Trong đó, có 2 kịch bản đang được bộ cân nhắc. Đó là tình hình dịch Covid-19 kéo dài, sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT, không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Nếu dịch kết thúc như dự kiến, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Hiện phương án thi THPT quốc gia 2020 đang được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
Như vậy, sau hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra kịch bản xét tốt nghiệp THPT.
Tại lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học lần thứ hai, Bộ GD&ĐT quyết định lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 25/7 và kỳ thi THPT quốc gia tổ chức ngày 8-11/8.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng phương án thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiền Phong. |
Ngoài việc xây dựng phương án thi THPT quốc gia 2020 để trình Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh ĐH và nhóm trường CĐ, trung cấp đào tạo giáo viên năm 2020 để phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như phương án thi THPT quốc gia tương ứng.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như hiện nay đang thực hiện theo đúng “kịch bản” về phương án thi THPT quốc gia mà bộ đưa ra. Với kịch bản ấy, việc xây dựng đề thi tham khảo là cần thiết, phù hợp và hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh.
Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của bộ, Cục Quản lý Chất lượng đã xây dựng một số “kịch bản” khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp diễn biến của dịch COVID-19. Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh.
"Hiện nay, trong khi bộ chưa công bố phương án nào khác, nhà trường và học sinh căn cứ đề tham khảo vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi”, ông Mai Văn Trinh nói.