Ngày 6/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở hai phiên toà xét xử phúc thẩm vụ Tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự giữa nguyên đơn là bà Phan Thị Kim Phụng (37 tuổi), Phan Thị Tuyết Loan (41 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp; là chị ruột và uỷ quyền cho bà Phụng tham gia phiên toà) và bị đơn là TAND huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) theo đơn kháng cáo của các nguyên đơn.
Theo đơn khởi kiện của các nguyên đơn, theo quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 27/7/1998 về việc giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ mới thị tứ Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) với diện tích thu hồi 98.536 m2.
Căn cứ vào hồ sơ kỹ thuật, ranh giới quy hoạch còn cách đất của gia đình bà Phụng, bà Loan khoảng 55 m2 nhưng UBND huyện Tháp Mười vẫn cưỡng chế thu hồi diện tích đất 11.200 m2 do cha của hai bà là ông Phan Văn Bình sở hữu.
Không đồng tình với quyết định trên, cuối tháng 3/2000, khi Ban quản lý dự án tiến hành đo đạc, bà Phụng và bà Loan có nhiều lời lẽ thô tục, nhổ cột cắm mốc định vị... nên cả hai bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ.
Chị em bà Phụng và đại diện bị đơn tại toà phúc thẩm . |
Đến ngày 14/6/2000, bà Phụng, bà Loan bị bắt giam. Sau hai tháng tạm giam, đến ngày 11/8/2000, bà Loan được thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.
Cuối năm 2000, TAND huyện Tháp Mười đưa vụ án ra xét xử và tuyên bà Phụng 1 năm tù, bà Loan 9 tháng tù treo. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Phụng, bà Loan kháng cáo kêu oan. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên huỷ toàn bộ bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu.
Đến ngày 19/1/2013, Công an huyện Tháp Mười ban hành quyết định đình chỉ điều tra đối với hai bà do hành vi không cấu thành tội phạm. Tổng cộng, bà Phụng, bị giam 282 ngày, bà Loan bị giam non 2 tháng.
Đến ngày 18/11/2015, Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử theo thủ tục tái thẩm, ban hành bản án số 11/2015/DS-TT, xác định bà Loan, bà Phụng không phạm tội.
Cuối năm 2016, TAND huyện Tháp Mười tổ chức xin lỗi công khai bà Loan, bà Phụng cùng người thân trong gia đình. Cũng trong thời gian này, tỉnh Đồng Tháp và Trung ương kiểm tra lại và xác định gia đình chị Phụng bị oan bởi đất này không nằm trong quy hoạch. UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Tháp Mười đã bồi thường việc thu hồi đất ngoài quy hoạch cho gia đình Phụng, bà Loan hơn 5 tỷ đồng.
Ngay sau khi có quyết định bị oan, hai bà đã làm đơn yêu cầu TAND huyện Tháp Mười bồi thường oan sai. Theo đó, bà Phụng có đơn yêu cầu bồi thường gần 1,6 tỷ đồng, bà Loan yêu cầu gần 900 triệu đồng bao gồm nhiều khoản như tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất, cấp dưỡng cho cha mẹ và các con...
Qua thương lượng, TAND huyện Tháp Mười chỉ chấp nhận bồi thường cho bà Phụng 215 triệu đồng, bà Loan 65 triệu đồng bao gồm tiền tổn thất tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, các khoản còn lại toà án không đồng ý bồi thường. Vì vậy, bà Phụng và bà Loan khởi kiện vụ việc ra toà.
Giữa tháng 3/2017, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà Phụng, bà Loan, tuyên buộc TAND huyện Tháp Mười bồi thường cho cả hai tổng cộng 287 triệu đồng. Không đồng ý, cả hai tiếp tục kháng cáo.
Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm, do cả hai không có thêm chứng cứ mới nào nộp cho toà xem xét các khoản bồi thường không được chấp nhận trước đó nên HĐXX đã bác kháng cáo, giữ nguyên mức bồi thường toà sơ thẩm đã tuyên.