Đau đớn là hậu quả nhãn tiền của chấn thương, nhưng nỗi nhớ sân cỏ, nỗi sợ bị lãng quên và cảm giác bị cầm tù trong quá trình phục hồi còn đáng sợ hơn.
Thành phố Manchester, nước Anh, phía bên kia bức tường, mớ âm thanh hỗn tạp dội vào tai Ilkay Guendogan. Anh nghe rõ tiếng khán giả vỗ tay, tiếng đồng đội ầm ĩ bàn luận chiến thuật trong phòng thay đồ và sau đó, giọng nói của HLV Pep Guardiola vang lên. Ông đang đưa ra những chỉ đạo.
Guendogan vẫn còn ở ngoài sân cùng đồng đội chỉ cách đấy ít phút, cùng ăn mừng bàn thắng của Zabaleta vào lưới Watford, mở đường cho chiến thắng đầu tiên trên sân Etihad sau 3 tháng. Thế mà chỉ mấy phút sau, Guendogan đã nằm đây. Không lâu sau bàn thắng của đồng đội người Argentina, Guendogan cố gắng đoạt bóng trong chân Nordin Amrabat. Hai người va chạm. Guendogan đổ gục xuống sân đau đớn và vẫy tay ra hiệu xin trợ giúp y tế.
Ban đầu, tiền vệ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng pha va chạm không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng rồi anh thấy có cảm giác rất lạ với đầu gối chân phải. "Giống như bạn búng tay mà không phát ra tiếng", Guendogan kể. Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ Max Sala, cầu thủ sinh năm 1990 đã có thể đứng dậy và đi ra ngoài đường biên.
Sala khuyên rằng tốt hơn hết nên ra nghỉ, nhưng tiền vệ người Đức khẳng định anh cảm thấy ổn. Bất chấp nghi ngờ của Sala, Guendogan đã thuyết phục bác sĩ để trở lại sân thi đấu. Vài pha chạm bóng, vài đường chuyền ban đầu đều ổn, nhưng ngay sau khi Guendogan cố gắng chuyển hướng, cảm giác đó lại ùa về trong anh.
"Cái chân không ổn rồi. Phải ra ngoài thôi", Guendogan nghĩ bụng.
Mấy phút sau, trong căn phòng y tế nằm ngay sát phòng thay đồ của đội chủ nhà, chấn thương đứt dây chằng chéo trước (ACL) đã được bác sĩ xác nhận bằng vài thủ thuật kiểm tra. Đó là ngày 14/12/2016.
Nhiều vận động viên sợ ACL hơn bất cứ chấn thương nào khác. Nó không phải loại thương tích rõ rệt có thể nhìn thấy bằng mắt và gây đau đớn khủng khiếp như gãy xương nhưng lại đe dọa nghiêm trọng đến sự nghiệp. Hàng chục năm trước, đứt dây chằng chéo là báo hiệu đoạn kết của sự nghiệp. Còn trong thời gian khoảng hơn chục năm trở lại đây, dính ACL khiến cầu thủ không thể lấy lại phong độ cao nhất. Hãy hỏi Ronaldo "béo" về chuyện này.
Guendogan xem tiếp hiệp hai trận đấu với Watford qua laptop, cái chân anh quấn đá chườm. Anh cố gắng lạc quan. Nhưng từ sâu thẳm, anh biết điều gì khủng khiếp sắp ập đến.
Guendogan đã tự đẩy mình vào trạng thái tồi tệ này. Và bây giờ anh phải đối mặt với nó. Anh sẽ trải qua những giờ phẫu thuật căng thẳng, những ngày nghỉ dài như vô tận, hàng tháng trời tập đi, tập chạy và tập đá bóng trở lại.
Đó là sự đau đớn và mệt mỏi dai dẳng. Chưa kể cảm giác cô đơn vì xa đội bóng, nỗi nhớ sân khấu túc cầu, nỗi lo về tương lai bất định và nỗi sợ bị lãng quên. Và cuối cùng, đáng sợ hơn tất cả: cảm giác bị giam cầm.
Tiến sĩ Ramon Cugat ở Tây Ban Nha biết cách đưa những cầu thủ đi từ nỗi sợ hãi tột cùng đến sự thoải mái cao độ. Trong nhiều năm, phòng khám của ông tại bệnh viện Quiro (Barcelona) là điểm đến quen thuộc của những ngôi sao dính chấn thương đầu gối. Cugat từng giúp David Villa, Fernando Torres, Andres Iniesta và nhiều ngôi sao khác lấy lại phong độ.
Guendogan từng điều trị ở phòng khám Cugat trước đây, nhưng không phải chấn thương đầu gối. Lý do thuyết phục Guendogan trở lại: "Ông ấy nói từng phẫu thuật cho Xavi. Sau khi phẫu thuật, Xavi giành mọi danh hiệu”. Thế là đủ. Ngay sau khi đầu gối bớt sưng, Guendogan bay tới Barcelona. 9 ngày sau chấn thương, anh nhập viện.
Với loại chấn thương phức tạp như ACL, thật ngạc nhiên khi ca phẫu thuật tái tạo dây chằng của Guendogan lại diễn ra cực kỳ nhanh chóng và không cần gây tê. Toàn phần thân dưới của Guendogan đông cứng, nhưng anh hoàn toàn tỉnh táo. Cugat nhắn trợ lý quay màn hình về phía Guendogan cho anh xem toàn bộ quá trình: hai vết rạch nhỏ phía trên và dưới đầu gối để chèn camera tí hon. Dây chằng chéo của Guendogan rách nát và phải dùng vật liệu thay thế.
"Ca phẫu thuật quá phức tạp để theo dõi. Tôi không muốn xem nhưng họ khuyên tôi nên xem. Thật chẳng thú vị gì cả. Hay ho nhất là lúc camera trồi ra khỏi đầu gối. Tôi nhìn thấy cả một con ốc vít".
Guendogan ở lại bệnh viện trong 3 ngày. Sau 2 ngày, anh được phép đứng lên. Nhưng khi làm thế, Guendogan đau đến mức phải ngồi xuống ngay lập tức. Quá trình phục hồi bắt đầu ngay sau đó. Đầu gối Guendogan bọc kín bằng đá lạnh. Anh bắt đầu cử động nhẹ để mở rộng biên độ chuyển động. Đó là công việc chính của anh lúc này.
Khi rời bệnh viện, Guendogan đến ở cùng với đồng hương Arda Turan tại đại lộ Passeig de Gracia, thành phố Barcelona. Anh lưu lại một tháng. Ở đây bớt cô đơn hẳn, căn hộ nhìn ra một trong những con phố sôi động nhất.
Gundogan không phải người ưa ồn ào. Sinh ra trong gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Gelsenkirchen (Đức), Guendogan từ nhỏ đến lớn luôn giữ phong thái nhẹ nhàng, bình tĩnh, sống nội tâm và thích chìm đắm trong suy nghĩ cá nhân. Nhưng có bạn bè vẫn thoải mái hơn. Anh dành phần lớn thời gian hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Em họ Ilkan chính là người bên cạnh Guendogan nhiều nhất, gia đình và bạn bè vẫn ở cùng anh thường xuyên.
Bên cạnh gia đình, bạn bè và anh em họ, Guendogan còn chào đón sự có mặt thường xuyên của bác sĩ, HLV thể hình và đầu bếp riêng. Họ thường ra ngoài dùng bữa, tại một trong hai nhà hàng yêu thích của Guendogan, mang tên Nuba và Da Greco, hoặc đến sân Camp Nou xem Barca thi đấu. Nhưng trong phần lớn quá trình hồi phục, Guendogan cần sự riêng tư.
Tuyển thủ Đức dành 2 giờ mỗi ngày tại bệnh viện với vị trợ lý của bác sĩ Cugat. Ở nhà riêng, Guendogan tập với 2 người, dưới sự quan sát của HLV thể lực Arthur Jankowski. Anh tập co duỗi, nâng mở đầu gối. Mỗi tối, Guendogan trải qua 45 phút trị liệu với liệu trình mang tên "Game Ready". Guendogan uống hàng lít nước gừng trà xanh mỗi ngày để chống viêm, theo lời dặn của Jankowski.
Quá trình phục hồi dần chuyển vào tiến hành trong tĩnh lặng. Guendogan cô đơn với cái đầu gối và suy nghĩ của chính mình. Anh không trang trí gì nhiều cho căn hộ vì đây không phải nơi để tận hưởng. Duy chỉ có bức ảnh của Guendogan và người em họ Ilkan được chụp bởi Jankowski, treo lên tường, cùng với 2 chiếc tivi.
Trong bức ảnh, Guendogan rạng rỡ như người vừa leo núi. Vài tuần trước khi dính chấn thương, HLV Jankowski rủ Guendogan đi leo Scafell Pike, đỉnh núi cao nhất nước Anh. Vị HLV này là "tín đồ" của không khí trong lành, ông tin rằng không khí trong lành cực kỳ có ích, cả về tinh thần lẫn thể chất. Ông đã cố gắng truyền niềm tin đó cho Guendogan.
Cái gì hay nhất đều chỉ nằm ở phần đầu. Sau khi trở về Manchester hồi cuối tháng 1, Guendogan đến trung tâm tập huấn Man City cùng thời gian với toàn đội. Mỗi buổi sáng, đồng đội chào mừng, động viên, hỏi thăm nhiều đến mức làm Guendogan khó chịu. “Nhưng sau 2, 3 rồi 4 ngày, sự chú ý thưa dần, thưa dần”, Guendogan nói. Anh muốn mình chỉ là người ẩn danh trong đám đông.
Guendogan từng trải qua trạng thái tồi tệ thế này trước đây. Tháng 8/2013, chỉ ít tuần sau khi ghi bàn cho Dortmund ở chung kết Champions League, anh dính chấn thương lưng và phải nghỉ cả năm trời. 3 năm sau, Man City mua Guendogan khi tiền vệ này còn đang bị chấn thương gối. Anh đã bỏ lỡ cả World Cup 2014 lẫn Euro 2016 vì chấn thương.
Vào cái ngày dây chằng của Guendogan đứt rời giữa tháng 12/2016, anh đã khóc trên vai Pep Guardiola với nỗi thất vọng tột độ. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, Guendogan đã tự trấn an: ACL là chấn thương phổ biến hơn cái lưng đau của anh và nó có lộ trình hồi phục rõ ràng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian dài xa rời sân cỏ khiến Guendogan lo lắng về những hậu quả. Thế giới bóng đá có trí nhớ ngắn hạn. Luôn có người chờ sẵn để giành suất đá của bạn, giành vị trí trong kế hoạch của HLV và chiếm lấy tình cảm của người hâm mộ.
Pep Guardiola là người biết thông cảm nhưng Guendogan đang sống trong thế giới cực kỳ tàn nhẫn. Anh chủ động làm mọi thứ để hạn chế những tác động xấu của việc rời xa sân cỏ quá lâu. Anh giữ liên hệ với người hâm mộ bằng cách đăng ảnh lên Instagram, liên tục cập nhật Twitter. Guendogan thích sự tương tác.
Lịch trình hồi phục được sắp xếp rõ ràng bởi chuyên gia Cugat, bác sĩ Sala và đội ngũ y tế của Man City. Thứ hai và thứ sáu là ngày kiểm tra thể trạng; thứ ba, năm, bảy tập sức mạnh, còn thứ tư là bài tập cardio rèn luyện tim mạch. Chủ nhật nghỉ.
Mục đích chính của các bài tập này, theo giải thích của James Baldwin, chuyên gia vật lý trị liệu Man City, là để khôi phục lại cơ chế hoạt động của đầu gối. Tức, Guendogan phải học cách đi lại từ đầu, như một đứa trẻ.
Các bài tập đơn giản nhưng đòi hỏi cao: loạt tư thế căng chăn, duỗi chân, nâng rồi hạ theo mức độ hồi phục đầu gối. Sau vài tuần, khi khả năng vận động đầu gối của Guendogan được cải thiện, các bài tập ngày càng khó hơn, anh phải nâng chân kèm quả tạ nhẹ để tăng dần sức chịu đựng của đầu gối.
Những ngày dài trôi qua thật nhàm chán, nhưng không phải chỉ vì các bài tập. Căng thẳng tinh thần là nguyên nhân chính. Cảm giác bị đẩy ra ngoài cuộc sống, lạc lõng và thiếu thốn. Mỗi sáng, anh phải tự nhắc nhở về thành tích trong quá khứ và mục tiêu trong tương lai, như một cách để tự động viên, dù "cảm giác chung là vô cùng cô đơn", Guendogan nói.
Cơ sở vật chất hiện đại của Man City luôn sẵn sàng phục vụ Guendogan. Bài tập tim mạch của anh diễn ra trong buồng nhiệt. Vài buổi chiều, anh tập đi lại trong hồ bơi hoặc chạy với máy chạy dưới nước để tăng sức đề kháng. Ngoài ra còn có những buổi trị liệu bằng giác hơi để kích thích hệ thống bạch huyết và làm sạch chất dịch trong đầu gối.
"Điều tồi tệ nhất với tôi là mỗi ngày nhìn thấy các đồng nghiệp. Tôi thấy họ trên sân tập, trong phòng thay đồ và tụ tập họp chiến thuật trước buổi tập. Tôi thấy họ tập trong phòng gym nhưng tôi không thể làm điều tương tự. Bạn biết rằng bạn không thể làm một phần hoàn chỉnh của tập thể. Đó là cảm giác kinh khủng nhất: cảm thấy vô dụng, không còn giá trị như trước đây và không có giá trị như những người khác”.
Trong suốt 9 tháng, Guendogan chờ đợi cơn đau mỗi ngày. Mỗi sáng anh tỉnh dậy và biết điều gì đang chờ đợi. Mọi cử động, những bài tập thể chất, mỗi phiên buồng nhiệt hay tập luyện trong hồ bơi đều được thiết kế để khiến Guendogan đau đớn. Cơn đau không phải sự trừng phạt, nó là phần thưởng. Đau đớn là biểu hiện của sự tiến triển.
"Bạn phải hoạt động cho đến lúc cảm thấy đau đớn. Bạn luôn phải cảm thấy đau. Cảm giác đau báo hiệu điều mới mẻ đã đến", Guendogan nói.
Sâu trong Guendogan vẫn có những cảm giác cần giải thích. Mọi thứ thật mong manh. Hành động xoay và nhảy với anh là một cực hình. Nỗi đau vừa là câu trả lời, vừa là câu hỏi. “Bạn cảm nhận nó, về nhà và suy nghĩ. Bạn tự hỏi đau như thế tốt hay xấu. Ngay cả khi bác sĩ nói ổn nhưng bạn vẫn nghĩ về nó”.
Guendogan biết, và tất cả người xung quanh đều biết, việc anh phân tâm và suy nghĩ về cơn đau, ngập chìm trong u sầu là điều nguy hiểm. Man City kéo Guendogan rời khỏi bốn bức tường bằng cách bố trí chuyến đi Abu Dhabi vào tháng hai và New York trong tháng ba. Anh thích đi bộ qua Manhattan, ôm chặt bản thân trước những cơn lạnh rùng mình và tận hưởng cảm giác ẩn danh.
Tiền vệ gốc Thổ có dự án riêng. Anh uỷ thác cho người quay phim, ghi lại quá trình hồi phục chấn thương, dù anh không chắc mình sẽ làm gì trong bộ phim. Nó có thể trở thành đồ lưu niệm, hoặc phim tài liệu 10 tháng của cuộc đời.
Dự định trở thành công cốc khi anh để quên máy quay ở Quảng trường thời đại và bị cảnh sát New York tịch thu.
Tháng tư, cô bạn Christian Kijanka và mẹ đến thăm Guendogan vài ngày. Họ biết anh từ khi anh mới 6 tuổi và Guendogan giờ vẫn thuộc lòng số điện thoại hồi xưa của Kijanka. Họ cùng nhau xem Man City đánh bại Hull City.
Kijanka thổ lộ với nhà báo: "Tôi không nghĩ nhiều cầu thủ có thể mời mẹ của bạn mình đến xem trận đấu. Ilkay vẫn chân thành như xưa, không bao giờ thay đổi".
Sau trận, Guendogan cùng cậu em Ilkan, người chú, người đại diện Ilhan và mẹ con người bạn đi ăn rồi đi uống cà phê ở trung tâm Manchester. Họ ngồi giữa ánh nắng mùa xuân ở công viên cách căn hộ của Guendogan vài phút đi bộ.
Lịch trình cho những ngày khác được thiết kế bởi Jankowski. Vị HLV thể lực muốn Guendogan ra ngoài nhiều hơn để tận hưởng không khí trong lành. Tuyển thủ Đức kéo cậu em Ilkan đi cùng đến mọi nơi, từ công viên địa phương đến cảnh đẹp ở Peak District, phía đông nam Manchester.
"Jankowski dạy tôi cách thưởng thức thiên nhiên, không khí trong lành", Gundogan nói. "Tất cả chúng ta có rất nhiều thứ để bận tâm: công việc, smartphone. Chúng ta quên đi những điều thú vị ngoài kia. Do đó, chúng ta phải học cách lãng quên". Tập quên cũng là bài tập quan trọng của quá trình hồi phục. Quên đi đau đớn phải chịu trong ngày hôm nay, ngày mai và những ngày sau nữa.
Suốt những nơi đã đi qua trong quá trình bình phục chấn thương, Guendogan nói không ngừng rằng anh sẽ cố gắng tập trung chữa trị từng ngày một. Guendogan biết như vậy là rập khuôn. Nhưng anh cũng hiểu việc đặt mục tiêu quá cao dễ dẫn đến thất vọng. Với sự tỉnh táo, Guendogan chỉ muốn nghĩ về hôm nay.
Hồi tháng tư, quá trình hồi phục của Guendogan bị ảnh hưởng bởi ba cơn sốt liên tiếp. Thời gian tái xuất sân cỏ bị lùi lại một tháng, và mọi chuyện chỉ tạm ổn thỏa khi Guendogan cắt amidan.
Tiền vệ sinh năm 1990 mơ được tham dự chuyến du đấu nước Mỹ của Man City vào tháng 7. Nhưng 3 cơn sốt đã khiến giấc mơ tan biến. Anh sẽ phải đợi thêm.
Trong những tuần cuối của quá trình hồi phục, mọi thứ tốt đẹp và Guendogan tin rằng anh sẵn sàng trở lại vào tháng tám. Tiền vệ gốc Thổ cảm nhận rõ lợi ích của phương pháp tiếp cận từng ngày một, không hấp tấp.
Trước đó, vào tháng 6, trên chuyến bay về Manchester sau 3 tuần nghỉ ngơi cùng bạn bè ở Los Angeles và Las Vegas, một chuyến đi về Thổ Nhĩ Kỳ thăm bố mẹ và ông bà, Guendogan cho biết mọi thứ đã tốt đẹp hơn với anh. Anh cảm thấy “thư giãn, có động lực mới và năng lượng mới”.
Ban đầu, Guendogan phải tập một mình vì đồng đội chỉ tập trung vào đầu tháng 7. Nhưng không sao hết, anh sẽ bắt kịp với họ khi tất cả trở lại.
Những tuần lễ cuối cùng của đợt hồi phục mang đến cảm giác bị tra tấn. Guendogan cảm nhận chỗ đứng của mình bị đe dọa nghiêm trọng, sau khi chứng kiến Man City ném 300 triệu USD vào thị trường chuyển nhượng. Số phận của tiền vệ người Đức nằm trong tay HLV Pep Guardiola và BLĐ Man City.
Trong quá trình phục hồi, Guendogan có quyền kiểm soát bản thân mình. Anh điều khiển tốc độ của nó, làm chậm lại nếu anh cảm thấy khó chịu, tăng tốc nếu cảm thấy sẵn sàng. Còn bây giờ, anh cần được ra sân thi đấu để thực sự sẵn sàng tái xuất. Nhưng nghịch lý thay, Guendogan phải đảm bảo sẵn sàng về mọi thứ trước đã rồi mới được xem xét điền tên vào danh sách đăng ký.
Tour du đấu của Man City đến rồi đi và Guendogan không được chơi bóng. Anh chỉ ra sân ít phút trong trận giao hữu với Girona vào ngày 15/8 nhưng rồi đến hết tháng 8, anh vẫn không được tham gia trận đấu chính thức nào. Tháng 9, anh có tên trong danh sách dự bị của Man City nhưng vẫn chỉ dừng lại ở vai trò khán giả.
Dù vậy, Guendogan vẫn không mất kiên nhẫn hay rơi vào tuyệt vọng. Như đã nói, quá trình bình phục đã hoàn thành và anh bình tĩnh chờ cơ hội. 10 tháng trôi qua với bao cô đơn và đau đớn đã dạy cho Guendogan nhiều bài học về tính kiên nhẫn.
“Nghe có vẻ châm biếm nhưng nếu tôi phải dừng lại bây giờ, tôi sẽ nói OK, dừng thì dừng. Đấy không phải dấu chấm hết cho cuộc sống này. Hồi bị chấn thương lưng, tôi suy sụp đến mức cảm thấy như đã đi sang thế giới bên kia rồi. Nhưng giờ thì thoải mái. Tôi trưởng thành hơn, giống người lớn thực thụ. Có lẽ đó là nhờ kinh nghiệm tôi trải qua”, Guendogan kể.
Quãng thời gian xa rời trận đấu bóng đá của Guendogan kéo dài 276 ngày. Biến mất trong im lặng và bóng tối để rồi lại bước ra ánh sáng lần nữa. Phút 66 trận đấu với Watford ở Ngoại hạng Anh ngày 16/9, Guardiola quay sang và hỏi cậu học trò sẵn sàng chưa. “Tất nhiên rồi”, Guendogan đáp.
Anh lo lắng hơn bình thường. Thật trùng hợp, anh trở lại đúng trận gặp Watford, đối thủ cuối cùng Guendogan chạm trán trước khi bị chấn thương. Guendogan bước ra sân, tiếng vỗ tay của đám đông bủa vây lấy anh. Điều anh chờ đợi cả 10 tháng nay.
Man City đại thắng 6-0 trên sân đối thủ, như món quà chào mừng tiền vệ tài hoa người Đức trở lại sân cỏ.
Vào ngày 20/9, trong chiến thắng 2-1 của Man City trước West Brom ở cúp Liên đoàn, Guendogan lại dính chấn thương, tức chỉ 4 ngày sau khi trở lại. Guendogan đổ gục xuống sân vì bị cầu thủ Claudio Yacob phạm lỗi nguy hiểm từ phía sau.
Thật may, anh chỉ phải nghỉ thi đấu vài ngày và kịp trở lại trước trận gặp Shakhtar Donetsk ở Champions League hôm 26/9. Từ lúc đó đến nay, tiền vệ gốc Thổ chưa dính thêm chấn thương nào, nhưng đóng góp của anh tương đối hạn chế. Tổng cộng, Guendogan ra sân 274 phút sau 5 trận ở Champions League.
Tại giải Ngoại hạng Anh, tính đến trước trận gặp Tottenham vừa qua, Guendogan chỉ có một trận được ra sân trong đội hình xuất phát. Anh đá nhiều nhất là 80 phút trận thắng Southampton ở vòng 14. Tổng cộng, thời lượng thi đấu của tiền vệ này là 203 phút kéo dài qua 10 trận. Tưởng chừng rất khó để Guendogan chen chân vào đội hình đang ổn định và đạt phong độ cực cao của Guardiola, nhưng anh đã được trọng dụng khi đối đầu Spurs rạng sáng 17/12 theo giờ Việt Nam, tỏa sáng với bàn mở tỷ số cùng 1 pha kiến tạo.
Ở cấp đội tuyển, ngay sau khi trở lại, Guendogan được gọi lên tuyển Đức hồi tháng 11 vừa qua, sau gần 1 năm vắng mặt.
Về đóng góp cho Man xanh, Guendogan đã có 2 đường kiến tạo ở Champions League. Một quả tạt cho Otamendi đánh đầu gỡ hoà 1-1 ở trận thắng Napoli 4-2, chiến thắng giúp Man City giành vé vào vòng 1/8 sớm 2 lượt. Pha kiến tạo thứ hai là đường xẻ nách cho Sterling ghi bàn duy nhất trận thắng Feyenoord. Dù ra sân rất ít, một phần vì mới trở lại sau chấn thương, một phần vì các đồng đội cùng vị trí đang có phong độ cao, Guendogan nhanh chóng thể hiện tài năng khiến HLV Pep Guardiola bất chấp tiền sử chấn thương để đưa anh về.
Do mới trở lại sân cỏ, tiền vệ gốc Thổ đang được Pep cho thích nghi dần với cường độ. Trong bối cảnh vị trí tiền vệ trung tâm của Man xanh là rất mỏng khi lão tướng Fernandinho phải liên tục cày ải, tuyển thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội được thăng cấp từ dự bị chiến lược lên đá chính thường xuyên. Dấu hiệu Guendogan được Guardiola trọng dụng đã xuất hiện trong vài trận qua trên các đấu trường.
Và màn trình diễn chói sáng trước Tottenham có thể là dấu hiệu cho một siêu sao đã hồi sinh.