Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa vừa có cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng 11 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan vụ giao “đất vàng” tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa (số 1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang).
Theo đó, tổng số tiền các bị can gây thất thoát hơn 62,6 tỷ đồng khi tội phạm đã hoàn thành thời điểm giữa tháng 2/2016, nhưng tính đến tháng 10/2020 thì hậu quả thất thoát lên đến 324,5 tỷ đồng.
Các bị cáo nghe đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa luận tội trong phiên xử hồi tháng 4/2022. |
Báo CAND đã thông tin về dự án Trường Chính trị Khánh Hòa tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện năm 2013 theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Vốn hoàn trả cho nhà đầu tư là nguồn khai thác quỹ đất 7.388 m2 tại cơ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở 1 Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, được xem là “đất vàng”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, cùng Phó chủ tịch Đào Công Thiên và 10 cán bộ lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Xây dựng, Tài chính. Cục Thuế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng - công nghiệp tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Nha Trang không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật, mà chỉ định và ký hợp đồng BT với Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa; sau đó chuyển quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho Công ty CP Thanh Yến, ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Khu “đất vàng” hoàn trả cho nhà đầu tư không thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, nên Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa xác định giá trị quyền sử dụng khu “đất vàng” nêu trên chỉ hơn 121,5 tỷ đồng.
Thậm chí, việc giao đất cho nhà đầu tư không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khu đất này được quy hoạch đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, nhưng lại giao cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án Nha Trang Center 2, trong đó có 4.440 m2 đất ở lâu dài và 2.948,9 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp rồi tự phê duyệt giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án Nha Trang Center 2 để thẩm định giá đất, cấp giấy phép xây dựng trái với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang.
Hành vi nêu trên của các bị can vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và một số Nghị định, Thông tư có liên quan. Ngoài ra, 2 trong số 13 bị can gây thất thoát 11,6 tỷ đồng do hành vi trái pháp luật khi bán tài sản nhà nước tại cơ sở cũ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa.
Cáo trạng số 118/CT-VKS-P1 ngày 2/11/2022 của VKSND tỉnh Khánh Hòa truy tố 13 bị can về tội danh nêu trên theo quy định tại khoản 3, Điều 219 BLHS 2015 có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù. Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa; cùng Võ Tấn Thái và Võ Xuân Thiềng, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở TN&MT; Lê Văn Dẽ và Trần Quang Bửu, cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở Xây dựng; cựu Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Khánh Hòa Trần Văn Thọ; cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Tâm; cựu Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn; cựu Phó trưởng Phòng Vật giá Sở Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn; cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa Trần Sỹ Quân; cựu Phó giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Nhựt.
Ngày 13/4, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa xét xử tuyên phạt ông Nguyễn Chiến Thắng 5 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc ở phía Tây TP Nha Trang do Công ty TNHH SX và XD Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Cùng vụ án này, Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên cùng bị xử phạt 4 năm 6 tháng tù; Võ Tấn Thái và Lê Văn Dẽ cùng lãnh mức án 3 năm tù. Án đã có hiệu lực và cả 5 trường hợp đều đang thi hành án tại các Trại giam Z30D, A2 - Bộ Công an.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.