"Gần 16h rồi, mọi người ráng lẹ tay kẻo trễ giờ nha", Mạnh Khang (sinh năm 1995) hướng lên nhìn đồng hồ rồi nói vọng vào trong gian bếp.
Nghe vậy, 6 người còn lại mau chóng thay nhau múc thức ăn, chia nước sốt, đóng hộp và xếp hàng trăm suất cơm vào những thùng các-tông lớn. Ai cũng đeo khẩu trang, găng tay, chuyên tâm làm việc với nhịp độ hối hả mà ăn ý lạ thường.
Ngày đầu tiên thực hiện chương trình, cả nhóm có mặt từ 9h để chuẩn bị nguyên liệu, bắt đầu nấu 200 suất cơm cho các y bác sĩ ở quận Gò Vấp. |
Mạnh Khang tiến tới, chỉ vào hàng dãy hộp cơm được đóng gói ngay ngắn và nói: "Các phần ăn này đều do chị An, chủ một nhà hàng, và các tình nguyện viên nấu nướng từ 9h đó. Chút nữa, tụi mình sẽ chuyển đồ ăn tới quận Gò Vấp cho các bác sĩ đang vất vả chống dịch".
Vài ngày trước, khi tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, công ty của Khang quyết định khởi động chương trình Tiếp sức Tiền tuyến.
Theo đó, ban tổ chức sẽ kết hợp với các nhà hàng, bếp ăn nhằm cung cấp các suất ăn, nước uống cho lực lượng tuyến đầu.
1.500 suất ăn cho y bác sĩ chống dịch
Vốn có nền tảng kết nối những nhà hàng chuyên cung cấp phần ăn cho các sự kiện và doanh nghiệp, ban tổ chức có thể vận động các đối tác tham gia gửi hộp cơm, ly nước tới lực lượng tuyến đầu đang hoạt động tại các điểm phong tỏa trên địa bàn thành phố.
Sau khi đăng bài kêu gọi, phía Mạnh Khang lập tức được nhiều đối tác hưởng ứng nhiệt tình. Anh cho biết hầu hết nhà hàng đều ít nhiều bị ảnh hưởng doanh thu, thậm chí tạm dừng hoạt động vì dịch, song ai cũng muốn góp sức vào chương trình này.
Dù bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều chủ nhà hàng, bếp ăn sẵn sàng góp sức, lương thực, tiền bạc để thực hiện chương trình. |
"Công ty mình có một group quy tụ các đối tác trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Bài đăng kêu gọi chung sức vừa 'lên sóng' thì không ít bên đã liên hệ, hứa sẽ cung cấp hàng trăm suất ăn trong suốt chương trình", Khang nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, chương trình Tiếp sức Tiền tuyến đã có 9 nhà hàng, quán cà phê tham gia với khoảng 1.500 suất ăn đăng ký.
Tiếp đó, ban tổ chức sẽ chủ động liên hệ với các địa phương có dịch, đề nghị hỗ trợ phần ăn cho các y bác sĩ và tình nguyện viên. Được sự đồng ý từ chính quyền các quận, phía Khang sẽ phân bố các món và số lượng thức ăn, nước uống phù hợp.
"Tùy vào nhu cầu ở mỗi địa phương mà mình sẽ chốt được ngày giao, số lượng suất ăn cụ thể. Ví dụ như hôm nay, tụi mình sẽ đưa 200 suất cơm, 200 ly cà phê tới quận Gò Vấp; 100 bánh bao kim sa, 50 bánh cupcake và 150 ly trà sữa tới quận Tân Phú", anh kể.
"Địa phương còn cần, chúng mình còn làm"
Vội lau đi mồ hôi dọc chạy dọc hai bên thái dương, chị An, đầu bếp chính, nhanh tay đổ nước sốt vào bịch nhỏ, xếp ngay ngắn vào từng hộp cơm. Chị tự hào khoe sẽ chiêu đãi các y bác sĩ ở quận Gò Vấp "món tủ" của mình - gà chiên mắm nhĩ.
Để chuẩn bị cho thực đơn đặc biệt, chị phải đi chợ từ sáng hôm trước, lựa hàng chục cân gà tươi về làm sạch, tẩm ướp gia vị. Tới 7h hôm sau, chị mới đi chợ mua rau, củ tươi về sơ chế.
"Nấu ăn cho các bác sĩ nên mình phải lựa chọn thực đơn sao cho đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng. Món này sạch sẽ mà đưa cơm lắm nghen! Mong các bác sĩ sẽ ăn thật no, có nhiều sức khỏe để 'chiến đấu' với Covid-19", chị An cười, nói.
Việc lựa chọn thực đơn do nhà hàng và ban tổ chức thiết kế, sao cho đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Chia sẻ với Zing, người phụ nữ này cho biết đây không phải lần đầu tham gia chương trình thiện nguyện. Hàng tháng, bếp ăn nhà chị đều tổ chức phát cơm từ thiện cho người nghèo, trẻ em cơ nhỡ.
Tuy nhiên, hôm nay là lần đầu chị được nấu cơm tiếp sức cho các y bác sĩ ở tuyến đầu, hỗ trợ bữa ăn, ly nước cho họ. Điều này khiến chị cảm thấy vui hơn, tự hào hơn bình thường.
"Mình quen nấu cơm cho sự kiện, công ty nên mấy trăm phần ăn không nhằm nhò gì! Tiền nguyên liệu, công nấu không đáng là bao nên mình tự bỏ túi ra chi trả. Chút ít như vậy mà giúp được cho các bác sĩ là vui lắm rồi!".
Hơn 16h, mọi công đoạn chuẩn bị đều được hoàn tất, sẵn sàng chuyển tới Quận đoàn Gò Vấp để trao tay các bác sĩ. Thấy trời lất phất mưa, cả nhóm tỏ ra lo lắng, sợ quá trình vận chuyển bị đình trệ vì thời tiết.
"Ban tổ chức và các nhà hàng chỉ băn khoăn khâu vận chuyển thôi! Ai cũng muốn đồ ăn tới tay lực lượng tuyến đầu được nóng hổi, thơm ngon nên phải gắng sức, tránh chậm trễ", Khang nói.
Trước khi lên ôtô hướng về quận Gò Vấp, anh và các tình nguyện viên đều phải khai báo y tế, đăng ký quân số nhằm đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh.
Khi tới nơi, các phần ăn sẽ được giao tại điểm tập kết, chờ lực lượng chuyên trách phân bổ tới các địa bàn khác nhau trên toàn quận.
Hàng trăm hộp cơm, ly nước được chuyển tới điểm tập kết ở địa phương, chờ lực lượng chuyên trách phân bổ về từng nơi trên địa bàn quận. |
Nhìn những thùng đồ ăn được xếp ngay ngắn, cả nhóm thở phào nhẹ nhõm vì thành công đầu tiên của chương trình.
"Lĩnh vực dịch vụ ăn uống chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch, nhưng không vì thế mà họ quên cảm ơn những 'người hùng áo trắng'. Sắp tới, Mình tin số lượng phần ăn sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Chỉ cần các địa phương còn cần, chúng mình sẽ tiếp tục kéo dài chương trình, hỗ trợ những món ăn, thức uống ngon lành, bổ dưỡng để các bác sĩ có sức khỏe chống dịch", Khang cười, nói.