Sáng 24/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết năm nay, kỳ thi trên địa bàn tỉnh có nhiều nét mới.
Cụ thể, từ rất sớm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo và phân công Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm Trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh.
“Thông thường, việc này giao cho Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn xã, nếu không thì một Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực khác. Với Hà Giang năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, Hà Giang đã hình thành hệ thống Ban chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố.
Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Giang Nguyễn Thế Bình. Ảnh: Trường Phong/Tiền Phong. |
“Trong quy chế thi chỉ yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, nhưng Hà Giang thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố, trong đó có các ngành thành viên liên quan công tác thi, có mặt của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Việc này tạo sự chỉ đạo liên tục, xuyên suốt, xử lý được tình huống tại chỗ ngay về công tác phối hợp. Ví dụ bão lũ, mưa lụt, thiên tai thì phải khắc phục tại chỗ và trực tiếp chịu trách nhiệm là Ban chỉ đạo thi cấp huyện, thành phố”, ông Bình nói.
Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Giang cũng cho biết tất cả cán bộ làm công tác thi năm 2019 phải trải qua lựa chọn nhiều vòng. Các trường giới thiệu lên, sở xem xét, lựa chọn, gửi văn bản sang cơ quan có liên quan như Công an tỉnh và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang để thẩm định thân nhân, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phân công bố trí vào các nhiệm vụ, khâu, bước của kỳ thi năm 2019.
“Chúng tôi làm từ tháng 3. Kể cả thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng phải thẩm định, chứ không phải cứ ở vị trí đó là được vào, phải thẩm định bình thường. Liên quan vụ án năm 2018, ai liên đới, liên quan, với từng cấp độ thông tin, sẽ cung cấp để Ban chỉ đạo quyết định dùng hay không dùng”, ông Bình nói.
Ông cũng cho biết công tác thanh tra, kiểm tra năm nay được triển khai nhiều tầng, nấc. Ngoài đoàn giám sát của cơ quan thường trực là Sở GD&ĐT, UBND tỉnh cũng thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống làm việc với tất cả điểm thi. Việc quán triệt, học tập, nghiên cứu, áp dụng quy chế thi cũng được tổ chức nghiêm túc.
Liên quan việc lắp camera giám sát kỳ thi, ông Bình cho biết tỉnh đã bố trí kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để mua sắm toàn bộ trang thiết bị camera giám sát, trang thiết bị phục vụ chấm thi trắc nghiệm.
“Toàn bộ hệ thống camera giám sát đã được lắp đặt đầy đủ, đảm bảo chất lượng ở 20 địa điểm thi trên địa bàn toàn tỉnh. Dù các điểm thi đã có máy phát điện dự phòng, tỉnh cũng bố trí bộ lưu điện để đảm bảo không để cho camera bị ngắt bất kỳ một giây nào”, ông Bình chia sẻ.
Ông cũng cho biết camera giám sát sẽ được vận hành đúng quy trình, quy chế bảo mật, đảm bảo sử dụng được khi cần thiết.
Liên quan nhân sự phục vụ kỳ thi năm 2019, ông Bình cho biết sau khi xảy ra vụ án năm 2018, tỉnh đã lên phương án, bổ sung kịp thời lãnh đạo Sở GD&ĐT để có thể đảm đương nhiệm vụ theo tiến độ quy định. Ngoài ra, sở cũng chủ động xem xét, bổ nhiệm, điều động các cán bộ dạng biệt phái, điều động trở về sở làm nhiệm vụ.
“Mặc dù trong bối cảnh đang thiếu cán bộ, với lực lượng hiện nay, chúng tôi rất sẵn sàng, quyết tâm thực hiện một kỳ thi an toàn theo đúng tinh thần, đảm bảo công bằng cho các thí sinh”, ông Bình nói.
Về tiến độ xử lý vụ án năm 2018, ông Bình cho biết trách nhiệm trả lời thuộc về các cơ quan như Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang.
“Đối với sở, nếu nói không bị ảnh hưởng thì không phải, nhưng tỉnh cũng có chủ động phương án sắp xếp, bố trí, đảm bảo đủ nhân lực cho kỳ thi năm nay”, ông Bình tái khẳng định.