Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội, Sài Gòn chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chịu nhiều tổn thương từ biến đổi khí hậu, bởi đây là trung tâm kinh tế - xã hội.

Trao đổi bên lề buổi tọa đàm ngày 27/2 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của UBQG về biến đổi khí hậu, cho biết Việt Nam đang chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu và các loại hình thời tiết cực đoan.

'Nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C, mực nước biển dâng 1 m'

“Trong hơn 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam tăng 0,62 độ C, mực nước biên dâng cao 0,62 m. Dự báo năm 2100, nhiệt độ tăng trên 3 độ C, mực nước biển có thể dâng 1 m”, GS Thục cảnh báo.

Bien doi khi hau o Viet Nam anh 1

GS Trần Thục dự báo năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng 3 độ C, mực nước biển dâng thêm 1 m. Ảnh: Trà My.

"Thời tiết cực đoan xuất hiện ở Việt Nam với tần suất lớn, phức tạp. Số đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng, các đợt rét đậm rét hại ngày càng khắc nghiệt. Hiện tượng mưa cực đoan xảy ra thường xuyên. Số lượng các cơn bão mạnh có nhiều biến động”, ông dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn với Việt Nam.

Ông Thục phân tích các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng chịu nhiều tổn thương từ biến đổi khí hậu, bởi đây là trung tâm kinh tế - xã hội.

“Biến đổi khí hậu gây ngập lụt, triều cường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân”, giáo sư nói.

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực tới khu vực ven biển

Bên cạnh đó, GS Thục cũng nhắc đến tác động của biến đổi khí hậu gây xói lở ở khu vực ven biển. Nhắc đến biến đổi khí hậu, chúng ta thường chỉ chú trọng tới ĐBSCL. Song, khu vực ven biển miền Trung cũng bị ảnh hưởng khá lớn.

"Vùng này lại có địa hình dốc. Nước biển dâng 1 m sẽ nhấn chìm những nơi tập trung đông dân cư, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ven biển miền Trung”, ông nhấn mạnh.

Bien doi khi hau o Viet Nam anh 2

Ven biển Đà Nẵng có nhiều khu vực bị sạt lở. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đề xuất giải pháp, vị Phó chủ tịch cho rằng các địa phương cần tăng cường trồng rừng ngập mặn, đây là phương pháp tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ hệ sinh thái. Cùng với đó, cần quy hoạch những khu vực nguy hiểm, bảo vệ vùng trọng điểm tránh ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển. 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS Petteri Taalas, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, cho biết trên quy mô toàn cầu, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số ngày càng gia tăng.

"Chúng ta cần ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tích cực thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu", ông chia sẻ.

Gần 30 triệu USD xây nhà an toàn cho người dân ven biển

Từ năm 2017 đến 2022, sẽ có 4.000 ngôi nhà an toàn ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân miền Trung ở 5 tỉnh được xây dựng.

Trà My

Bạn có thể quan tâm