Vỡ tử cung và nhau bong non là những tai biến và biến cố sản khoa rất nguy hiểm trong thai kỳ. Ảnh minh họa: Linh Thùy. |
Chị L.T.Đ. đưa gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện quận Bình Tân trong tình trạng nặng, xuất huyết âm đạo ồ ạt. Đơn vị này lập tức điện thoại xin ý kiến hỗ trợ từ bệnh viện chuyên khoa tuyến trên.
Đứng trước tình huống cấp cứu có nguy cơ tử vong cả mẹ và con, bác sĩ chuyên khoa II Lê Kim Bá Liêm, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương, ngay lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện: vừa chỉ đạo ê-kíp hồi sức tại chỗ tiến hành cấp cứu khẩn ban đầu cho thai phụ tại Bình Tân, để đảm bảo chuyển viện an toàn lên tuyến trên.
Song song đó, Bệnh viện Hùng Vương lập tức tập hợp bác sĩ liên chuyên khoa sản - sơ sinh - chẩn đoán hình ảnh để sẵn sàng tiếp đón thai phụ chuyển đến trong trường hợp xấu nhất.
Sau gần 30 phút kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện, thai phụ đã được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hùng Vương, trong tình trạng máu loãng, đỏ tươi chảy ồ ạt ướt cả chân sản phụ và trên băng ca.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ khẩn trương vừa hồi sức cấp cứu, vừa kiểm tra sinh hiệu, tổng trạng của thai phụ, kiểm tra tim thai, khai thác tiền sử thai kỳ cùng các yếu tố nguy cơ.
Siêu âm tại giường cấp cứu phát hiện tim thai rất chậm, chỉ còn 60 lần/ phút, mạch rời rạc, tiên lượng xấu, thai nhi có nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, sản phụ có hình ảnh xuất huyết sau bánh nhau, khả năng cao là bệnh lý nhau bong non thể nặng.
Ngay lập tức, thai phụ được chuyển lên phòng mổ với chỉ định mổ tối khẩn cấp, chẩn đoán: Suy thai cấp, nhau bong non chưa loại trừ vỡ tử cung. Với sự phối hợp nhanh chóng, chuyên nghiệp của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa, chỉ sau 5 phút, một bé trai cân nặng hơn 1,9 kg được đưa ra khỏi bụng mẹ, khóc rất yếu.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương thực hiện mổ sinh và hồi sức cho sản phụ. Ảnh: BVCC. |
Sau khi thai nhi đã được đưa ra, sản phụ tiếp tục chảy máu nhiều do đờ tử cung và rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, ê-kíp phẫu thuật và gây mê đã thực hiện tất cả kỹ thuật để cầm máu và hồi sức tích cực cho sản phụ. Trong đó, 4 đơn vị hồng cầu đậm đặc, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 4 kết tủa lạnh đã được truyền.
Sau gần 100 phút giành giật sự sống của sản phụ với tử thần, toàn bộ ê-kíp phẫu thuật và gây mê đã tạm thở phào nhẹ nhõm khi các vị trí chảy máu đã được khống chế. Tình trạng sản phụ tạm ổn với các thông số sinh hiệu trong giới hạn bình thường.
Sau 24 giờ, sản phụ đã tạm ổn định và được chuyển về khoa Hậu phẫu theo dõi tiếp. Sau 8 ngày chăm sóc chu đáo, tích cực, tới ngày 23/4, sản phụ đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Lê Kim Bá Liêm, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Chống độc, nguyên Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hùng Vương, vỡ tử cung và nhau bong non là những tai biến và biến cố sản khoa rất nguy hiểm trong thai kỳ.
Với hai tai biến này, bất cứ bác sĩ sản phụ khoa nào cũng không muốn bệnh nhân của mình đối diện. Đối với những trường hợp này, công tác tiếp nhận, cấp cứu ban đầu phải thật sự bình tĩnh, đánh giá tổng thể tình trạng của bệnh nhân nhanh chóng, chính xác, tiến hành duy trì các thông số sự sống trong giới hạn cho phép.
Khai thác tiền sử sản phụ, các bác sĩ mới biết nữ bệnh nhân trên sinh con lần thứ 5, hai lần sanh mổ. Đồng thời, đêm trước ngày xảy ra biến cố, sản phụ có bị trượt chân ngã, va đập vùng hông - chậu xuống nền nhà.
Sau tai nạn, sản phụ than đau bụng âm ỉ vùng vết mổ cũ nhưng không ra huyết âm đạo nên nghĩ không có gì nguy hiểm. Sáng hôm sau, sản phụ đau bụng dữ dội, liên tục khắp bụng kèm ra huyết âm đạo ồ ạt, máu đỏ tươi.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mỹ Phượng, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ điều may mắn Bệnh viện quận Bình Tân đã báo cáo kịp thời và quy trình báo động đỏ liên viện tại Bệnh viện Hùng Vương đã phát huy hiệu quả tích cực, kịp thời giành lại được cả 2 mạng sống.
Bác sĩ Lê Kim Bá Liêm cũng khuyến cáo trường hợp đang mang thai mà gặp các sự cố, tai nạn, các thai phụ nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra các dấu hiệu nguy hiểm như: thai máy ít, ra huyết âm đạo, đau bụng các mức độ để được siêu âm hoặc nghe tim thai nhằm đảm bảo bản thân và thai nhi không đối diện với các tai biến nguy hiểm; tuyệt đối không được chủ quan hoặc tự điều trị cho bản thân mà không có ý kiến của bác sĩ.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.