Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Ngô Bảo Châu: Cùng nhau xây dựng lòng tin

"Sản phẩm của đối thoại không chỉ là kết luận, đề xuất, mà còn là lòng tin của chúng ta cùng nhau làm việc gì đó", GS Ngô Bảo Châu phát biểu kết thúc sự kiện đối thoại giáo dục.

"Hi vọng cuối năm nay, chúng tôi có thể đưa đến một danh mục kiến nghị tương đối cụ thể cho các cơ quan nhà nước trong việc cải cách giáo dục", ông nói.

GS Ngô Bảo Châu cho hay, hội thảo này có thể chưa "chín" và cần đối thoại rộng rãi hơn. Nhóm đối thoại sẽ tiếp tục đối thoại trên trang hocthenao.vn, đồng thời cho biết sẽ đăng lại những tham luận của hội thảo để mọi người cùng tham gia tranh luận tập trung vào từng chủ đề. Mọi diễn giả có thể tham gia đóng góp ý kiến của mình trên diễn đàn.

GS Ngô Bảo Châu:
GS Ngô Bảo Châu: "Đối thoại sẽ tiếp tục trên hocthennao.vn".

Dành cả 2 ngày nghe và trao đổi trong các phiên thảo luận, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đây là một hội thảo rất có ý nghĩa. Bộ GD-ĐT đã lắng nghe đầy đủ các ý kiến, đánh giá cao nhiều ý kiến thẳng thắn và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc thúc đẩy đổi mới giáo dục đào tạo của Việt Nam.  Hội thảo có nhiều ý kiến khác nhau, thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau của các diễn giả; có những ý kiến không đồng tình và ngay cả Bộ GD-ĐT cũng chưa đồng tình với ý kiến đó.

"Những ý kiến chưa phù hợp có thể do diễn giả chưa cập nhật thông tin về những chính sách mới của Bộ GD-ĐT, nhưng đây là hội thảo công khai, mọi người có quyền đóng góp ý kiến và nói lên chứng kiến của mình. Và những đóng góp này chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi để tìm được tiếng nói chung" - ông Ga bày tỏ.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, quyền tự chủ của trường đại học hiện nay đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản của Nhà nước khá đầy đủ; muốn thay đổi hay không là do các trường. Vấn đề hiện nay là các trường không dám đổi mới và luôn nghĩ có một chỗ để đổ trách nhiệm ( Bộ GD- ĐT) cho sự phát triển.

Ông cũng dẫn giải thêm về trách nhiệm đổi mới của Bộ GD-ĐT, ví như việc thành lập trường Fulbright- trường ĐH phi lợi nhuận - cũng là một cố gắng vì hiện chưa có một một hình nào ở Việt Nam như vậy.

"Đấy là vấn đề chúng ta phải xử lý về tư duy" - vị Thứ trưởng được giao phụ trách mảng giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT cho biết..

Sau các phiên thảo luận về chủ đề "đại học tư và có yếu tố nước ngoài", "giảng viên và nghiên cứu khoa học", hội thảo "đối thoại giáo dục" đã kết thúc ngày 1/8. Trước đó, trong ngày 31/7, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề xây dựng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học và tự chủ đại học.

Hội thảo do nhóm "Đối thoại giáo dục" cùng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức.

Nhóm "Đối thoại giáo dục" ra đời từ gần 1 năm nay, với mục tiêu tập hợp những trí thức Việt Nam trưởng thành và thành đạt ở nước ngoài, có trải nghiệm về nền giáo dục Việt Nam, thông qua các hoạt động thiết thực để trao đổi, thảo luận, nghiên cứu, phân tích, từ đó đưa ra các ý tưởng, giải pháp mang tính khả thi nhằm đóng góp cho nền giáo dục của đất nước."Đối thoại giáo dục" do GS Ngô Bảo Châu và các cộng sự, là những trí thức Việt Nam trưởng thành và thành đạt ở nước ngoài..

 

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/190269/gs-ngo-bao-chau--cung-nhau-xay-dung-long-tin.html

Theo Lê Huyền/Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm