GS Ngô Bảo Châu: Gian lận ở Đồi Ngô chưa từng có trong lịch sử loài người
“Đây là một sự việc đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Chiều 13/3, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện với hàng ngàn sinh viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội về chủ đề Học như thế nào. Đây là những chia sẻ được đúc rút từ kinh nghiệm của chính GS Ngô Bảo Châu trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu.
GS Ngô Bảo Châu nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các bạn sinh viên ĐH Bách khoa. |
Đề cao việc học tập nghiêm túc tại trường
Vấn đề trọng tâm trong buổi nói chuyện chính là việc GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về việc học như thế nào. Trong đó, giáo sư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc học tập tại trường lớp: “Dù bạn có được cung cấp mọi tài liệu thì cũng không thể học tập mà chỉ có một mình. Bởi học tập là hoạt động tập thể có tổ chức, thiếu điều đó con người không có khả năng duy trì nội lực của mình lâu dài, và nhanh chóng lạc vào thế giới chủ quan – con đường dẫn đến sự bế tắc”.
Theo giáo sư khi chúng ta không có đồng đội, lộ trình, giải thưởng, mục tiêu, bạn chỉ có thể tập trung cao độ từ 1-2 ngày đến một tuần chứ không thể kéo dài quá lâu, vì vậy muốn duy trì việc học chúng ta cần phải có tập thể, thầy cô giáo, lớp học.
GS Ngô Bảo Châu tại buổi nói chuyện Học như thế nào. |
Lấy ví dụ từ bản thân, GS Châu chia sẻ: “Mặc dù không ai kiểm soát nhưng tôi luôn đi làm đúng giờ, thường xuyên gặp gỡ với các sinh viên của mình và nghe các bạn báo cáo tình hình nghiên cứu, học tập”.
Mục đích khiến giáo sư luôn duy trì điều đó bởi ông đánh giá cao sự nghiêm túc trong học tập. Đây chính là động lực giúp các sinh viên của ông luôn có tư duy tìm tòi sáng tạo, tiến bộ hơn và “lần sau có chuyện để nói với thầy cho đỡ ngượng”.
Việc tiến hành lớp học nhóm hiệu quả ở Việt Nam theo giáo sư là hoàn toàn có thể thực hiện được. GS Châu cho biết: “Các bạn hoàn toàn có thể cùng nhau học tập, trao đổi những kiến thức, tài liệu phong phú trên mạng. Các giáo viên cũng không phải giảng cả buổi mà có thể cho sinh viên xem trước bài giảng trên mạng, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời những thắc mắc và hướng dẫn các bạn làm bài tập, cuối cùng là tổ chức một kỳ thi nghiêm túc”.
Học tập phải là một “cuộc chơi” công bằng
GS Ngô Bảo Châu quan niệm một tập thể học tập cũng giống như một “cuộc chơi”, đều phải có “luật chơi” lành mạnh, có sự cạnh tranh tạo ra nỗ lực để mỗi người tự vượt lên chính mình. Cuộc chơi này cũng cần phải có trọng tài, điều khiển và nắm luật lệ.
Để minh chứng cho ý kiến của mình, giáo sư đã nhắc lại sự việc vi phạm quy chế thi tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT Đồi Ngô (Bắc Giang): “Đây là một sự kiện đặc biệt khi thí sinh lại quay phim giám thị vi phạm quy chế thi - một điều theo tôi biết chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Đó thực sự là câu chuyện rất buồn và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống. Hãy khoan quy trách nhiệm cho một cơ quan, một cá nhân mà cần bình tâm suy nghĩ bởi để sự việc xảy ra cần có sự can thiệp của rất nhiều người từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nền giáo dục đã không tuân thủ luật chơi. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp đáng ra phải được thực hiện nghiêm túc, đánh dấu quá trình lao động, học tập của học sinh lại trở thành một trò đùa, một trò đùa mà chúng ta muốn khóc”.
Qua đây, GS Ngô Bảo Châu muốn nhấn mạnh một điều đó là cần phải có sự trung thực trong học tập, giáo dục. Hành vi này khó học được trong sách vở nhưng lại hình thành trong chính cuộc sống hàng ngày. “Như vậy, chính bản thân người lớn cần phải trung thực trước, từ đó mới có thể trở thành tấm gương tốt cho thế hệ trẻ noi theo”, vị giáo sư này nhấn mạnh.
Các sinh viên đều rất chăm chú lắng nghe bài nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu. |
Buổi nói chuyện kéo dài gần 2 giờ nhưng luôn nhận được sự lắng nghe nghiêm túc của các bạn sinh viên, và chắc chắn mỗi người đều đã nhận được một bài học cho riêng mình từ những chia sẻ chân thành của GS Ngô Bảo Châu.
An Hoàng
Theo Infonet