Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai cái Tết trại giam của người mang tiếng oan giết người

2 cái Tết xa nhà với gia đình ông Lé là kỷ niệm không thể quên. Trước thềm năm mới chuẩn bị cho những ngày sum họp sau khi được minh oan, họ vẫn ngỡ chuyện đã qua như một giấc mơ.

Bắt nguồn từ nghi vấn trong vụ trọng án, 3 người trong gia đình ông Lé bị bắt giam để phục vụ điều tra. Họ không thể tự minh oan vì "tình ngay, lý gian" và phải sống 2 năm đằng đẵng trong trại tạm giam với sự buồn tủi, tuyệt vọng.

"Cũng may pháp luật công bằng..."

Sau 2 năm dài đằng đẵng trong trại giam vì liên quan đến một vụ trọng án do Công an tỉnh Sóc Trăng thụ lý, năm nay, gia đình ông Phạm Văn Lé mới được đón cái Tết đầm ấm bên nhau. Theo đó, ngày 3/8/2012, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra tại khóm Biển Dưới (phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu). Nạn nhân là anh Lâm Tài Mấu (ngụ cùng địa phương). 

7 thanh niên mắc án oan vui như lần đầu đón Tết

Những ngày cận Tết, tôi trở lại thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) để gặp 7 thanh niên mắc án oan trong vụ giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, sau trận nhậu say, anh Mấu đến nhà ông Lé gây sự. Anh này bị ông Lé dùng gậy đánh vào đầu đến chết, sau đó chở xác nạn nhân đi phi tang cách nhà 1 km. Ngày 13/9/2012, ông Phạm Văn Lến (em ruột ông Lé) cũng đã đến cơ quan công an đầu thú và khai có chứng kiến việc ông Lé cầm gậy đánh vào đầu Mấu. Tại cơ quan điều tra, ông Lé thừa nhận đánh anh Mấu nhưng không giết chết vứt xác, tuy nhiên không đủ chứng cứ để chứng minh bản thân vô tội. 

Từ đó, cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt giam và truy tố ông Phạm Văn Lé về tội Giết người, còn bà Thạch Thị Xem (vợ ông Lé) và Phạm Văn Lến (em trai ông Lé) bị truy tố tội Không tố giác tội phạm. Qua 2 phiên tòa xét xử ngày 17/2 và ngày 01/7/2014, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho các bị can, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên trả hồ sơ cho cơ quan điều tra vì chưa đủ cơ sở kết tội các bị cáo.

Ông Phạm Văn Lé (giữa) cùng vợ và em trai (ông Lến) được minh oan sau 2 năm trong trại tạm giam.
Ông Phạm Văn Lé (giữa) cùng vợ và em trai (ông Lến) được minh oan sau 2 năm trong trại tạm giam.

Sau quá trình điều tra, nhận thấy nhiều dấu hiệu cho thấy vợ chồng ông Lé và người em trai bị oan sai, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra lại để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Cuối cùng, vụ án cũng sáng tỏ và thủ phạm thực sự đã bị lôi ra ánh sáng. Đầu tháng 8/2014, ông Lé, bà Xem, ông Lến được Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phê chuẩn các quyết định Tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, sau khi bị bắt giam vừa tròn 2 năm.

Ông Lé cùng vợ và người em trai chính thức được trở về cuộc sống tự do. Khi tiếp xúc, chúng tôi không khó để cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan trong gia đình ông Lé vào những ngày cận Tết cổ truyền. 

Ông Lé, người từng bị xem là kẻ giết người trong vụ trọng án từng gây xôn xao dư luận không giấu được cảm xúc nói: "Mừng lắm, vui lắm khi bà con lối xóm đã thay đổi cái nhìn với tôi, với đại gia đình tôi và quý mến chúng tôi như xưa. Có rơi vào cảnh bị nghi ngờ, bị kỳ thị mới thấy nó kinh khủng ra sao. Khi chưa được minh oan, không những chúng tôi mà cả những người khác trong gia đình đều bị người ta xa lánh. Cũng may pháp luật công bằng giải oan kịp thời, nếu không năm nay chúng tôi lại thêm một cái Tết buồn bã trong trại giam".

Ông Lến vui mừng khi được trở về cuộc sống tự do.
Ông Lến vui mừng khi được trở về cuộc sống tự do.

Ông Lé bảo, 2 cái Tết trong trại tam giam có lẽ là kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời ông. Ông kể: "Tôi cùng vợ và em trai đón 2 cái Tết Nguyên đán trong trại tạm giam. Cái Tết đầu tiên, tôi gần như hoảng loạn. Những ngày đầu, tôi bị sốc. Biết mình oan mà không thể chứng minh nên muốn phó mặc đến đâu thì đến". 

Bình thường lúc chưa bị bắt, cứ vào chiều 30 Tết là cả gia đình ông Lé xúm xít bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Tối 30 thì cả nhà đi chơi, đi xem bắn pháo hoa rồi về nhà đón giao thừa. Các ngày khác thì đi chơi, đi chúc Tết mọi người. Còn khi bị bắt tạm giam, việc đón Tết khác hơn rất nhiều. 

Ông Lé kể: "Cái Tết đầu tiên trong trại, chúng tôi vẫn được các cán bộ trại tận tình tổ chức đón năm mới. Các cán bộ trại cũng đến thăm hỏi, động viên, chúc Tết. Nhưng do tâm lý bị oan, lại nhớ nhà nên không ai vui được". 

Theo ông Lé thì ngày Tết ở trại tạm giam, ngoài phần thức ăn do trại cung cấp còn có chương trình văn nghệ do mọi người tự diễn. "Vào trại, mỗi người một tội, họ hát để sám hối, để tan đi nỗi buồn, đó cũng là dịp để mọi người thấy được sự quý giá của tự do. Nó cũng trở thành động lực giúp mọi người quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, để sau này trở về địa phương xây dựng lại cuộc sống, sống có ích cho xã hội", ông Lé cho hay.

Xuân đến sớm sau 13 năm bị hàm oan

Sau nhiều năm đơn thư, đến tháng 1/2015 nhờ sự trợ giúp của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), ông Trương Bá Nhàn mới chính thức được xin lỗi, minh oan và bồi thường 295 triệu.

Được "tái sinh"

Với bà Xem, hai cái Tết trong trại giam cũng để lại cho bà nhiều xúc cảm. Bà là một người phụ nữ nông dân chân chất, chưa từng biết đến cảnh xa nhà. Bởi vậy khi vướng vào vòng lao lý, bà đã rất khó khăn để đối mặt. 

Bà nhớ lại: "2 năm ăn Tết trong trại giam, tôi buồn không thể nào tả nổi. Những ngày đó, nhớ con, nhớ mẹ quá, tôi khóc suốt đêm. Ở nhà quen bếp núc ngày Tết, cảm giác ấm cúng khi nhìn chồng con cùng sum vầy. Lần đầu tiên phải xa chồng, vắng con, không được hưởng không khí đón năm mới…, không gì buồn hơn. Vợ chồng tôi có 2 đứa con, đứa con gái lớn đi làm công nhân ở TP HCM, đứa con trai còn nhỏ phải ở nhà một mình. Những ngày thường đã thấy tội nghiệp, những ngày Tết càng cảm thấy xót xa hơn".

Còn ông Phạm Văn Lến, khi được hỏi về "kỷ niệm khó quên", ông chỉ cười. Ông bảo, người xưa có câu "một mất mười  ngờ", huống gì là vụ án mạng, khi hung thủ chưa bị bắt thì việc xác định nghi can là cần thiết. Và việc nhầm lẫn là không thể tránh khỏi. Quan trọng là phải sửa kịp thời để người bị oan sai không bị tổn thất. 

Bà Đào Thị Quới nhớ lại những tháng ngày khốn khổ khi các con vướng vòng lao lý.
Bà Đào Thị Quới nhớ lại những tháng ngày khốn khổ khi các con vướng vòng lao lý.

Bà Đào Thị Quới (mẹ ruột ông Lến) chia sẻ: "Ngày Tết, gia đình người ta sum họp, còn gia đình tôi, 2 con trai và 1 con dâu ngồi trong trại giam, buồn lắm chú ơi. Nhà thằng Lé có 2 đứa con nhưng cha mẹ bị bắt giam nên tụi nhỏ cũng không có tâm trạng nào mà nghĩ tới Tết. Tôi ở với thằng Lến, nó vốn bị bệnh nên khi nó bị bắt giam, tôi buồn và lo lắng lắm. Một mình trong căn nhà trống trước hở sau khi không có nó, nhiều lúc tôi ngỡ như mình không thể nào chịu nổi, chỉ biết nằm khóc vì nhớ con".

Ngày 16/12/2014, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 3 người trong một gia đình là ông Phạm Văn Lé (52 tuổi), bà Thạch Thị Xem (50 tuổi, vợ ông Lé) và Phạm Văn Lến (40 tuổi, em ruột ông Lé). Nội dung quyết định nêu rõ ông Phạm Văn Lé Không có hành vi giết anh Lâm Tài Mấu (cùng xã). Còn bà Thạch Thị Xem và ông Phạm Văn Lến: Không thực hiện hành vi không tố giác tội phạm.

Nói về cảm xúc khi được trả tự do, ông Lé không giấu nổi niềm phấn khởi: "Năm nay, chúng tôi sẽ được đón Tết tại nhà mình. Vậy là sau 2 năm không được đón một cái Tết thật sự, chúng tôi đã được đốt nhang cho ông bà tổ tiên rồi. Hôm được cho về nhà, việc đầu tiên của vợ chồng tôi cũng là đứng trước bàn thờ gia tiên vái lạy. Có lẽ nhờ ông bà tổ tiên phù hộ, chúng tôi mới được minh oan. 

Tết này, vợ chồng tôi sẽ dành thật nhiều thời gian đi thăm bà con trong xóm, thăm những người đã hiểu, cảm thông, chia sẻ và giúp chúng tôi trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cơ quan chức năng. Nhờ sự điều tra tích cực, công tâm của các đồng chí công an mà tôi mới được chứng minh sự trong sạch. Vợ chồng tôi và chú Lến như được sinh ra lần thứ hai, ơn này không bao giờ quên được". 

Anh Huỳnh Văn Nam (Bí thư chi bộ - Trưởng Ban Nhân dân khóm Biển Dưới) cũng mừng cho 3 người được giải oan. Anh nói: "Ngày vợ chồng ông Lé và ông Lến bị bắt, bà con chúng tôi biết họ bị oan nên không quản ngại khó khăn, cùng nhau đi kêu oan cho họ. 2 cái Tết không có họ ở nhà, cả xóm cũng phần nào cảm thấy buồn, trống vắng. Chúng tôi rất vui khi họ đã được minh oan, được trở về cuộc sống tự do".

http://giadinh.net.vn/phap-luat/hai-cai-tet-kho-quen-trong-trai-tam-giam-cua-nguoi-dan-ong-chiu-tieng-oan-giet-nguoi-phi-tang-xac-20150213090023071.htm

Theo Xuân Lương/Gia đình & Xã hội

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm