Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần năm ngoái

Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có tổng cộng hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 13 đến 19/6, thành phố phát hiện thêm 135 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Qua đó, số người mắc tính từ đầu năm 2022 đến nay đã lên tới 721 ca.

So với cùng kỳ năm 2021, con số này đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và lúc giao mùa.

Bệnh có thể kéo dài từ 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, trường hợp trẻ sốt cao và nôn nhiều còn dễ có nguy cơ biến chứng.

Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Hiện y học chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng thuốc kháng sinh khi không có bội nhiễm). Bệnh nhân yêu cầu được theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đối với các trường hợp nặng, phải đảm bảo xử lý theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Để phòng bệnh tại các cơ sở y tế, cần cách ly theo nhóm bệnh. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân. Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng CloraminB 2%. Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Đối với phòng bệnh ở cộng đồng, người dân cần vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn CloraminB 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Đồng thời thực hiện cách ly trẻ tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

TP.HCM phát hiện 123 ổ dịch sốt xuất huyết, 4 ổ dịch tay chân miệng

Số ca mắc tay chân miệng lẫn sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM vẫn có chiều hướng tăng cao so với tháng trước.

Ba dấu hiệu cảnh báo sớm trẻ mắc tay chân miệng trở nặng

Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim.

Dịch tay chân miệng

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm