Trong buổi tọa đàm chuyên đề "Công nghệ Giáo dục trong kỷ nguyên 4.0" diễn ra tại Hà Nội sáng 8/9, GS Hồ Ngọc Đại cho hay bước sang tuổi 80, ông sẽ sẵn sàng chia sẻ hết mọi điều.
Trước đó, nhiều cư dân mạng chỉ trích ông sau khi clip cô giáo dạy học sinh "đánh vần tròn, vuông, tam giác" được đăng tải.
Tư tưởng luôn gây tranh cãi
GS Hồ Ngọc Đại đánh giá nền giáo dục nước ta đang áp dụng còn nhiều ảo tưởng. Đây là thời của mỗi cá nhân và giáo dục cũng phải đáp ứng được điều đó.
"Nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục mà mỗi cá nhân được là chính mình. Chúng ta sống thật hơn, tạo ra sự thật xứng đáng hơn, chứ không phải sự thật trong tưởng tượng", GS Hồ Ngọc Đại nói.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định nhiều người chưa tìm hiểu kỹ đã chỉ trích chương trình Công nghệ Giáo dục là không đúng. Ảnh: Q.Q. |
Trước đây chỉ có 5% người dân đi học, 95% người nai lưng ra làm để nuôi những người này. Giờ 100% người đi học, ai nuôi ai? Trước đây, học để làm quan, vùi đầu vào học. Giờ, trẻ con đi học hàng ngày, phải vui vẻ, hạnh phúc. Hai thời đại hoàn toàn khác.
Hai việc cốt yếu để xây dựng nền giáo dục mới là xây dựng nền tảng lý thuyết không thể bắt bẻ và cơ sở kỹ thuật tốt nhất.
Ông quan điểm sứ mệnh giáo dục là tạo cho trẻ những cái mới, điều chưa hề có và tận hưởng thành tựu của nhân loại.
Ông xác nhận tư tưởng giáo dục của mình thuộc về thiểu số, dễ bị phản ứng. Ngày xưa có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”. Đến thời GS Hồ Ngọc Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng” thì nền giáo dục mới lành mạnh.
Lý giải về điều này, ông cho rằng làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hàng ngày. Học sinh không bao giờ phải ôn tập.
“Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
Người lớn, giáo viên phải “chịu thua” để dạy trẻ. Trẻ luôn có lý của bản thân, và người lớn phải căn cứ trên cái lý đó. Người lớn không thể lấy chuẩn của người khác để áp dụng cho trẻ - với tâm hồn trong sáng như cây cỏ. Vì vậy, người lớn không thể dạy trẻ bằng ảo tưởng, mong muốn của chính mình.
“Khi có thế hệ trẻ em mới, lịch sử cần một nền giáo dục hoàn toàn mới”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
"Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là thành tựu lớn nhất"
Nói về những ý kiến tranh luận trên mạng xã hội thời gian qua, GS Hồ Ngọc Đại tâm sự nhiều người chỉ trích ông nhưng trường Thực nghiệm vẫn tồn tại. Việc lên tiếng trước dư luận chỉ làm mọi chuyện thêm phức tạp. Những người không biết gì mà chỉ trích, ông sẽ không “chấp”.
“Tôi là nhà tâm lý học khoa học trẻ em mà người ta nói tôi không hiểu tâm lý. Nhiều người lấy những câu chữ vớ vẩn để phê phán tôi”, ông Đại chia sẻ.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936, là nhà khoa học giáo dục. Năm 1968, ông theo học ĐH Tổng hợp Lomonosov tại Moscow, Liên Xô (nay là Liên bang Nga).
Năm 1976, ông hoàn thành luận án tiến sĩ về "Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1". Hai năm sau, ông sáng lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục.
Ông ủng hộ việc phát triển nền giáo dục mới, đề cao yếu tố cá nhân, cái tôi của mỗi học sinh, cũng như việc bỏ chấm điểm ở cấp độ tiểu học.
Thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ học chính thống cũng chỉ nói những trò chơi chữ nghĩa trong các cuộc thi với nhau, còn điều quan trọng là ngôn ngữ học hàng ngày. Khi 100% học sinh đến trường, các em cần được nói và nghe ngôn ngữ của cuộc sống mỗi ngày.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định trong số tất cả công trình của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học.
Học sinh 6 tuổi học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy chưa đúng.
“Giáo viên kể lại cho tôi câu chuyện rằng ông bí thư xã nói con mình đang học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn”, ông Hồ Ngọc Đại kể.
Năm 1979, sách Công nghệ Giáo dục được đưa vào giảng dạy ở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục (do chính GS Hồ Ngọc Đại sáng lập).
Năm 1986, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Năm 2000, sách bị dừng thực nghiệm do Luật Giáo dục quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước.
Năm 2006, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đã được Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học sau một số năm dừng thực nghiệm thông qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số".
Năm 2017, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc này. Bộ trưởng GD&ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu và đề xuất giải pháp.
Sau khi có báo cáo đánh giá tích cực của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Qua hai vòng, hội đồng thẩm định đánh giá về cơ bản, tài liệu đảm bảo yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.