Sau gần 120 ngày bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến 2 vụ án kinh tế xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Đinh La Thăng lần lượt phải lĩnh 2 bản án: 13 và 18 năm tù.
Kể về gia đình trước khi nhận bản án thứ 2 (18 năm tù, tuyên ngày 29/3), ông Đinh La Thăng nói: "Bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mình mất đi, không được lo các công việc hậu sự cho bố. Đây là điều day dứt trong suốt quãng đời còn lại của bị cáo".
Vụ án 'thần tốc' trong lịch sử tố tụng Việt Nam
Chiều muộn hôm 8/12/2017, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV", nhiều người tập trung gần nhà ông Thăng ở khu đô thị Sông Đà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Cảnh sát khu vực cũng có mặt để đảm bảo an ninh, kiểm soát người lạ ra vào. Tối đó, tại đây có khoảng 40 phóng viên các báo, đài đến thu thập thông tin liên quan đến cựu Chủ tịch HĐTV PVN.
Cũng ngay trong ngày hôm đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng có lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Thăng để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Đinh La Thăng cùng 6 bị cáo liên quan đến vụ án. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Chưa đến 20 ngày sau (25 và 27/12/2017), VKSND Tối cao lần lượt có 2 bản cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong 2 vụ án xảy ra tại PVN.
Chia sẻ với Zing.vn thời điểm đó, thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM cho biết lần đầu trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999.
Theo diễn biến vụ án, từ khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố đến lúc TAND Hà Nội đưa ra xét xử chỉ có 30 ngày, trong đó thời gian ra bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can chỉ mất 12 ngày kể từ thời điểm khởi tố.
Đây là lần đầu trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, một vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với số lượng bị cáo đông lại có thời gian tiến hành tố tụng nhanh như vậy.
Một lãnh đạo Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) nói từ việc khởi tố rồi đi đến kết luận điều tra trong thời gian ngắn là đáng mừng trong hoạt động tố tụng. "Nếu vụ án có kết luận điều tra sớm tức là chứng cứ tội phạm đã rõ, như vậy là đáng mừng", vị này nhấn mạnh.
Ông Đinh La Thăng bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam tháng 12/2017. Ảnh: Việt Hùng. |
Bản án nghiêm với cựu Chủ tịch PVN
Hôm 8/1 - thời điểm cách Tết Mậu Tuất hơn một tháng - nhiệt độ Hà Nội khá lạnh. Khi trời còn chưa hửng sáng, đoàn xe đặc chủng chở ông Đinh La Thăng cùng các bị cáo liên quan vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hú còi chạy thẳng từ Trại tạm giam T16 (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đến TAND Hà Nội nằm trên phố Hai Bà Trưng. Ông Đinh La Thăng hôm đó dáng vẻ mệt mỏi phải đeo còng số 8, bị 2 cảnh sát áp giải lên phòng xử.
Đây là phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới để đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng. Phiên tòa này cũng không vành móng ngựa.
Nhiều hôm, phiên tòa kéo dài đến khoảng 18h30 mới dừng. Bị cáo Đinh La Thăng từng phải từ chối trả lời câu hỏi của luật sư vì huyết áp không được ổn định.
Cáo trạng xác định ông Thăng chỉ định PVC thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch PVN chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.
Sau nửa tháng xét hỏi và tranh tụng, HĐXX thấy rằng vào ngày 15/10/2010, HĐQT Tập đoàn PVN đã ra nghị quyết phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong đó có nội dung: PVC là thành viên đứng đầu liên doanh, nhà thầu nước ngoài tham gia lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế. Như vậy nghị quyết của HĐTV PVN đã nêu rất rõ, PVC phải thực hiện liên doanh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài đủ năng lực và kinh nghiệm.
Tuy nhiên lúc đó bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ định PVC là tổng thầu duy nhất, EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm nghị quyết của HĐTV của PVN, điều lệ PVN. Lời khai bị cáo thừa nhận việc này do sức ép tiến độ, nên có sai phạm trong quy trình chỉ định thầu PVC khi không qua HĐTV. Bị cáo khai do nôn nóng, sức ép công việc nên bị cáo Thăng đã chỉ đạo ký hợp đồng số 33 trái quy định.
Tại tòa, Nguyễn Quốc Khánh khai chỉ đạo việc nhanh chóng ký hợp đồng EPC, do bị cáo Thăng và Phùng Đình Thực chỉ đạo ký cho kịp tiến độ trước ngày 28/2/2011. Do vậy có cơ sở khẳng định bị cáo Đinh La Thăng được báo cáo đến trung tuần tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ EPC để ký, nhưng vẫn chỉ định cấp dưới ký trước ngày 28/2/2011, trái quy định. Hợp đồng số 33 cũng thiếu nhiều nội dung quan trọng, vi phạm nghị định 48 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký hợp đồng số 33 là doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Thời điểm đó PVC được PVN chỉ định thầu một số dự án như: Dự án Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ… cho đến nay xác định thất thoát, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có thể trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự khác.
Với vai trò người đứng đầu, ông Thăng xin được nhận trách nhiệm cho tất cả những người không có động cơ vụ lợi, vi phạm vì sự quyết liệt với công việc.
Suốt 25 phút nói lời sau cùng, bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân, các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải...
Với cương vị từng là người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng nói còn nợ người dân nhiều dự định như tuyến đường sắt Bắc Nam, một sân bay Long Thành, một đường cao tốc Bắc Nam... Giọng nghẹn ngào, cựu Chủ tịch PVN mong HĐXX xem xét cho được ăn cái Tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó chấp hành án phạt tù.
Theo lời bị cáo, sau khi xử xong vụ án này, ông còn phải đối mặt với một án phạt khác cũng xảy ra tại PVN về tội Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN giai đoạn 2006-2011. Bị cáo cho rằng không thể lường trước được ngoài lời nói cuối cùng ngày hôm đó, lời nói cuối cùng trong trong phiên tòa sắp tới thì có còn lời nói cuối cùng nào nữa không hay không.
Với bản án 13 năm tù mà TAND Hà Nội tuyên, bị cáo Thăng đã có đơn kháng cáo vì cho rằng HĐXX cấp sơ thẩm chưa đánh giá phù hợp vai trò, trách nhiệm của mình trong vụ án xảy ra tại PVN. Cựu Chủ tịch PVN nói bản án dành cho ông là quá nghiêm khắc.
Day dứt vì các thành viên HĐTV bị quy kết là đồng phạm
Gần 60 ngày sau khi phiên tòa lần 1 kết thúc, hôm 19/3, Đinh La Thăng tiếp tục phải hầu tòa cùng 6 bị cáo khác liên quan đến vụ án PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank.
Ra tòa lần 2 với 5 luật sư bào chữa, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí tỏ ra khá thoải mái khi trả lời các câu hỏi của HĐXX. Vẻ mặt không còn chất chứa âu lo như lần hầu tòa trước, ông Thăng chủ động bắt chuyện với người quen trong phòng xử trong giờ giải lao. Cách ông bước lên bục xét hỏi, trả lời câu hỏi của HĐXX và luật sư cũng khác so với 2 tháng trước.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án PVN mất 800 tỷ khi góp vốn vào Oceanbank. Ảnh: P.Đ. |
Sau nhiều ngày xét hỏi và đối đáp, HĐXX đánh giá ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.
Khi Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn mà tiếp tục ký quyết định giao người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank, HĐXX buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền trên. Trong đó ông Đinh La Thăng 600 tỷ, ông Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ...
Giải thích về chủ trương góp vốn vào Oceanbank, bị cáo Thăng cho rằng đây là cách để giải quyết hệ lụy của chủ trương thực hiện thí điểm đề án thành lập ngân hàng Hồng Việt nhưng không thành công. Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, ông Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định việc PVN đầu tư vào Oceanbank là có hiệu quả, đúng luật.
Nữ chủ tọa phiên tòa nói ông Đinh La Thăng giữ vai trò chính, là người đề ra chủ trương để các bị cáo khác thực hiện gây hậu quả đặc biệt lớn. Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Thăng thành khẩn khai báo một phần.
HĐXX cho rằng ông Đinh La Thăng phải chịu mức án cao hơn, 6 bị cáo còn lại phạm tội với vai trò thứ yếu nên được hưởng mức án thấp dưới khung hình phạt có thể áp dụng.
"Bị cáo rất day dứt về việc các thành viên HĐTV bị quy kết là đồng phạm", ông Thăng nói ở phiên tòa.
Các bị cáo liên quan vụ PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào Oceanbank trong buổi tuyên án chiều 29/3. Ảnh: P.Đ. |
'Bị cáo trở thành người con bất hiếu'
Nếu ở phiên tòa lần một, người dự khán nghe ông Đinh La Thăng nhắc đến chuyện vào nghề hơn 30 năm trước, chuyện xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân và các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, giao thông vận tải vì để xảy ra những sai phạm... Thì ở phiên tòa lần 2, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí dành nhiều thời gian kể về biến cố gia đình.
Cầm tờ giấy chuẩn bị sẵn đứng trên bục khai báo, bị cáo sinh năm 1960 gửi lời cảm ơn đến cơ quan điều tra, luật sư... đã chia sẻ với biến cố vừa qua của gia đình ông.
Ông Đinh La Thăng nghẹn giọng nói cha ông đã mất trong tâm trạng u uất, đau buồn vì chuyện của bị cáo. "Nếu không có những chuyện xảy ra thì bố bị cáo không mất sớm như vậy", cựu Chủ tịch PVN nói rồi phân trần gia đình bị cáo đã rơi vào sự tột cùng của đau thương, mất mát. Bị cáo trở thành người con bất hiếu bởi khi bố mất đã không lo được công việc hậu sự.
"Đây là điều day dứt trong suốt quãng đời còn lại của bị cáo", bị cáo Thăng nói.
Giọng trầm buồn, bị cáo nói đã nhiều năm chưa có cái Tết nào sum họp cùng gia đình. "Tưởng năm vừa qua được đón Tết cùng người thân nhưng rồi gia đình và vợ con phải vào tù thăm bị cáo. Vô cùng đau xót", ông Đinh La Thăng nghẹn ngào.
Ngoài bản án 13 năm tù ở phiên xử lần một, cộng thêm mức án đề nghị của VKS ở phiên xử lần 2 (gần như kịch khung so với điều luật), ông Đinh La Thăng lo lắng sẽ không còn đủ thời gian để thực hiện hết các bản án.
"Tôi thành tâm mong vong linh của bố tha thứ cho tôi", bị cáo kết thúc lời nói cuối của mình trước khi về trại tạm giam trong buổi chiều muộn trung tuần tháng 3.
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), điều 55 Bộ luật hình sự quy định với bị cáo phạm nhiều tội, nếu các bản án tuyên có thời hạn thì tổng hợp hình phạt bị cáo phải thi hành án không quá 30 năm.
Trong vụ án PVN mất 800 tỷ, luật sư cho hay bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 18 năm tù. Ông Thăng đang chấp hành và chờ phúc thẩm bản án 13 năm tù ở vụ Cố ý làm trái xảy ra tại Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC). Do đó, nếu giữ nguyên hình phạt ở 2 bản án sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng cũng chỉ phải thi hành tổng cộng 30 năm tù.
Ngoài ra, Điều 63 luật này quy định, nếu chấp hành được 1/3 bản án, phạm nhân cải tạo tốt và bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì được xét giảm án.