Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa Giáo dục công dân vào kỳ thi dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng dưới hình thức trắc nghiệm.
Chia sẻ bài viết với Zing.vn, Hoàng Đình Quang - thủ khoa đầu ra, tốt nghiệp xuất sắc khoa Luật (ngành Luật thương mại quốc tế và Kinh tế đối ngoại) của Đại học Ngoại thương - cho rằng hai câu trắc nghiệm trong đề thi Giáo dục công dân chưa chặt chẽ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Hoàng Đình Quang, thủ khoa đầu ra ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Hai đáp án đúng trong một câu trắc nghiệm?
Câu 115 mã đề 305 có nội dung như sau:
"Phát hiện anh C đã tung tin đồn thất thiệt về chị T trên mạng xã hội nên chị chị B kể lại việc này với chị T. Sau khi yêu cầu anh C gỡ bỏ thông tin sai lệch về mình không được, chị T rất bực mình. Thương bạn, chị B đã tung tin cả nhà anh C nhiễm HIV khiến gia đình anh C bị kỳ thị còn anh C bị trầm cảm. Chị B đã vi phạm pháp luật nào dưới đây:
A. Kỷ luật
B. Hành chính
C. Hình sự
D. Dân sự
Đáp án của Bộ GD&ĐT là C: Hình sự.
Tuy nhiên, đáp án B: Hành chính có thể cũng đúng.
Câu 115 mã đề 305 đề thi Giáo dục công dân THPT quốc gia 2017. |
Do chưa biết cụ thể hành vi tung tin của B như thế nào, mức độ thiệt hại do hành vi đó gây ra cho C và gia đình C ra sao, có đơn yêu cầu khởi tố hình sự của bị hại không, chúng ta khó xác định được B đã vi phạm pháp luật hành chính hay pháp luật hình sự.
Trong trường hợp một, chị B vi phạm pháp luật hành chính. B có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bởi hành vi “tung tin cả nhà anh C bị nhiễm HIV” với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng do vi phạm điểm a, khoản 1, điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trường hợp hai, chị B vi phạm pháp luật hình sự, nếu hành vi “tung tin” của B là nghiêm trọng và gây hậu quả nghiêm trọng cho C và gia đình C.
Cụ thể là vi phạm “Tội vu khống” được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 với hình phạt tù từ 1 năm đến 7 năm với tình tiết định khung “vu khống nhiều người” theo điểm c, khoản 2, Điều 122 Bộ luật Hình sự.
B chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có đơn yêu cầu khởi tố hình sự của C hoặc của gia đình C, nếu không thì chỉ bị xử phạt hành chính mà thôi.
Như vậy, trong một câu hỏi của môn Giáo dục công dân có thể có tới 2 đáp án đúng.
Câu hỏi chưa rõ ràng
Tiếp theo, câu 119 mã đề 301, nêu: Chị T nhặt được công văn mật do giám đốc B làm rơi trên đường về nhà nên mở ra xem rồi nhờ anh P in sao để đăng tải lên mạng xã hội. Nội dung này được anh K chia sẻ trên trang tin cá nhân. Những ai dưới đây đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín?
A. Chị T và anh P.
B. Giám đốc B, chị T và anh P.
C. Giám đốc B, chị T, anh P và anh K.
D. Giám đốc B và chị T.
Đáp án của Bộ GD&ĐT là B: Giám đốc B, chị T và anh P.
Tuy nhiên, ở đề bài, định nghĩa “công văn mật” là gì cũng gây khó khăn cho học sinh.
Câu 119 mã đề 301 . |
Đề thi chưa cung cấp thông tin để trả lời những câu hỏi sau: Đây là công văn mật ở nội bộ doanh nghiệp hay tài liệu mật thuộc về bí mật Nhà nước? Việc giám đốc B làm rơi là do vô ý hay cẩu thả? Anh P có biết tài liệu mà chị T nhờ in sao là công văn mật hay không?
Quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín được giới thiệu tại Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản trong sách Giáo dục công dân lớp 12. Vì vậy, quyền này chỉ được giới thiệu dưới góc độ quyền của công dân với thư tín, điện thoại, điện tín của mình mà thôi.
Đáp án của Bộ GD&ĐT gây ra nhiều băn khoăn.
Thứ nhất, giả sử công văn mật thuộc về cá nhân giám đốc B thì Giám đốc B là người “bị vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín” chứ không phải là người vi phạm.
Thứ hai, giả sử công văn mật thuộc về người khác và giám đốc B vô ý hoặc do yếu tố khách quan nào đó làm rơi, thì B cũng không phải người vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.
Thứ ba, anh K biết đây là công văn mật mà vẫn chia sẻ công khai lên Facebook thì cũng có thể vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín.
Vì vậy, việc đưa một câu hỏi mơ hồ như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho chính học sinh, thậm chí là những người làm việc trong lĩnh vực pháp lý khi đọc câu hỏi này.
Đề thi Giáo dục công dân cần dễ hiểu, chính xác
Những vấn đề pháp lý vốn phức tạp, đa dạng và gây nhiều tranh luận, thậm chí giữa chính những người áp dụng, vận dụng và thực hành pháp luật.
Vì vậy, việc đưa ra các vấn đề không rõ ràng, tình huống phức tạp, không đảm bảo mức độ chính xác dưới góc độ pháp lý sẽ làm giảm hiệu quả giảng dạy môn Giáo dục công dân và làm giảm hiệu quả tuyên truyền và giáo dục kiến thức pháp luật căn bản cho học sinh.
Những kiến thức pháp luật được giảng dạy và đưa vào đề thi cần phải đủ đơn giản, phổ thông, dễ hiểu, chính xác, cô đọng để học sinh có thể hiểu rõ, hiểu cặn kẽ, làm bài thi tốt và áp dụng được trong đời sống.
Trước đó, từ mượn “Fan”, “Smarphone” và từ “thấu cảm” trong đề thi Ngữ văn, được trích trong Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) cũng gây tranh cãi.
Thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên dạy online) chia sẻ hạn chế trong đề thi là sử dụng từ ngữ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt khi lạm dụng các từ ngữ nước ngoài.
Thầy Lê Văn, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, cho rằng hơn 20 năm công tác trong nghề, ông chưa từng nghe thấy từ “thấu cảm” như trong đề thi đã đưa.
Với đề thi môn Lịch sử, Thầy Mai Thanh Sơn - giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk, nêu quan điểm câu 22 ở mã đề 302 "có vấn đề trong việc đặt câu hỏi, đánh đố học trò.
Theo TS Nguyễn Khắc Thái - giảng viên ĐH Quảng Bình - đề thi Lịch sử chưa chặt chẽ, việc loại trừ kiến thức có vấn đề. Giáo viên này cho hay nguyên tắc trắc nghiệm là phải lập luận rõ ràng, trong khi đó, câu hỏi này có thể có 3 phương án trả lời đúng.