Chiều 30/11, Cơ quan đại diện phía Nam của Bộ GD&ĐT tại TP.HCM đã có buổi làm việc bước đầu với Công ty Cổ phần MidBrain Activation (269A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM) về nội dung liên quan chương trình “kích hoạt não” dạy trẻ thành thiên tài.
Hàng trăm trẻ đã được 'kích hoạt não'
Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó vụ trưởng - Phó giám đốc Cơ quan đại diện phía Nam Bộ GD&ĐT, cho biết: “Sau cuộc làm việc, chúng tôi sẽ báo cáo và kiến nghị đối với hoạt động của công ty này để lãnh đạo bộ có ý kiến chỉ đạo”.
Trao đổi với PV vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Mạnh Dương, giáo viên huấn luyện tại công ty, thừa nhận công ty chưa có đề án hoạt động trong lĩnh vực liên quan và chương trình chưa được Sở GD&ĐT TP.HCM thẩm định.
“Sau khi báo chí thông tin, một số học viên đã ngưng tham gia các khóa học. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu hôm nay (1/12) công ty báo cáo hoạt động cho sở. Nhân dịp này, công ty có nguyện vọng được cơ quan này hướng dẫn quy trình làm đề án và thẩm định từ các cơ quan quản lý”, ông Dương nói.
Ông Dương giải thích từng đến sở GD&ĐT đề nghị hướng dẫn quy trình làm đề án thẩm định, tuy nhiên sở cho biết chưa có tiền lệ về các khóa "kích thích não giữa", còn mới mẻ nên chưa cấp phép.
Một lớp huấn luyện ”kích hoạt não“ cho trẻ em được quảng cáo trên mạng. Ảnh: Midbrain master (Malaysia).
|
Ông Dương cho biết thêm hiện công ty có 10 giáo viên huấn luyện, tất cả đều được cấp chứng chỉ từ MBM Global có trụ sở tại Malaysia. Đến nay, dù chương trình chưa được thẩm định, công ty đã huấn luyện cho hơn 600 trẻ cả nước, riêng TP.HCM khoảng 300 trẻ.
Trước đó, sáng 30/11, lãnh đạo quận Đống Đa (Hà Nội) cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm đại diện Phòng Giáo dục phối hợp Phòng An ninh văn hóa Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra hoạt động của Trung tâm Trí Tuệ Việt, có trụ sở ở phố Thái Hà.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Giáo dục quận Đống Đa, cho biết khi đoàn kiểm tra liên ngành có mặt tại cơ sở ở phố Thái Hà, chỉ có hai nhân viên túc trực. Các nhân viên cho biết lãnh đạo đi công tác nước ngoài, mọi hoạt động của trung tâm tạm thời dừng lại.
Khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động, những giấy tờ liên quan, các nhân viên này không đưa được bất cứ giấy tờ nào và cho biết sẽ báo với lãnh đạo.
Cùng ngày, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bộ này đã giao cho cơ quan y tế ở Hà Nội và TP.HCM kiểm tra thông tin về lớp “kích hoạt não” cho trẻ như báo chí đã nêu.
“Đây là vấn đề khá nhạy cảm bởi đối tượng là trẻ em. Việc 'kích hoạt não' trẻ em cho đến thời điểm này tuy chưa gây ra hậu quả nhưng rõ ràng ít nhiều đã ảnh hưởng kinh tế của mỗi gia đình. Chưa kể những gì tác động trái với tự nhiên cũng không tốt”, PGS Tiến nói.
Không thể 'kích hoạt não' thành thiên tài
Theo bác sĩ (BS) Phan Thiệu Xuân Giang - giảng viên môn Tâm lý học thần kinh, khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - tác giả được giải Nobel Y học năm 1981 là BS Roger Wolcott Sperry.
Công trình nghiên cứu của ông về “split brain” tức là bán cầu não trái và phải hoạt động độc lập khi cắt thể chai (corpus callosum) hay chức năng chuyên biệt của từng bán cầu não, chứ không liên quan midbrain activation (kích hoạt não giữa). Do đó, nơi nào quảng cáo lớp “kích hoạt não” dựa trên nghiên cứu đạt giải Nobel 1981 của ông Roger là không đúng.
Cũng theo BS Giang, việc áp dụng bất kỳ liệu pháp nào cũng cần được nghiên cứu một cách khoa học và có thực chứng. Đó là có thể quan sát được, có thể đo lường được và có thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. Các phương pháp không đủ chứng cứ khoa học chỉ có thể tham khảo và nên nghi ngờ.
Quá trình học tập của con người cần nhiều vùng não tham gia và mỗi vùng não có chức năng chuyên biệt. Khả năng học tập liên quan chức năng nhận thức hay trí tuệ của từng cá nhân, một phần có tính di truyền hay nói cách khác là não đã có sẵn các tiềm năng.
“Cách thức học tập, rèn luyện có thể cải thiện kết quả nhưng không thể chỉ dạy cách này cách kia mà thành thiên tài hết được. Nếu thế thì cả thế giới này theo học và thành thiên tài cả!”, ông Giang nói.
BS Giang cũng cho biết trong lịch sử giáo dục, các nguyên lý học tập được chứng minh là có cơ sở khoa học là các nguyên lý hành vi như khen thưởng, củng cố, gợi ý, bắt chước, học tập thông qua cảm xúc dựa trên các điều thích thú, quan tâm, các kỹ năng giải quyết vấn đề... và đều có thể quan sát, đo lường được về mặt hành vi.
“Những phương pháp chưa có chứng cứ cần thận trọng và có nghiên cứu đối chứng. Áp dụng không phù hợp có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ, trước hết làm mất thời gian và tốn tiền bạc”, BS Giang nói thêm.
Theo một cán bộ của bộ phận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Luật Doanh nghiệp 2015 không bắt buộc ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận kinh doanh nữa. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề nào đó mà không thông báo cho cơ quan quản lý biết thì bị xử phạt theo Nghị định 50/2016, phạt từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu không thông báo sự thay đổi, bổ sung ngành nghề.
Tuy nhiên, dù có đăng ký ngành nghề hay không, khi hoạt động, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các quy định khác. Ví dụ: Chương trình huấn luyện, đào tạo phải được thẩm định; nói trẻ tham gia hai buổi có thể bịt mắt đọc chữ, đọc màu... mà không đúng sự thật thì có thể bị phạt vi phạm về lĩnh vực quảng cáo…