Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Gồng mình chịu trận' từ hôm lấy chồng

Tôi 29 tuổi, mới lấy chồng 3 tháng. Chồng tôi luôn có nhu cầu, còn tôi lại cảm thấy sợ. Vì sau mỗi lần “gần” chồng, tôi cảm thấy đau rát, chứ không cảm thấy hạnh phúc.

Hiện, tôi đang rất mâu thuẫn, một mặt tôi muốn né tránh chồng, một mặt tôi cũng muốn tiếp tục với hy vọng lâu dần sẽ quen, sẽ ổn và có cảm hứng chăn gối. Xin chuyên gia cho biết tình trạng của tôi có bình thường và tôi nên làm thế nào để vừa đáp ứng được chồng, và chính mình cũng tìm được niềm vui - chứ không phải là thi hành "nghĩa vụ" - Hoanguyen1985@

- Tôi nghĩ bạn đang có ức chế tâm lý khá lớn trong chuyện gối chăn với chồng, nếu không “giải phóng” được ức chế này, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn.

“Hiện, tôi đang rất mâu thuẫn, một mặt tôi muốn né tránh chồng, một mặt tôi cũng muốn tiếp tục với hy vọng lâu dần sẽ quen, sẽ ổn và có cảm hứng chăn gối”. Cả hai hướng suy nghĩ của bạn đều tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến những hệ quả không hay. Né tránh chồng sẽ gây nguy cơ sứt mẻ tình cảm, gây ức chế cho chồng. “Tiếp tục với hy vọng lâu dần sẽ quen” nghe có vẻ hết sức khó nhọc, chịu đựng, nghĩa là bạn đang tự làm khổ mình, giành phần khổ cho mình như một sự hy sinh. Sao bạn không đến với ái ân một cách thoải mái, vui vẻ, hứng khởi nhỉ?

Tôi đoán phần nào ức chế ở bạn đến từ những lần quan hệ đầu tiên. Thường thì các bạn nữ hay truyền tai nhau rằng "chuyện ấy, lần đầu đau lắm" dẫn đến tâm lý hoang mang, lo sợ. Nên khi quan hệ tình dục lần đầu, nhiều cô gồng cứng, gây khó khăn cho sự xâm nhập của “vật thể lạ” và bị thương tổn, đau rát.

Về phía bạn, có thể bạn cũng giống như những cô gái nói trên, đã “hoang mang, lo sợ”, rồi “gồng cứng” khiến cho cuộc “yêu” trở thành một cuộc “trân mình chịu trận”. Và rồi, bạn bị ám ảnh sự “chịu trận” ấy đến… 3 tháng qua. Khi tâm lý bị ức chế, sinh lý lại tiếp tục bị ảnh hưởng (gồng cứng, đau rát), như một vòng lẩn quẩn.

Về phía chồng, có thể do sự háo hức muốn khám phá, cộng với hưng phấn tột độ của đêm tân hôn (hẳn là đã uống rất nhiều rượu mừng) nên đã xem nhẹ phần vuốt ve, dạo đầu. Sự xâm nhập đột ngột (không chừng cả thô bạo) này đã gây đau rát cho bạn. Và khi cơn đau chưa dứt, vết thương chưa lành, anh ấy lại trỗi cơn thèm mới, tiếp tục gây đau.

Theo y học, âm đạo của người phụ nữ là một ống cơ đàn hồi và chịu sự chi phối của hệ thần kinh. Do vậy, với những tác động của yếu tố thần kinh (tâm lý), vùng chậu sẽ co thắt và âm đạo co thắt dẫn đến việc khó quan hệ.

Nên cho chồng biết về tình trạng “đau rát” của mình để cả hai có sự thông hiểu nhau hơn, phối hợp tốt hơn. Nên nói “sự thật đau đớn” ấy bằng một câu khen, chẳng hạn như “chồng sung quá làm em đau, chồng có biết không?” và cùng bàn cách giải quyết.

Giải quyết thế nào? Về phần mình, bạn cần thả lỏng cơ thể, tận hưởng sự vuốt ve, âu yếm, tận hưởng niềm vui xác thịt. Nên cảm nhận ân ái là nguồn vui sướng được tạo hóa ban tặng để cả hai cùng tận hưởng chứ không phải như một công việc để giải quyết, hay như một trận chiến để gồng mình giành thắng lợi. Nếu thấy cần thiết, nên dùng chất bôi trơn để hỗ trợ.

Bạn nên thử có một vài lần đóng vai chủ động: chọn thời điểm mà mình cảm thấy thoải mái, chủ động chọn tư thế, chủ động điều khiển mức độ xâm nhập (nông sâu), chủ động dừng lại ở thời điểm, vị trí mà mình thấy “còn lấn cấn”. Hy vọng việc thử nghiệm này giúp bạn không còn (hoặc ít ra cũng hạn chế được) cảm giác đau rát, từ đó dần loại bỏ được ức chế.

Nếu không loại trừ được ức chế tâm lý trong "chuyện ấy", có lẽ bạn cũng nên đến gặp chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn bài bản.

Về phía chồng, anh ấy cần kiên trì, nhẹ nhàng, từ tốn, đầu tư kỹ cho khúc dạo đầu và phải nương theo cảm xúc của vợ. Trong thời gian hòa nhập, “chữa bệnh đau rát” cho vợ, anh ấy nhất thiết phải điều chỉnh mức độ xâm nhập, tốc độ, cường độ, phải biết dừng khi thấy vợ khẽ nhăn mặt hoặc có biểu hiện không thoải mái.

Tôi muốn nhắn nhủ rằng, các bạn chỉ mới trải qua đời sống hôn nhân 3 tháng. Chắc chắn khi quyết định lấy nhau, cả hai đều muốn sống bên nhau trọn đời. Vậy nên, những lấn cấn trong đời sống vợ chồng, trong đó có chuyện gối chăn, cần được sớm cùng nhau giải quyết. Để những lấn cấn tích tụ, sẽ không tốt cho quan hệ hôn nhân. 

Chúc bạn sớm tìm được niềm vui chăn gối và hai bạn sớm tìm được sự đồng điệu gối chăn!

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/thi-tham-phong-the/gong-minh-chiu-tran-tu-hom-lay-chong/a130582.html

The Bằng Hữu/ Phụ nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm