Ngày 18/2, trao đổi với các văn nghệ sĩ thủ đô về định hướng đầu tư cho giáo dục, ông Nguyễn Đức Chung đánh giá trong năm 2016, Hà Nội có rất nhiều cơ chế để nâng cao chất lượng ngành này.
Theo ông Chung, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, người đứng đầu chính quyền thủ đô thông tin và cho rằng một trường chất lượng phải thể hiện qua việc đào tạo được nhiều người giỏi.
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu trong hội nghị. Ảnh: Quang Anh. |
"Đây là yếu tố quyết định tới việc đông hay vắng học sinh chứ không phải vấn đề tiền. HĐND thành phố đã thông qua việc xóa cơ chế đầu tư này", Chủ tịch Hà Nội nói.
Nói về bất cập trong chất lượng giáo dục, ông Chung nêu mỗi năm Hà Nội có khoảng 60.000 học sinh tốt nghiệp THPT và ra nước ngoài học tiếp.
“Tiêu chuẩn tú tài ở Việt Nam chẳng đạt tiêu chuẩn tú tài gì, nên các cháu sang nước ngoài phải học thêm 2 năm nữa, chi phí khoảng 240 triệu đồng”, ông Chung dẫn chứng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông mong muốn thời gian tới ngành giáo dục thủ đô kết nối các giáo trình nước ngoài, ví dụ như Cambridge (Anh), dạy song song chương trình này từ lớp 10.
Theo đó, học sinh THPT vẫn theo chương trình đào tạo của Việt Nam nhưng em nào muốn đạt tú tài quốc tế phải học thêm một số môn và có thể học ngoài giờ, miễn là thi được chứng chỉ và đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có điểm Tiếng Anh.
Nếu hoàn thành các chương trình này, học sinh Hà Nội ra nước ngoài mới theo được ngay - ông Chung nói và cho biết nếu ngành giáo dục làm được như định hướng sẽ giúp tiết kiệm tiền cho nhiều gia đình có học sinh du học.