Từ sáng sớm, trong tiết trời se se của cái lạnh cuối mùa, một góc phố Thanh Nhàn (Hà Nội) đã đông người đến xếp hàng. Không ai bảo ai, mọi người đeo khẩu trang đầy đủ, đứng giãn cách nhau 2 m, theo các vị trí đã được đánh dấu sẵn trên vỉa hè.
Họ đang chờ đến lượt nhận những suất bánh từ thiện từ chương trình “1000 chiếc bánh sẻ chia” do chị Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1979, Hà Nội) đứng ra tổ chức.
Những ai có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi mùa dịch Covid-19 khi đến sẽ nhận được một phần bánh nóng hổi làm đồ ăn sáng.
Chương trình từ thiện "1000 chiếc bánh sẻ chia" dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. |
“Ban đầu, mình tổ chức quyên tặng đồ ăn và các vật dụng cần thiết cho các y bác sĩ để tri ân công sức của họ. Sau đó, mình nghĩ rằng tại sao không nhân cơ hội này để giúp đỡ thêm những người dân cũng đang ở trong giai đoạn nhiều thử thách”, chị Ngọc chia sẻ về ý tưởng bắt đầu chương trình.
Sau đó, chị đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân quyên góp và được mọi người ủng hộ.
"Nhận bánh mì ăn dè xẻn cả ngày"
Những buổi phát bánh miễn phí diễn ra trong 5 ngày, bắt đầu từ 13/4. Đến xếp hàng nhận bánh chủ yếu là người lao động chân tay, người bệnh, người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Ung Bướu TW ở gần đó.
Buổi phát bánh đầu tiên, người biết đến chưa nhiều, số bánh làm ra mất 1 tiếng mới trao tặng hết. Dần dà, người biết đến đông hơn, những buổi phát tiếp theo chỉ còn diễn ra trong vòng 45 phút, 30 phút. Buổi thứ tư, chỉ 15 phút, 300 chiếc bánh đã hết nhẵn.
“Bác dùng bánh gì ạ?”, “Bánh của bác đây ạ”, cứ thế từng chiếc bánh được trao đến tận tay mỗi người. Trong lúc phân phát, những người đến nhận liên tục được nhắc nhở giữ đúng khoảng cách, lần lượt từng người lên nhận, “ai cũng có phần”.
Người đến nhận bánh đứng xếp hàng cách nhau 2 m. |
Nhận được suất bánh còn nóng rẫy trên tay, chị Nguyễn Thị Lan Anh (Thanh Trì, Hà Nội) vội mang về cho người chồng đang nằm điều trị ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Biết anh thích ăn bánh giò, hai ngày nay, ngày nào chị cũng ra xếp hàng sớm để lấy cho chồng.
“Chi phí điều trị cho chồng của mình vốn rất tốn kém. Vậy nên đỡ được đồng nào hay đồng đấy, dù chỉ là tiền bữa sáng. Hơn nữa, bánh giò họ làm có vị rất ngon”, chị nói.
Tình cờ thấy có người xếp hàng, chú Nguyễn Hồng Cường (50 tuổi, lao động chân tay) thử ghé vào. Không còn ai thuê mướn trong lúc dịch bệnh bùng phát, những lao động như chú Cường nay lại càng khó khăn hơn.
Chiếc bánh mì được phát có đầy đủ giò chả, có phết bơ được chú đánh giá là “rất quý giá” vào thời điểm này.
“Của ít lòng nhiều, mỗi chiếc bánh mì dù giá trị không lớn nhưng giúp những người đang phải thắt lưng buộc bụng mỗi ngày bớt khổ đi phần nào”, chú nói.
Mỗi phần bánh nóng hổi được trao đến tận tay từng người. |
Chờ cho những người đến lấy bánh vãn bớt, cô Hoàng Thị Ngô (39 tuổi) mới chạy sang xin một phần bánh bao. Làm công việc phụ bán hoa quả ở cổng bệnh viện Thanh Nhàn, cô Ngô biết đến việc phát bánh từ thiện từ ngày đầu.
Song, đến ngày thứ tư, cô mới sang nhận một suất bánh miễn phí.
“Người ta còn thừa thì mình mới dám qua nhận, còn đâu để hết cho những người bệnh, người khốn khó khác. Dù thu nhập của mình chỉ vài chục nghìn một ngày, lại còn nuôi 5 con nhỏ, nhưng thôi còn nhiều người khó khăn hơn, mình nhường cho họ”, cô chia sẻ.
Phần bánh lấy về, cô Ngô cho hay cô cũng không ăn mà để dành cho đứa con gái út.
“Nhiều người nhận bánh mì là để dành ăn dè xẻn cả ngày. Có người ốm quá không tự đi nổi, mình phải chạy sang lấy hộ họ cái bánh. Nhiều người nghèo không biết đến, mình cũng cố gắng mách cho họ có bên từ thiện phát bánh miễn phí”, cô Ngô nói.
Nhận xong tấm bánh, mọi người lại hối hả quay về với công việc thường ngày. Những bệnh nhân còn mặc nguyên áo bệnh viện, kéo nhau ra về với gương mặt phấn khởi.
Những người lao động, bệnh nhân đang nằm viện phấn khởi khi nhận được chiếc bánh miễn phí. |
"Nếu ổn hơn hãy ân cần chia sẻ”
Ngoài bánh mì kẹp giò chả được một bên hỗ trợ, gia đình chị Ngọc còn tự tay làm thêm bánh bao, bánh giò.
Để chuẩn bị 200 chiếc bánh giò và bánh bao mỗi ngày, chị Ngọc phải huy động thêm bố mẹ và người em cùng làm. Cả tuần nay, cứ xong công việc thường ngày, đến tối khuya là cả nhà lại quây quần, cùng nhau chuẩn bị.
“23h đêm, mọi người cùng phụ giúp nhào bột, nặn bánh, hấp bánh. Xong xuôi đâu đấy, đến 2h sáng, mọi người lại tất tả làm sang món bánh giò”, chị kể.
Đến khi đủ số bánh, trời cũng đã rạng sáng, cả nhà chỉ được nghỉ ngơi chốc lát rồi lại rục rịch đem số bánh ra nơi phát ở phố Thanh Nhàn. Những chiếc bánh được trao tận tay người khó khăn vẫn còn giữ nguyên độ nóng hổi, nghi ngút khói.
Cô con gái lớn của chị Ngọc vừa du học Mỹ về, sau khi hoàn thành đủ thời gian tự cách ly tại nhà, cũng ra phụ giúp ông bà, mẹ và các cô chú khác. Dù mệt, ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, phấn khởi khi có thể đỡ đần một phần nhỏ bé cho những mảnh đời bấp bênh vào lúc cả xã hội ở trong giai đoạn lắm thử thách.
“Hà Nội ấm lòng như thế, chắc chắn rằng Covid-19 sẽ lùi xa”. Ảnh: Nguyễn Minh Ngọc. |
“Số tiền bạn bè, gia đình đóng góp vẫn còn, mình dự định vài ngày tới sẽ lại tiếp tục tổ chức một chương trình từ thiện khác”, chị Ngọc cho hay.
Trong 5 ngày phát bánh miễn phí, hình ảnh để lại ấn tượng nhiều nhất trong lòng những người tổ chức là cảnh người ông mang theo cháu gái nhỏ, đạp xe đạp đến nhận bánh, rồi hai ông cháu cùng chia nhau ăn. Hay cảnh người phụ nữ lượm ve chai đang rong ruổi trên những con phố cũng dừng lại để lấy một phần.
Những chiếc bánh được làm từ nguyên liệu tươi sạch, xuất phát từ lòng tử tế và tinh thần sẻ chia được người dân đón nhận vui vẻ, thưởng thức ngon lành là niềm vui lớn nhất mà chị Ngọc và gia đình nhận được.
Trong mùa dịch, những hoạt động từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn vẫn tự ra đời như thế. Thông điệp “Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu ổn hơn hãy ân cần chia sẻ” tiếp tục được nhân lên.
Thủ đô thực hiện cách ly xã hội thêm một tuần, nhiều người nghèo khó sẽ buộc phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng. Nhưng lòng tốt và tinh thần đùm bọc, dang tay giúp đỡ vẫn luôn hiện diện, như lời nhắn nhủ sau mỗi chiếc bánh miễn phí: “Hà Nội ấm lòng như thế, chắc chắn rằng Covid-19 sẽ lùi xa”.