Hà Lê quay trở lại với đề tài về tình yêu và R&B. |
* Đánh giá: 7/10
Dự án âm nhạc Trịnh Contemporary của Hà Lê được phát hành 2 năm trước. Sự tâm huyết, sáng tạo đột phá trên tinh thần tôn trọng tối đa với các tác phẩm gốc kinh điển của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến cho dự án của Hà Lê được sự công nhận của cả khán giả đại chúng cũng như giới chuyên môn.
Đây cũng có thể xem là dự án làm mới nhạc Trịnh chỉn chu, chuyên nghiệp nhất trong nhiều năm trở lại đây khi Hà Lê không chỉ thực hiện một full album, phát hành single kèm các MV đầu tư nghiêm túc cả về mặt hình ảnh lẫn vũ đạo, anh còn tổ chức các buổi live show cùng với Màu nước band có chất lượng thưởng thức cao.
Dự án Trịnh Contemporary phần nào đã giới thiệu được phong cách âm nhạc mà Hà Lê muốn theo đuổi, đó là R&B trộn lẫn với điện tử cùng với một số âm hưởng dân tộc được đan cài xuyên suốt. Tuy nhiên, khi đặt vào các sáng tác đã quá quen thuộc của Trịnh Công Sơn, cá tính của Hà Lê có phần lùi bước để nhường chỗ cho những giai điệu đẹp của vị nhạc sĩ tài hoa bậc nhất nhạc Việt.
Khán giả vẫn trông chờ một dự án nguyên bản đậm chất của Hà Lê hơn.
Nỗ lực sáng tạo làm mới những ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Hà Lê và các cộng sự đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Ảnh: NVCC. |
Phần lời chưa tương xứng với không gian âm nhạc
EP Lost chính là bước đi tiếp theo để khẳng định sự nghiêm túc trên con đường âm nhạc của Hà Lê. Hợp tác với Khắc Hưng - một trong những producer mát tay tại Vpop - Hà Lê không giấu tham vọng tạo nên một sản phẩm âm nhạc đột phá cho sự nghiệp của mình.
Phần hình ảnh của 2 MV Khói cũng như Quay lại giường đi em được Hà Lê đầu tư mạnh mẽ khi hợp tác với Kiên Ứng - đạo diễn nổi tiếng với những visual độc lạ trong Talk to me (Chi Pu), Em không thể (Tiên Tiên) hay gần đây là Pillars (Mỹ Anh).
Tuy nhiên, xét riêng về mảng âm nhạc, EP Lost của Hà Lê có thể nói là vẫn dừng lại ở mức an toàn. Ở mặt tích cực, các sản phẩm được sản xuất thống nhất trong một không gian đậm đặc trong R&B nhưng mỗi bài lại có một cách thể hiện khác nhau.
Phần hình ảnh trong những MV ở EP Lost cho thấy những hình ảnh độc lạ và sự đầu tư nghiêm túc của ekip làm nhạc. |
Nếu như ở Khói là màu sắc contemporary với những âm bass dày đặc, sang đến Quay lại giường đi em lại được làm nhẹ lại với những âm thanh lo-fi thiên về tạo mood. Whisky lại là chất alternative R&B khi giọng hát của Hà Lê được dìm sâu dưới lớp âm thanh điện tử nặng nề.
Đây đều là những thứ khá mới mẻ với Hà Lê, nhất là khi so sánh với chất điện tử pha âm hưởng truyền thống cùng với trình diễn với ban nhạc live mà Hà Lê từng làm ở Trịnh Contemporary.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khắt khe, những chất liệu mà Khắc Hưng cùng Hà Lê mang vào Lost không hẳn mới mẻ với thị trường. Cách làm R&B trong Khói nghe giống với những gì đội ngũ SpaceSpeaker đã từng làm cho Soobin từ vài năm nay với những tiếng bass nhanh mạnh (như ở trong Blackjack).
Quay lại giường đi em là những âm thanh mà những ai hay nghe R&B đến từ các nhóm indie/underground tại Việt Nam như JMG Melancholy không còn xa lạ gì. Đặc biệt, những cách xử lý của Khắc Hưng trong Whisky nghe rất giống với cách The Weeknd từng làm trong bản hit The Hill từ 2015.
Tất nhiên, Hà Lê cùng Khắc Hưng không cần thiết phải sáng tạo ra những âm thanh mới mẻ đột phá mới là hay. Những bài hát trong EP Lost vẫn được xây dựng rất ổn để trải nghiệm của người nghe thoải mái. Tuy nhiên, những chất liệu mà bộ đôi này sử dụng đã đều được thị trường thực hiện từ khá lâu, khiến cho không gian toàn bộ EP không còn đủ hợp thời và bắt kịp với trào lưu của thế giới nữa.
Hà Lê và Khắc Hưng kết hợp ăn ý trong MV Khói. Ảnh: NVCC. |
Lyrics cũng là một điểm chưa thực sự tốt của Lost. Các sáng tác của Khắc Hưng vẫn luôn đảm bảo về một giai điệu tốt và đoạn chorus bắt tai, dễ nhớ, tuy nhiên phần lời của anh phần nào chưa đáp ứng được không gian “tăm tối” mà phần âm thanh xây dựng nên.
Anh có những cách gieo vần khá lười biếng “Cho anh mau quên đi, quên hết hiện tại ngay đi” (Whiskey), những hình ảnh đã cũ kỹ không thú vị “Nơi góc ban công, nhìn ra phía thinh không” (Quay lại giường đi anh), cách mô tả, liên tưởng khá thô “Em là bad girl em rất là thú vị, trong màn đêm em là đốm sáng diệu kỳ”.
Không phủ nhận sự đơn giản từng giúp Khắc Hưng tạo ra được kha khá bản hit, nhưng trong một không gian âm nhạc đòi hỏi sự phức tạp hơn trong ca từ cũng như mô tả chiều sâu tâm lý như dark R&B, Khắc Hưng không nên mang những ca từ đã cũ kỹ như thế này vào.
Giọng hát của Hà Lê là điểm sáng
Tuy nhiên, giọng hát của Hà Lê vẫn là một điểm sáng của dự án lần này. Vocal của Hà Lê đã được nhiều khán giả và giới chuyên môn công nhận thông qua Trịnh Contemporary nhờ việc xử lý rất tốt các phân đoạn cao trào.
Trong sản phẩm lần này, dẫu cho phần âm thanh điện tử mới là nhân vật trung tâm, Hà Lê vẫn biết cách tìm kiếm spotlight cho giọng hát của mình. Rõ rệt nhất là những màn gằn giọng trong chorus của Khói, màn ad-libs bùng nổ trong đoạn kết của Whisky. Đặc biệt, trong một bài hát êm đềm như Quay lại giường đi em, Hà Lê cũng thể hiện sự linh hoạt, biến hóa tốt của mình khi xử lý ngọt cả bài với quãng giọng trung, không cần cao trào nhưng vẫn rất thu hút.
Giọng hát của Hà Lê là điểm sáng trong EP Lost. |
Mặc cho việc âm thanh của EP Lost không thực sự mới, nhưng sản phẩm âm nhạc lần này của Hà Lê vẫn cho thấy được sự nghiêm túc, chỉn chu của anh trên chặng đường âm nhạc: chất lượng âm thanh đồng đều, thống nhất xuyên suốt cả 3 bài hát, cách xử lý thú vị và linh hoạt theo từng không gian âm nhạc của từng bài.
Ở đây, người nghe cũng có dịp được thấy rõ chân dung âm nhạc của Hà Lê thông qua những sáng tác mới hoàn toàn. Nếu như Hà Lê tiếp tục theo đuổi phong cách này và đào sâu vào những âm thanh mới mẻ, hợp thời hơn, chắc chắn anh sẽ còn ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn nữa ở mảnh đất R&B vẫn còn khá hoang vắng tại Vpop này.