Hai điểm ngược của giáo dục Việt Nam
Một tỉnh có chất lượng giáo dục vào hàng top của cả nước như Thanh Hóa lại bị liệt vào hàng chậm phát triển nhất. Một nước nghèo nhưng lại ôm đồm quá nhiều sinh viên công và không đủ sức lo cho giáo dục phổ thông.
Điều đó tạo nên bức tranh trái ngược trong sự phát triển giáo dục.
Hai điểm ngược của giáo dục Việt Nam được TS Lê Trường Tùng, hiệu trưởng ĐH FPT, Phó chủ trịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập chỉ ra trong hội thảo khoa học về đổi mới giáo dục do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức.
Vì sao Thanh Hóa chậm phát triển?
Theo TS Lê Trường Tùng, để một quốc gia có dân số đông thứ 13 trên thế giới như Việt Nam có thể chuyển mình mạnh mẽ thì cần phải dựa một chiến lược vĩ mô đúng đắn, một ý chí mạnh mẽ và then chốt là nguồn nhân lực tốt.
TS Tùng cho rằng, dân số đông không nên là một gánh nặng xã hội mà nên là một ưu thế cạnh tranh. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi chúng ta có một nền giáo dục tốt và tất nhiên, một thể chế tốt để đãi ngộ nhân lực.
Thế nhưng, đơn cử như Thanh Hóa - một tỉnh đứng thứ 3 cả nước về dân số, sau Hà Nội và TP.HCM và cũng là một tỉnh có chất lượng giáo dục phổ thông vào hàng top trong cả nước, xét về kết quả thi tốt nghiệp, thi Đại học, số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế - lại là tỉnh phải bù ngân sách nhiều nhất trong 63 tỉnh thành.
Điểm trái ngược này được TS Lê Trường Tùng giải thích, đó là hiện tượng chảy máu chất xám về các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Từ lâu, đối với những sinh viên từ Thanh Hóa hay bất kỳ tỉnh nào đến các thành phố lớn học tập, ước mơ ở lại nơi đó làm việc đã trở thành mục tiêu phấn đấu của họ.
Ví dụ để suy ngẫm của TS Lê Trường Tùng ở buổi hội thảo khiến nhiều đại biểu cho rằng, Thanh Hóa giống như một Việt Nam thu nhỏ. Nếu không cẩn thận, Việt Nam cũng sẽ là một Thanh Hóa mở rộng.
Mô hình giáo dục phát triển ngược
“Cần nói thẳng luôn- dù rất muốn thì nhà nước cũng không đủ tiền chi cho giáo dục sau phổ thông miễn phí, kể cả chấp nhận chất lượng thấp.”- TS Lê Trường Tùng phát biểu.
Ông cho biết, nửa thế kỷ qua, bức tranh giáo dục đang có sự thay đổi lớn ở quy mô toàn cầu. Trong đó, có một trào lưu mà không một quốc gia nào cưỡng nổi là hiện tượng đại chúng hóa giáo dục sau phổ thông. Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, khu vực Tây Âu đều gia nhập mạnh mẽ vào trào lưu này, đẩy số lượng dân số có trình độ sau phổ thông tăng lên vượt bậc.
Tuy nhiên, Việt Nam lại đang phát triển theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Myanma có tỷ lệ giáo dục ngoài công lập của bậc đại học là thấp nhất, năm học 2008-209 là 14, 43%. Trong khi đó, tỷ lệ ngoài công lập của hệ nhà trẻ, mẫu giáo lại lớn nhất, năm học 2008-2009 là 63,9 3%.
TS Lê Trường Tùng cho hay, phần trăm chi ngân sách cho giáo dục nhiều nhất nhưng chất lượng thấp do ôm đồm quá nhiều sinh viên công. Suất đầu tư ngân sách cho một sinh viên thấp, dẫn đến chất lượng thấp là điều không tránh khỏi.
“Đã thế lại kèm theo hiệu ứng xã hội tập trung “ném đá” phê phán xã hội hóa giáo dục đào tạo sau phổ thông, xem các nhà đầu tư CĐ, ĐH như những tội đồ chạy theo lợi nhuận. Giai đoạn phát triển cần thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội hóa giáo dục như hiện nay mà lại luôn nhấn mạnh yếu tố phi vụ lợi trên các nghị quyết của Đảng, nhà nước và trên các diễn đàn xã hội thì sẽ không đạt được mục tiêu thu hút đầu tư giáo dục đa thành phần.”- ông Tùng nói thêm.
TS Lê Trường Tùng đề xuất giải pháp, tài chính ngân sách nên tập trung cho bậc học phổ thông để phổ cập, thậm chí miễn phí với chất lượng tốt. Tiếp đến là các ngành thiết yếu như xã hội, khoa học, văn hóa, đào tạo nhân tài, hỗ trợ sinh viên nghèo và thu hẹp số lượng sinh viên công để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng không thể thiếu chính sách thu hút đàu tư đa thành phần vào giáo dục sau phổ thông như một dịch vụ và phải kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.
Theo Vietnamnet