Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Trương Nguyện Thành: Sinh viên đừng chỉ ước mơ ra trường kiếm tiền

Đừng giới hạn ước mơ của bản thân là thông điệp mà GS Trương Nguyện Thành gửi đến sinh viên trước khi ông trở về Mỹ.

Trong buổi nói chuyện với chủ đề “Dám mơ, dám làm” sáng 14/6 tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM, GS Trương Nguyện Thành - ĐH Utah, Mỹ - chia sẻ với hơn 700 sinh viên về thay đổi tư duy để vươn lên, khởi nghiệp…

Ông dành nhiều thời gian nói về ước mơ và cách hiện thực hóa giấc mơ của người trẻ.

giao su truong nguyen thanh anh 1
GS Trương Nguyện Thành trò chuyện với hơn 700 sinh viên về ước mơ và hành trình khởi nghiệp. Ảnh: Huệ Lâm.

Đã mơ thì cho đáng

"Hôm nay, tôi mời đến đây một vị khách đặc biệt, là bạn Trần Trà My", người được gọi là "giáo sư quần đùi" mở đầu buổi nói chuyện.

Từ phía hàng ghế khán giả, cô gái gầy gò, tay chân teo nhỏ đứng dậy một cách khó khăn. Nhờ sự trợ giúp của người kế bên và cả chân nạng, cô bước đi run rẩy trong sự tò mò của hơn 700 sinh viên có mặt tại hội trường. 

GS Trương Nguyện Thành chỉ tay về cô gái đang đứng giữa khán phòng và nói rằng Trần Trà My bị bệnh teo cơ từ nhỏ, không có cơ hội đến trường. Ước mơ của cô ấy chỉ là biết đọc và viết. Chỉ có thể nghe và nhìn, không có khả năng nói bình thường, cử động khó khăn, Trà My có 2 lựa chọn: Bỏ cuộc hoặc trả giá cho ước mơ của mình.

"Cô ấy đã chấp nhận trả giá bằng cách tự mày mò, tự học, tự cố gắng đeo đuổi. Hôm nay, cô ấy là nhà văn, nhà hoạt động xã hội. Tất cả là tự cô ấy làm ra", ông Thành nói.

giao su truong nguyen thanh anh 2
GS Trương Nguyện Thành tặng hoa cho Trần Trà My - người mắc hội chứng teo cơ, và là khách mời đặc biệt của ông. Ảnh: Huệ Lâm.

"GS quần đùi" vừa dứt lời, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay kéo dài. Từ câu chuyện này, ông chia sẻ quan điểm về "đã mơ thì cho đáng" với thế hệ trẻ.

Sau thời gian dài giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học trong và ngoài nước, ông Thành có cơ hội tiếp xúc sinh viên nhiều nước. Ông nhận định nhiều bạn trẻ chỉ đặt cho mình mục tiêu trong tầm với và tự hài lòng. Nó khiến sinh viên thấy an toàn nhưng lại giới hạn mỗi cá nhân và không đem lại sự bứt phá. Để có thể vươn lên, giới trẻ cần nhìn xa hơn và biết "mơ lớn".

Giai đoạn 20-30 tuổi sung sức như vậy không nên chỉ mong muốn có bằng đại học để kiếm công việc ổn định, có nhiều tiền. Bạn trẻ dư sức làm những chuyện to tát hơn.

"Sóng sau phải cao hơn sóng trước. Xã hội muốn phát triển, thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Tôi thách thức các bạn nghĩ và làm hơn chúng tôi và hoàn toàn làm được. Hãy đặt ước mơ của mình vượt qua tầm tay”, ông nhắn nhủ.

Ước mơ lớn không có nghĩa ảo tưởng

Để người trẻ dám "mơ lớn", vị giáo sư cho rằng trước hết cần thay đổi nhận thức và không sợ thất bại.

“Theo đuổi ước mơ bao gồm cả nguy cơ thất bại lẫn cơ hội thành công. Bạn hãy liệt kê nỗi sợ, nguy cơ và tìm cách kiểm soát nó; thay vì nhìn vào cái có thể mất, hãy tập trung nghĩ về thứ đạt được nếu thành công và lấy đó làm động lực", ông gợi ý.

GS Trương Nguyện Thành cũng phân tích rằng một số người đang bị nhầm lẫn giữa "ước mơ cao xa" với "ảo tưởng sức mạnh". Tại sao nhiều phụ huynh hay nói con mình ảo tưởng khi nghe chúng bày tỏ ước mơ của mình? Đó không phải khoảng cách thế hệ hay sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau.

“Những lúc như vậy đừng quá hoang mang mà hãy tự đặt câu hỏi liệu bản thân đã đủ khao khát, mạnh mẽ và quyết liệt với khát vọng của mình chưa”, ông Thành đặt câu hỏi.

giao su truong nguyen thanh anh 3
Đặt mục tiêu phù hợp, khởi nghiệp như thế nào để không thất bại là những vấn đề được bạn trẻ quan tâm, đặt câu hỏi cho GS Trương Nguyện Thành. Ảnh: Huệ Lâm.

Người từng có thời gian là phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM, nhận định ước mơ lớn khác với ảo tưởng ở mức độ chúng ta ham muốn, nỗ lực để đạt được và tinh thần chấp nhận trả giá. Dám mơ chỉ là bước đầu tiên, điều quan trọng là dám làm để hiện thực hóa nó. Trần Trà My là ví dụ cho việc ước mơ không bao giờ là ảo tưởng khi cá nhân quyết liệt theo đuổi đến cùng.

“Đừng chỉ nói về mơ ước không thôi, hãy thể hiện bạn quyết tâm để có nó. Mọi thứ đều có giá, giấc mơ cũng vậy, quan trọng là bạn có chấp nhận trả giá hay không. Mơ thấp hay cao mà chỉ ngồi không thì đó là ảo tưởng. Bạn hãy ước mơ và lên kế hoach để chinh phục nó”, ông nhắn nhủ.

GS khuyên bạn trẻ nên bắt đầu với những điều nhỏ trước và nâng dần giới hạn, mục tiêu của mình như câu nói “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng bước chân đầu tiên”.

GS Trương Nguyện Thành trả lời báo chí khi trở lại Việt Nam GS Trương Nguyện Thành cho rằng quyết định không công nhận vị trí hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM, đối với ông là đúng luật.

GS Trương Nguyện Thành từng gây chú ý vào tháng 4/2017 khi mặc quần đùi, áo thun lên lớp giảng bài cho sinh viên ĐH Hoa Sen.

Dù được HĐQT ĐH Hoa Sen tín nhiệm là hiệu trưởng, ông không được công nhận vì chưa đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.

Sau đó, GS Trương Nguyện Thành quyết định rời Việt Nam, quay trở lại Mỹ, tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy ở ĐH Utah. 

Thầy hiệu trưởng 'soái ca'

Chưa đầy 2 năm về trường, thầy Huỳnh Thanh Phú đã tạo ra nhiều thay đổi cả về chất lượng dạy học và sinh hoạt ngoại khóa cho trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM).


Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm