Áp lực trong giáo dục là câu chuyện được đề cập khá nhiều tại Việt Nam. Chuyện thi cử, học hành, dạy thêm, học thêm đến chạy trường, chạy điểm… “nóng” từ mỗi gia đình trong các dịp nghỉ hè đến đầu năm học mới.
Hội thảo Trường học không áp lực. Đi học là hạnh phúc được tổ chức ngày 19/6 tại CGD Victory – Hệ thống trường Thực nghiệm thứ ba tại Hà Nội có sự tham gia của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại; NGƯT Lê Tiến Thành – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT; bà Bernissa Chia - chuyên gia Bộ giáo dục Singapore.
GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Quyên Quyên. |
GS Hồ Ngọc Đại là người đưa ra khái niệm “công nghệ giáo dục” và triển khai ở Việt Nam với mô hình thực nghiệm ra đời từ năm 1978 (trường Thực nghiệm). Năm 1986, bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ra đời, hiện nay được áp dụng đại trà với hơn 40 tỉnh thành lựa chọn.
Năm 2012, sự việc hàng loạt người dân thủ đô xếp hàng từ nửa đêm rồi xô đổ cánh cổng trường này để mong mua được một lá đơn cho con “ứng thí” vào lớp 1, thể hiện sự tin tưởng vào mô hình thực nghiệm.
Gần 40 năm nhìn lại mô hình này, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, công nghệ giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó.
Ông cho rằng, lý thuyết của mình đã đảo ngược quan niệm trước đó. Học trò là trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải quá trình vật lộn đau khổ. Học không có thi cử, không chấm điểm.
Giáo viên không được phép soạn giáo án. Người thầy mang kinh nghiệm cá nhân dạy học là tư duy cũ. Thầy cô hiện đại phải dùng công nghệ giáo dục.
“Nếu có người hỏi phương pháp giáo dục của tôi khác thế nào, tôi sẽ trả lời: Họ dạy một lớp 30 học sinh còn tôi dạy 30 học sinh trong một lớp. Tôi dạy từng trẻ một, tôn trọng quyền cá nhân của các em. Mỗi học sinh đều có cuộc sống, hạnh phúc và đau khổ riêng”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
Chỉ có cách dựa vào giáo dục hiện đại để dạy từng trẻ một, chúng ta mới có hy vọng vài ba năm nữa sẽ có một thế hệ tài năng.
Nhìn nhận về nền giáo dục hiện tại, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: Mấy chục năm trở lại đây, các ngành đều đổi mới, thay đổi từng tháng, năm nhưng riêng giáo dục hầu như không có sự biến chuyển nào về nghiệp vụ giảng dạy.
Giáo dục vẫn bấp bênh theo dạng nơi có điều kiện làm tốt, không có điều kiện thì làm kém. Một nền giáo dục lành mạnh là nơi nào cũng phải thực hiện tốt dựa trên nền công nghệ tiên tiến.
Từ đó, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, một trong hàng loạt vấn đề "nóng" của nền giáo dục bây giờ là dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1. Việc chọn trường cũng là dấu hiệu của sự thất bại trong nghiệp vụ sư phạm. Người dân trông mong vào từng cá nhân, tập thể “hành nghề” sư phạm mà không có chuẩn chung cho tất cả vùng miền.
“Sử dụng công nghệ giáo dục là không cần đi học thêm - vấn đề tôi cũng phải… bất lực khi đã trở thành phong trào”, TS Hồ Ngọc Đại nói.
Ông cũng cho rằng, một mùa hè thực sự đến với con trẻ khi học sinh được nghỉ trọn vẹn. Trẻ con không nên bị người lớn cướp giật tuổi thơ, nhất là những bà mẹ thường “bắt ép” con học nhiều trong mỗi gia đình.
NGƯT Lê Tiến Thành: "Trẻ học ở trường là đủ. Nhà trường đảm bảo học sinh đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng ở mức độ cao. Cha mẹ không cần dạy thêm, không bắt con học thêm khi ở nhà.
Trong gia đình, cha mẹ giúp con thực hành việc 'dạy người', bao gồm thực hành, ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống như: Phục vụ bản thân, quét dọn nhà cửa, giúp đỡ việc nhà, lễ phép với người lớn, nhường nhịn em nhỏ, giữ gìn vệ sinh ăn ngủ đúng giờ…".