngoài và bên trong của chiếc xe. Trải qua mưa bom bão đạn, những chiếc xe ban đầu đã không có kính, bị bom Mỹ làm cho biến dạng đến trần trụi.

a. Hai câu thơ đầu: Hiện thực tàn khốc của chiến tranh

- Biện pháp liệt kê những điểm không hoàn thiện của chiếc xe: Không có kính, rồi xe không có đèn, không có mui xe, thùng xe có xước.

- Điệp ngữ “không có” được nhắc lại ba lần.

→ Vừa nhấn mạnh sự thiếu thốn đến trần trụi của những chiếc xe, vừa thể hiện sự ác liệt, tàn khốc của chiến trường.

b. Hai câu thơ sau: Ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

- Nhưng không có gì có thể cản trở được sự chuyển động kỳ diệu của những chiếc xe trơ trụi ấy, những chiếc xe không có kính vẫn băng băng ra chiến trường.

- Tác giả lý giải bất ngờ và lý trí: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

+ Hình ảnh hoán dụ: Lấy hình ảnh trái tim để chỉ người lính.

+ Đối lập với tất cả những cái “không có” ở trên là một cái “có”. Một bên là hiện thực khốc liệt, một bên là sức mạnh ý chí, tình yêu nước, niềm tin, niềm hi vọng vào thắng lợi.

+ Đó không chỉ là sự ngoan cường, dũng cảm vượt lên trên mọi gian khổ ác liệt mà còn là sức mạnh của tình yêu nước.

→ Trái tim trở thành hình ảnh trung tâm của cả bài thơ và để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

* Tiểu kết về nội dung và nghệ thuật.

3. Liên hệ bản thân

- Trái tim người lính tỏa sáng rực rỡ mãi đến muôn thế hệ mai sau, khiến ta không quên một thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ oanh liệt của dân tộc.

- Khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng biết ơn trong mỗi con người Việt Nam. Đó cũng là động lực để chúng ta biết sống cống hiến, sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước.

- Biểu hiện: Thể hiện bằng hành động cụ thể (nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành con người đủ sức, đủ tài; lao động tích cực; dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu...).

4. Tổng kết

- Khái quát lại tinh thần yêu nước được thể hiện trong khổ thơ.

- Khẳng định và kêu gọi lòng yêu nước của mỗi công dân Việt Nam.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đề 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận;

Có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. Triển khai vấn đề:

1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm

- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng (1932-2014), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các sáng tác của ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

- Tác phẩm: Truyện ngắn Chiếc lược ngà

+ Hoàn cảnh sáng tác: Được viết năm 1966 (khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ) và được đưa vào tập truyện cùng tên.

+ Khái quát: Tình huống truyện bất ngờ mà hợp tự nhiên, đoạn trích đã thể hiện tình cha con sâu đậm và cao đẹp trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

2. Cảm nhận về tình cha con trong văn bản Chiếc lược ngà

a. Tình cảm ông Sáu: Tình cha ấm áp, sâu đậm

- Khi chia tay, ông Sáu rất lưu luyến, muốn “ôm con, hôn con” nhưng sợ con “giãy lên”, “bỏ chạy” nên ông đành đứng nhìn.

- Khi bé Thu nhận cha, ông Sáu “không ghìm được xúc động”, một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt. Chi tiết giọt nước mắt là một chi tiết tiêu biểu:

+ Đây là giọt nước mắt hạnh phúc của người cha, của những nỗi đau được xoa dịu, giống như một phép màu hàn gắn những vết thương lòng bấy lâu nay. Bởi người cha ấy không mong chờ gì hơn ngoài việc được con yêu thương, được nghe tiếng gọi “Ba…” xé lòng từ bé Thu.

+ Bên cạnh đó, giọt nước mắt ấy hé lộ phần tâm hồn giàu yêu thương của ông Sáu. Tuy trải qua những hiểm nguy mất mát nơi chiến trường (hai cuộc chiến) nhưng người lính cứng cỏi ấy đã không thể kìm được giọt nước mắt hạnh phúc trước những người yêu thương.

- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình thương và mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con: “Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”, “Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược ngà là một vật quý giá, thiêng liêng với ông Sáu, nó làm dịu đi nỗi nhớ con và chứa đựng tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách.

→ Cây lược ngà là kết tinh cho tình phụ tử: Mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà kỳ diệu.

b. Tình cảm bé Thu: Tình con trong sáng, mãnh liệt

- Trong giờ phút chia tay, “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đôi mắt ấy vừa gợi ra nỗi niềm man mác, thăm thẳm, bâng khuâng khó nói; vừa bộc lộ nỗi niềm ân hận của Thu vì những hành động chưa đúng với ba. Không chỉ vậy, đôi mắt còn ẩn chứa sự cô đơn, lạc lõng khi không ai chú ý đến nó trong giờ phút chia ly và sự đớn đau, xót xa vì ngay tại giờ phút này nó sắp phải chia xa người ba yêu dấu của mình.

→ Tất cả nỗi niềm ẩn giấu nơi đôi mắt của bé Thu chính là những biểu hiện sống động cho tình cha con sâu đậm.

- Khi Thu “thét lên”: “Ba…a…a…ba!”, đây chính là lúc tình cha con trỗi dậy, sáng rực. Tiếng gọi “ba” ấy thật thiết tha, cảm động bởi đó là tiếng “ba” mà Thu “cố đè nén trong bao nhiêu năm nay”, tiếng gọi “ba” thân thương mà trong suốt quãng đời ấu thơ của nó chưa từng cất lên. Tiếng gọi ấy còn ẩn chứa sự bùi ngùi, xót xa bởi tình yêu của Thu dành cho ba của mình lớn biết bao, vậy mà số phận trớ trêu khiến nó tàn nhẫn với ba, coi ba như người lạ và đến tận lúc chia xa, nó mới nhận ra ba nó.

- Hành động “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó” như một lời xin lỗi, như một cách bày tỏ tình yêu thương vô bờ, sự kính trọng dành cho ba.

* Tiểu kết về tình cha con ông Sáu trong văn bản Chiếc lược ngà.

3. Liên hệ với bản thân

- Xác định vấn đề: Cách bạn trò chuyện và thấu hiểu về tác phẩm Chiếc lược ngà.

- Chia sẻ cách đọc của bản thân về tác phẩm Chiếc lược ngà:

+ Đầu tiên, đọc và cảm nhận tình cảm cha con ông Sáu được thể hiện qua tác phẩm (qua tình huống truyện, cách xây dựng nhân vật, lựa chọn ngôi kể...).

+ Tiếp theo, tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác, liên hệ với hoàn cảnh thực của đất nước: Chiếc lược ngà viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đình bị chia cách, ly tán lúc bấy giờ (qua bối cảnh).

+ Cuối cùng, đặt tình phụ tử đó vào hoàn cảnh chia ly trong chiến tranh để thấu hiểu sự sâu sắc, thiêng liêng của tình cảm này, đồng thời thấy được sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh.

+ Từ nội dung tác phẩm, liên hệ và nhìn nhận về cuộc sống xung quanh, về tình cha con, tình cảm gia đình và tình yêu đất nước; lòng biết ơn dành cho sự hy sinh của những thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

c. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

thi lop 10 TP.HCM anh 3

Học sinh điểm thi THCS Đoàn Thị Điểm nhận xét đề thi khá vừa sức. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đề thi quen thuộc với thí sinh

Tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét cấu trúc đề thi năm nay tương tự năm 2022-2023, gồm 3 câu theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản. Chủ đề “Để những nghĩ suy cất lên thành lời” của đề khá hay, độ phân hoá của đề thi rất tốt. Do vậy, dự kiến kiến phổ điểm trung bình dao động trong khoảng 6-7 điểm.

Về phần Đọc hiểu, các giáo viên nhận xét ngữ liệu được lựa chọn khá tốt; các câu hỏi khai thác ngữ liệu kiểm tra được cả kỹ năng đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt của thí sinh.

Câu hỏi số 4 (ý d) của phần này rất hay, thí sinh sẽ cần tư duy về cuộc sống, quan điểm của bản thân và đưa ra cách trình bày hợp lý. Tuy nhiên, câu hỏi số 3 (ý c) là một câu hỏi vận dụng, đòi hỏi thí sinh rút ra bài học, thông điệp từ nội dung văn bản nên sẽ cần chú ý về thời gian làm bài và cân đối các nội dung.

Ở câu Nghị luận xã hội, vấn đề đưa ra được nhận xét là khá hay, đặt ra cho thí sinh sự suy nghĩ về tình yêu cuộc sống và sự lan tỏa những giá trị tích cực.

Đối với yêu cầu này, thí sinh cần đưa ra những lý giải phù hợp, dẫn chứng rõ ràng để nêu bật quan điểm về việc tạo ra, lan tỏa những điều tốt đẹp, có ý nghĩa trong cuộc sống.

Việc vận dụng các thao tác lập luận tốt, kết hợp với các dẫn chứng phù hợp sẽ là điểm nhấn cho bài làm của thí sinh. So với yêu cầu của năm trước khi chỉ ra mối quan hệ giữa thời gian và sự trưởng thành, ở câu hỏi này, thí sinh có thể dễ dàng đạt được khoảng 2-2,25 điểm.

Đối với phần thi Nghị luận văn học, các giáo viên đưa ra nhận xét như sau.

Ở đề 1, khi được yêu cầu lựa chọn một khổ thơ hoặc đoạn thơ bất kỳ để làm rõ tình yêu nước của con người Việt Nam, thí sinh có thể chọn một khổ thơ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính hoặc Mùa xuân nho nhỏ đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 và tiến hành phân tích.

Câu hỏi này không khó, thí sinh có thể lúng túng khi lựa chọn văn bản nhưng phần làm bài sẽ không gặp trở ngại lớn vì đây là 2 tác phẩm khá quen thuộc trong chương trình phổ thông.

Ở đề 2, yêu cầu đề không mới, rất quen thuộc với thí sinh. Tuy vậy, cách đặt vấn đề của đề thi có khả năng gây nhiễu thông tin cho thí sinh.

Với yêu cầu viết bài văn nghị luận trình bày những suy nghĩ của bạn về tình cảm gia đình trong tác phẩm hoặc đoạn trích, thí sinh có thể lựa chọn văn bản trong SGK hoặc ngữ liệu ngoài, nhưng chia sẻ về “cách đọc” sẽ gây khó cho một số thí sinh khi viết vì khó để hệ thống, sắp xếp những suy nghĩ cá nhân trong thời gian ngắn. Những thí sinh thích lối tư duy mở sẽ cảm thấy hứng thú với cách đặt vấn đề này.

Sau 120 phút làm bài thi, học sinh ở điểm thi THCS Đoàn Thị Điểm rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Nhiều em nhận xét đề thi không quá mới lạ, khá vừa sức và không có câu hỏi quá khó hay đánh đố thí sinh. Một số thí sinh nói rằng dù môn Ngữ văn không phải sở trường, các em vẫn làm được khoảng 60-70% đề thi.

Chiều 6/6, thí sinh thi vào lớp 10 ở TP.HCM tiếp tục làm bài thi môn Ngoại ngữ. Môn Ngoại ngữ được ra dưới hình thức trắc nghiệm với 40 câu, thời gian làm bài là 90 phút.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Đề Văn 'Để suy nghĩ cất lên thành lời' của kỳ thi vào lớp 10 ở TP.HCM

Câu 1 và 2 trong đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập ở TP.HCM có chủ đề "Để những suy nghĩ cất lên thành lời" trong khi ở câu 3, thí sinh được chọn làm một trong 2 đề.

Thái An

Bạn có thể quan tâm