Ngày 5/3, Phó giám đốc Sở Y tế Hải Dương Nguyễn Thị Trung Chính ký văn bản số 625 về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo tiêm chủng, hiệu quả. Quá trình tiêm chủng tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay.
Vaccine Covid-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng. |
Sở cũng yêu cầu tuân thủ nghiêm quy trình tiêm chủng, đó là khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm; thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định; theo dõi sát sau tiêm chủng (ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn người tiêm tiếp tục theo dõi ít nhất 24h sau tiêu).
Các đơn vị cũng cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra phản ứng tiêm chủng (nếu có). Mỗi đơn vị cử ít nhất một tổ cấp cứu lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có kinh nghiệm và xe cứu thương, thuốc, phương tiện để cấp cứu, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi cần.
Các đơn vị bố trí nhân lực có kinh nghiệm thực hiện tiêm chủng, quá trình tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vaccine theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập tổ kiểm tra, giám sát quả trình tiêm chủng.
Bệnh viện đa khoa tỉnh ngoài thực hiện các nội dung trên, cần chuẩn bị ít nhất 5 giường bệnh để kịp thời cấp cứu, điều trị cho các trường hợp phản vệ nếu có.
Trưa 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam và đến nay đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine này, khẳng định đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ trưởng Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tập huấn trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine cũng như xử lý tai biến sau tiêm…
Dự kiến hai ngày sau (8/3), những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng.