Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội ghi nhận hai trường hợp tử vong do chó dại cắn

Nhiều tỉnh xung quanh Hà Nội đang có dịch dại như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình. Do đó, người dân cần chủ động phòng tránh căn bệnh này.

Tại Hội thảo Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 9/6, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết những tháng đầu năm 2017, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho hay trường hợp mới nhất là một bệnh nhân 34 tuổi, ở Ba Vì, tử vong do chó dại cắn vào tháng 5. Cả hai trường hợp tử vong đều không được tiêm vắc xin dại.

“Bệnh dại rất nguy hiểm, có thể gây tử vong rất nhanh. Nhưng may mắn, chúng có thể khống chế bằng cách tiêm vắc xin dại. Tại Hà Nội nhiều năm nay, 100% các ca tử vong đều có nguyên nhân là không đi tiêm vắc xin”, ông Cảm cho biết.

Sai lầm chết người khi bị chó dại cắn

Theo ông Cảm, khi bị súc vật cắn (chó, mèo), việc xử lý vết thương rất quan trọng. Xử lý đúng có thể giảm tới 30% nguy cơ phát dại.

Tuy nhiên, hiện người dân chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc bị chó dại cắn, và có những cách xử lý rất sai lầm. “Nhiều người chọn cách uống thuốc nam, hoặc dùng những cách dân gian để kiểm tra virus dại và tự đắp lá chữa trị. Do đó, khi lên cơn dại, 100% đều tử vong”.

Bên cạnh đó, việc dùng dầu gió, dầu hỏa cho vào vết thương cũng rất nguy hiểm. Chuyên gia đặc biệt khuyến cáo không được khâu vết thương do súc vật cắn, bởi điều này khiến cho virus dại xâm nhập vào thần kinh nhanh hơn. Nhiều trường hợp tử vong là do thói quen này.

“Xử lý vết thương khi bị chó dại cắn rất quan trọng. Nếu xử lý đúng, có thể giảm tới 30% nguy cơ phát dại. Rửa bằng nước sạch và xà phòng là nguyên tắc quan trọng nhất khi bị cắn, sau đó chuyển đến cơ sở y tế. Có thể dùng bất cứ loại xà phòng nào để rửa, thậm chí cả nước rửa bát. Lưu ý phải rửa kỹ nhưng không làm loét vết thương hoặc khiến vết thương tổn thương sâu hơn, tuyệt đối không bóp nặn”, ông Cảm khuyến nghị.

hai truong hop tu vong do cho dai can anh 1
Chó nuôi cần được chích ngừa bệnh dại. Ảnh: Trần Ngọc/Pháp Luật TP.HCM.

Chủ động tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, để phòng chống bệnh dại, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp cùng cơ quan thú y tiêm phòng trên 80% đàn chó. Về phía người dân, cần thay đổi quan niệm, không phải những trường nghi bị dại mới đi tiêm vắc xin dại. Theo đó, bất cứ ai khi bị súc vật cắn, hoặc bị liếm vào vết xây xước phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

“Người dân có thể chủ động tiêm phòng vắc xin dại ngay cả khi chưa bị cắn. Những người đã có miễn dịch trong người, khi bị súc vật tấn công sẽ an toàn hơn rất nhiều. Lúc này, chỉ cần tiêm nhắc lại là có thể thoát khỏi án tử”.

Chuyên gia cũng cho biết vắc xin dại hiện nay là thế hệ mới, dạng tế bào, hoàn toàn không có bất cứ tác dụng phụ nào với sức khỏe. Mỗi mũi tiêm có giá khoảng 200.000 đồng, phác đồ tiêm 5 mũi trong vòng 1 tháng.

“Hà Nội bị bao vây bởi các tỉnh xung quanh đều đang lưu hành dịch dại như Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hòa Bình. Do đó, người dân cần chủ động phòng tránh căn bệnh này”, ông Cảm nhấn mạnh.

Đề xuất xử phạt 200.000 đồng với hộ dân không hợp tác phun hóa chất chống muỗi

Ông Nguyễn Nhật Cảm thông tin từ đầu năm 2017 đến nay, số người mắc sốt xuất huyết tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, dịch cũng đến sớm hơn 2 tháng. Việc phun hóa chất tiêu diệt bọ gậy, diệt muỗi là biện pháp duy nhất phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện có nhiều hộ dân không hợp tác phun hóa chất. Đơn cử ở quận Thanh Xuân, ngày 8/6, có 5% hộ không hợp tác. Do đó, Sở Y tế đề xuất có các biện pháp xử lý mạnh như đối với những hộ có nguy cơ bọ gậy mà không hợp tác sẽ bị xử phạt. Đây là biện pháp cuối cùng nhằm tăng cường việc bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Hà Thanh

Bạn có thể quan tâm