Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội vừa phát hiện thêm một chủng virus gây sốt xuất huyết

Ngoài type virus gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9-16/9), thành phố ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 38,9%) so với tuần trước và có một ca tử vong.

Còn 118 ổ dịch đang hoạt động

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng lo ngại, Hà Nội đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.

Tuần qua, ghi nhận thêm 44 ổ dịch mới tại các quận, huyện, gồm: Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Oai (6), Hà Đông (5), Hoàng Mai (4), Quốc Oai (3), Long Biên (3), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Tây Hồ (2), Thanh Xuân (1), Phú Xuyên (1), Gia Lâm (1), Hoài Đức (1).

Hiện còn 118 ổ dịch hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân). Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn thành phố trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.

virus gay sot xuat huyet anh 1

Biểu đồ phân bố số ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết theo tuần, năm 2021- 2022 ở Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh từng tuần, Hà Nội nhận định hiện thành phố ở cao điểm dịch và sẽ tiếp tục tăng ca bệnh. Trong tuần 10-16/9, số ca mắc tăng gần 39% so với tuần trước đó, thêm 760 ca.

Chỉ số cho thấy khả năng bùng dịch rất cao

Trong y tế dự phòng, chỉ số BI (Breteau Index - số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes) có vai trò quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn, các nguy cơ gây sốt xuất huyết.

Nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng khu vực miền Bắc, chỉ số này quy định từ 20 trở lên.

CDC Hà Nội cho biết kết quả điều tra, giám sát trong những tuần gần đây, nhiều nơi ở thủ đô có chỉ số BI cao 2-5 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch.

Điển hình tại thị trấn Phùng (Đan Phượng), nơi ghi nhận một ca tử vong vì sốt xuất huyết, chỉ số này là 45. Đây cũng là huyện có số ca sốt xuất huyết cao nhất thành phố trong tuần qua với 74 ca, cao hơn tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến đầu tháng 9.

Ngoài ra, một số nơi cũng ghi nhận chỉ số BI cao vượt ngưỡng như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) là 46; phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) là 54; thậm chí, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) là 100…

Những hành động sai lầm khi chăm sóc người mắc sốt xuất huyết

Con gái tôi vừa được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết. Mạng xã hội có nhiều mẹo giúp bệnh nhanh khỏi hơn như cạo gió, ủ ấm. Xin hỏi bác sĩ tôi có nên làm theo không?

https://laodong.vn/y-te/ha-noi-vua-phat-hien-them-1-chung-virus-gay-sot-xuat-huyet-1095048.ldo?gidzl=VtbcDaAkLaX-PcurHxDIHtXcQpfPiL8KPc9hPmgmKKzcCsqm2k9M6JTcRpS9vWKTD6GyPpGFvWbBGQvOIG

Thùy Linh / Lao Động

Bạn có thể quan tâm