Tại buổi tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường tổ chức tại trường THPT Telơman, TP.HCM, chiều 23/2, hoa hậu H’Hen Niê và MC, diễn viên Quyền Linh đưa ra nhiều tình huống, câu hỏi thú vị về bạo lực học đường, tình yêu qua mạng xã hội...
Học sinh không nên yêu sớm
Để thử thách các bạn học sinh trong buổi tư vấn, MC Quyền Linh, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM - nêu ra một tình huống ứng xử trên mạng xã hội:
"Hai bạn nam tên Tuấn và Hải cùng yêu một cô tên là Đào. Mỗi lần, Hải vào bình luận ảnh của Đào trên Facebook đều thả rất nhiều tim. Đào nói với Tuấn rằng không yêu Tuấn nữa mà chuyển sang yêu Hải vì nghĩ Hải thả nhiều tim thì yêu mình nhiều hơn. Tuấn hẹn Hải để nói chuyện phải trái. Hải giải thích rằng không hề yêu Đào. Nhưng người yêu của Tuấn vẫn nhất quyết chia tay chàng trai này. Tức quá, Tuấn cầm thanh sát đánh Hải túi bụi. Kết cục, Tuấn vào nhà giam, Hải vào nhà thương, và Đào ân hận nhất".
Diễn viên Quyền Linh hỏi các bạn học sinh và hoa hậu H'Hen Niê sẽ ứng xử như thế nào nếu mình là Đào. Trong khi các nữ sinh cho rằng nên 3 mặt một lời, báo với ba mẹ của các bạn nam hoặc đóng Facebook thì H'Hen khuyên các bạn không nên yêu đương quá sớm.
H'Hen Niê kể về trải nghiệm của bản thân trong tình yêu. Ảnh: M.N. |
"Tuổi của các em còn quá trẻ để yêu. H'Hen bắt đầu yêu từ năm 26 tuổi. Khi là học sinh, sinh viên, H'Hen chưa trải nghiệm chuyện tình yêu. H'Hen rất đồng ý rằng các bạn học sinh không nên yêu sớm, thay vào đó nên dồn sức cho ước mơ của mình. H'Hen hiện tại rất hài lòng với chính mình", Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 chia sẻ.
Thông qua câu chuyện mâu thuẫn của 2 nam sinh trên mạng xã hội, hoa hậu H'Hen cũng lưu ý học sinh về việc sử dụng mạng xã hội cho đúng cách và mang lại lợi ích cho chính mình.
"Đúng là mạng xã hội giúp chúng ta kết nối với nhau nhưng nó là ảo", cô nói.
Tiếp lời hoa hậu Việt Nam, diễn viên Quyền Linh cảnh báo các bạn học sinh: "Mạng xã hội là ảo nhưng vì cái ảo mà phải vào tù là có thật nên chúng ta phải cẩn trọng khi dùng mạng xã hội".
Bị bạn bè cô lập có phải là bạo lực học đường?
Buổi tư vấn cũng nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc của các bạn học sinh liên quan vấn đề bạo lực học đường, quấy rối, xâm hại tình dục ở trẻ em.
Bạn Minh Châu, học sinh lớp 11, thắc mắc những trường hợp bị bạn bè cô lập, nói xấu, quấy phá, có được coi là bạo lực học đường hay không?
Ông Nguyễn Văn Tín, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, trả lời: "Theo điều 20 của Hiến pháp, mọi người sẽ được bảo vệ tính mạng, nhân phẩm, danh dự. Điều 4 trong Luật Bảo vệ Trẻ em không chỉ tổn hại về tính mạng, thể chất mà còn có bị cô lập, ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm thì vẫn xem đó là vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167 hoặc Nghị định 144 về bảo vệ trẻ em".
Buổi tư vấn có sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng khiến học sinh thích thú. Ảnh: M.N. |
Bạn Quỳnh Anh hỏi trong trường hợp phát hiện bạn bè bị bạo lực, xâm hại thì nên báo với ai và báo như thế nào.
Đại diện Sở tư pháp TP.HCM đã cung cấp cho các bạn học sinh 4 địa chỉ để liên hệ khi phát hiện bạo lực học đường, xâm hại tình dục là công an địa phương; UBND xã phường, quận huyện; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Bà Bùi Thị Hòa, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, cho biết tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp. Số vụ việc, nhất là các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường đang dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ.
Bà Hòa cũng cảnh báo tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng và diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, không dừng lại ở việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, mà còn xuất hiện dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội, dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm.
Số liệu của ngành công an cho thấy chỉ trong năm 2018, 2.000 vụ bạo lực học đường xảy ra, trong đó hơn một nửa ở trường học.