Gửi học phí cho con bằng rau và cá
Nấm hương, măng khô, nem chua, chả mực… thậm chí cả thịt lợn, gà, bánh cuốn, những thứ đươc coi là đặc sản của quê nhà đang được các sinh viên ngoại tỉnh tranh thủ buôn bán lên Hà Nội để kiếm thêm.
Kiếm thêm đỡ mẹ
Đã thành lịch, cứ 5h sáng các ngày chẵn trong tuần là Đào Thu Hương, sinh viên năm 2 học viện Ngân hàng lại phi ra bến xe Giáp Bát để nhận bao tải nấm tươi được mẹ gửi theo xe từ quê nhà ở Nam Định lên.
Hương kể: “Mẹ em hay gửi nấm tươi lên cho em tự nấu ăn. Một hôm, mẹ gửi nhiều quá sợ để hỏng nên em mang ra cho bác bán rau ở đầu ngõ một ít. Bác ấy về ăn rồi hỏi bao nhiêu tiền một kg, sau đó bác ấy nói bảo mẹ gửi lên bác bán thử”.
Sau lần đó, thấy bác bán không được nhiều lại mất công mẹ gửi nên Hương lân la ra chợ Xanh (Định Công, Hà Nội) hỏi mấy bác bán rau xem có thể nhập nấm của Hương hay không để mẹ gửi cho bõ công. Dần dà, mỗi tuần mẹ Hương gửi lên ba lần, mỗi lần một bao 50kg mà vẫn tiêu thụ hết.
“Nấm ngon, tươi, giá lại rẻ hơn ở HN nhiều nên em bán rất dễ, chỉ việc hai ngày một lần ra bến xe nhận, đưa về chợ cho các bác bán mỗi người mấy kg là một tuần em có một triệu đồng. Bây giờ thay vì gửi tiền cho con, mẹ em chỉ cần gửi nấm”, Hương khoe.
Hai người bạn ở trọ cùng thấy Hương buôn bán xuôi chèo mát mái cũng tìm mối làm ăn. Trần Thu Hà, bạn cùng lớp với Hương cũng rụt rè tìm mối để bán chè Thái Nguyên quê mình để đỡ đần bố mẹ tiền thuê nhà.
Trong căn phòng trọ của ba cô sinh viên ngổn ngang những bao chè Hà ngượng ngùng chia sẻ: “Chè quê em bán ở HN rất nhiều nhưng giá cao và phải ra cửa hàng. Em thì chỉ bán cho mấy người quen trên mạng, mang hàng tận nơi. Cả mấy bác bán hàng nước cũng mua chè của em vì rẻ hơn cửa hàng một chút”.
Hà kể, thêm, bạn em quê ở Vĩnh Phúc còn bán cả bánh cuốn đặc sản quê bạn ấy. Cũng có bạn lại nhờ mẹ gửi thịt lợn sạch ở Bắc Giang xuống, bán cho cả thầy cô giáo, các bạn ở trọ bên ngoài. Trên các diễn đàn mạng, không khó để tìm thấy những lời rao như: "Em chào các mẹ ạ…! Em quê ở Yên Bái có rất nhiều đặc sản như: gạo nếp Tú Lệ, nấm hương rừng, măng khô… Hiện nay em đang là sinh viên tại Hà Nội, muốn bán thêm chút đặc sản quê nhà để kiếm thêm chút thu nhập phụ gia đình và công việc học tập. Em đảm bảo hàng ngon, chất lượng nhất đến tay các mẹ. Các sản phẩm của em bán đảm bảo 100% làm thủ công nên các mẹ yên tâm về chất lượng cũng như hương vị của sản phẩm".
Manh nha buôn bán
Sau gần hai năm bán hải sản, chả mực, chả cá thu ở khu vực Thái Hà, Lâm Mạnh Hải và em gái là Lâm Thu Trang đã trở thành mối quen của khá nhiều nhà hàng, tiểu thương ở khu vực này. Quê ở Bãi Cháy, Quảng Ninh, bố mất sớm nên hai anh em Hải đi học rất khó khăn. Ngay ngày đầu lên Hà Nội học, Hải đã đi chạy bàn thuê cho quán ăn. Thấy nhà hàng nhập thực phẩm chuyển từ Quảng Ninh lên cũng nhiều, Hải lân la tìm hiểu và biết giá cả đã vênh lên khá nhiều so với ở quê. Hải nhận với chủ cửa hàng sẽ nhờ mẹ gửi ở quê lên và chỉ nhận một chút tiền công.
Cứ như vậy, Hải và em gái mở rộng nhận đặt hàng từ cá nhân, người bán hàng. Hai anh em cũng in tờ rơi, mang tới các chợ và khu dân cư Hoàng Cầu tiếp thị. Ra trường đi làm tại một công ty tư nhân, Hải có thêm mối bán hàng nên hai anh em tiến tới bán hàng qua mạng, bán hàng giao tận nhà. “Giờ thì bọn em đã có mối ổn định, còn có thêm hai bạn đi đưa hàng.
Mẹ em và chị gái ở nhà đóng hàng, gửi xe còn bọn em nhận hàng và phân phối. Khi được đặt số lượng nhiều, bọn em thay nhau về vận chuyển lên để yên tâm. Hai anh em còn đang ấp ủ sẽ lập một website bán hàng với những chiêu riêng biệt để kinh doanh lớn hơn khi em gái Hải ra trường".
Lâu lâu về thăm quê, Trịnh Thị Quỳnh (Trùng Khánh, Cao Bằng) sinh viên đại học KHTN lại được bạn bè, mấy cô bác gần nơi trọ học nhờ mua hộ mật ong, thịt gác bếp và hạt dẻ khi vào mùa. Mang vác vất vả, nặng nhọc nên khi mua hộ, Quỳnh thường lấy thêm vài ngàn gọi là tiền công, cũng là bù lại mẹ Quỳnh vất vả đi mua tận nơi giá rẻ, hàng ngon. Gia đình đông con vất vả, lại thấy Quỳnh thường xuyên mua hộ đặc sản nên mẹ Quỳnh quyết định đi buôn hàng chuyến để con gái khỏi phải về nhiều.
Chung sức với mẹ, Quỳnh làm hẳn một tấm biển con con treo ở cửa phòng trọ “nhận đặt hàng đặc sản Cao Bằng theo mùa”. Quỳnh tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội, tự giới thiệu mình là sinh viên, muốn kiếm thêm thu nhập ăn học nên có nhận đặt hàng từ Cao Bằng hàng tháng. Giờ thì mẹ và Quỳnh đã thuê hẳn một gian nhà trọ để kinh doanh, buôn bán. Mẹ Quỳnh thuê một chỗ nho nhỏ ở chợ, tháng đôi lần đi về lấy hàng xuống HN kinh doanh. Ngoài giờ học, Quỳnh phụ mẹ buôn bán. Khi mẹ về quê lấy hàng, một mình Quỳnh làm “bà chủ nhỏ”, từ đưa hàng tới bán ngoài chợ ngoài giờ học.
Năng động, dám làm, ngày càng nhiều sinh viên dấn thân, thử sức buôn bán nhỏ, ít nhất là để đỡ đần cha mẹ. Không ít những sinh viên đã lập nghiệp từ những công việc thời vụ như vậy.
Theo Vietnamnet