Sau hơn nửa tháng xét xử, nghị án kéo dài, ngày 22/1, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm.
Nhận định về vụ án, HĐXX cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ. Cấp sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo về tội danh là đúng pháp luật.
HĐXX tuyên án đối với các bị cáo. Ảnh: TP. |
Về đề nghị xem xét lại số tiền hưởng lợi của các bị cáo, HĐXX nhận thấy đa phần số tiền hưởng lợi của các bị cáo là chính xác, chỉ có phần tính toán về số tiền hưởng lợi của bị cáo Phạm Ngọc Hà và Khuất Duy Thịnh là có sai sót. Tuy nhiên, việc sai sót này không làm thay đổi hình phạt đối với 2 bị cáo.
Đối với bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Đăng kiểm, giai đoạn tháng 1/2014-7/2021), khi phát hiện sai phạm, bị cáo không xử lý mà còn nhận tiền hối lộ để bỏ qua, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vụ lợi cá nhân, bị cáo đã nhận tiền hối lộ 7,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo đã nộp thêm nộp thêm hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trước đó, tại phiên sơ thẩm bị cáo đã nộp hơn 2,8 tỷ đồng và 12.000 USD. Vì vậy, HĐXX xét thấy có căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Trần Việt Hà (cựu Cục trưởng Đăng kiểm, giai đoạn tháng 8/2021-12/2022) sau khi được bổ nhiệm làm cục trưởng, bị cáo tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo nâng mức hưởng lợi của mình đối với số tiền nhận hối lộ. Do đó, bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung về tổng số tiền nhận hối lộ là 40,2 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 8,5 tỷ đồng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP. |
Về tình tiết giảm nhẹ mới, gia đình bị cáo đã nộp thêm hơn 5 tỷ đồng, gia đình có công với cách mạng… vì vậy có căn cứ để HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo.
Đối với kháng nghị của VKSND TP.HCM, HĐXX nhận thấy đa phần các bị cáo đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Đồng thời các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chủ động nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; có nhiều thành tích trong công tác... khi quyết định hình phạt cấp sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo là tương đối phù hợp nên không có căn cứ chấp kháng nghị tăng hình phạt đối với một số bị cáo.
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, HĐXX xét thấy nhiều bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với tính chất, mức độ thấp hơn, nhưng bị cấp sơ thẩm xét xử với mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác trong cùng vụ án là chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và phân hóa tội phạm, đặc biệt đối với các bị cáo là cấp dưới có vai trò phụ thuộc.
Bị cáo Trần Kỳ Hình. Ảnh: TP. |
Ngoài ra, trong quá trình xét xử phúc thẩm một số bị cáo bổ sung thêm nhiều tình tiết mới so với giai đoạn xét xử sơ thẩm, nên HĐXX xét thấy có cơ sở chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo.
Từ các phân tích trên, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Kỳ Hình, tuyên phạt bị cáo 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt cho cả 2 tội là 22 năm tù.
Xử phạt bị cáo Đặng Việt Hà 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Ngoài 2 bị cáo Hình và Hà, HĐXX cũng chấp nhận giảm nhẹ một phần hình phạt cho 125 bị cáo; không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 12 bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là những người đứng đầu, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, cả 2 không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, ông Trần Kỳ Hình đã nhận hơn 7,1 tỷ đồng “chung chi” từ thuộc cấp. Sau khi ông Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà lên thay cũng nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng chỉ sau hơn một năm nhậm chức.
Với sai phạm này, tháng 8/2024, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là 25 năm tù.
Bị cáo Đặng Việt Hà 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính" đi sâu phân tích các vấn đề liên quan đến quyền kháng nghị, quyền kiến nghị của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của pháp luật, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng thực hiện quyền năng quan trọng này.