GS.TS.NGND Phan Hữu Dật sinh ngày 1/6/1928, nguyên quán tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh sống tại Hà Nội.
Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học, tại khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov, Liên bang Nga (MGU) năm 1961.
Ông nhận bằng tiến sĩ Sử học tại khoa Lịch sử (MGU) năm 1963 và được công nhận chức danh giáo sư năm 1996, được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.
GS.TS.NGND Phan Hữu Dật. Ảnh: VNU. |
Ông nguyên là chủ nhiệm khoa Lịch sử (giai đoạn 1970-1975), Trưởng ban phụ trách Viện ĐH Sài Gòn, Trưởng ban phụ trách Đại học Văn khoa Sài Gòn, Hiệu trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (giai đoạn 1975-1977), Chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học (1986-1988), Phó hiệu trưởng (giai đoạn 1977-1981), quyền hiệu trưởng (1981-1985) và Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1988), Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Phó tổng biên tập kiêm Trưởng ban chuyên ngành Dân tộc học Từ điển Bách khoa Việt Nam từ năm 1994 cho đến khi nghỉ hưu.
Ông là nguyên giáo sư danh dự Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ), Đại học Paris VII (Cộng hòa Pháp), nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam (1998-2003), nguyên Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội khóa I.
GS Phan Hữu Dật từng được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì (1957) và hạng ba (1964), Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì (1985), Huân chương Lao động hạng ba (1985), Huân chương Lao động hạng nhất (1998), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005) cùng nhiều huy chương và kỷ niệm chương khác.
Người đầu tiên soạn giáo trình “Cơ sở Dân tộc học”
Hơn nửa thế kỷ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.NGND Phan Hữu Dật là một trong những giáo sư đầu ngành về Nhân học. Ông đã nghiên cứu những vấn đề đặt nền tảng cho sự phát triển của nền Dân tộc học Việt Nam.
Ông là người Việt Nam đầu tiên soạn giáo trình Cơ sở Dân tộc học (1973) phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của ông tiếp tục đề cập những yêu cầu nghiên cứu dân tộc học theo hướng nhân học trên cơ sở thành tựu nghiên cứu và nhận thức mới trước yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Trên nền tảng nghiên cứu cơ bản, những công trình khoa học của GS Phan Hữu Dật đặc biệt chú trọng nghiên cứu cũng như tổng kết về lý luận và chính sách dân tộc ở nước ta trong lịch sử và hiện tại.
Một trong những đóng góp rất quan trọng của GS Phan Hữu Dật là nghiên cứu về cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, văn hóa và phát triển. Hơn 30 công trình nghiên cứu của ông đã bao quát khá nhiều vấn đề trên lĩnh vực này.
GS Phan Hữu Dật cũng là người đầu tiên khái quát một cách đầy đủ về những đặc điểm chủ yếu của cộng đồng các dân tộc ở nước ta. Ông cũng tham gia xây dựng các tiêu chí xác định thành phần các dân tộc ở Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX.
GS Phan Hữu Dật tại buổi lễ mừng thọ 90 tuổi, ngày 18/11/2018. Ảnh: VNU. |
Công bố trên 100 công trình nghiên cứu khoa học
GS Phan Hữu Dật đã công bố trên 100 công trình nghiên cứu, trong đó có 9 sách chuyên khảo.
Những tác phẩm đáng chú ý như Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (chủ biên, 1992); Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (chủ biên, 1994); Văn hóa Thái Việt Nam (viết chung với Cầm Trọng, 1995); Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử (chủ biên, 1998); Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998); Góp phần nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam (2003)...
Nhiều luận văn nghiên cứu của ông đã được công bố trong các chuyên san và tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, các kỷ yếu hội thảo quốc tế bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga. Năm 2005, ông vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ với công trình Một số vấn đề về Dân tộc học Việt Nam (1998).
Nhận xét về GS Phan Hữu Dật, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS Nguyễn Kim Sơn, khẳng định những đóng đóp to lớn của ông về học thuật, giảng dạy không chỉ cho ĐH Quốc gia Hà Nội, mà còn cả ở tầm quốc gia.
"Với cương vị là hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS.NGND Phan Hữu Dật đã có những đóng góp lớn, dẫn dắt sự phát triển của nhà trường trong một giai đoạn quan trọng. Đặc biệt, thầy luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của các thế hệ học trò - đó là phần thưởng quý giá nhất đối với một nhà giáo.
Với những đóng góp đó, lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội luôn xem những nhà giáo như thầy là chỗ dựa quan trọng, nguồn động viên cổ vũ và tài sản quý của trường. Mãi mãi trong sự phát triển của ĐH Tổng hợp Hà Nội, của ngành Nhân học và của ĐH Quốc gia Hà Nội, thầy luôn có vị trí xứng đáng với tên tuổi và những đóng góp của mình", PGS Nguyễn Kim Sơn nói.
Lễ viếng GS Phan Hữu Dật được tổ chức từ 7h15 đến 8h30, ngày 21/4 (tức ngày 17/3 năm Kỷ Hợi), tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 8h30, ngày 21/4.
Lễ điện táng được tổ chức vào hồi 13h cùng ngày tại nghĩa trang Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.