Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai mẹ con rời phố về biển sinh sống, dọn rác

Chứng kiến môi trường biển bị tàn phá đến mức chìm trong ô nhiễm mỗi ngày, chị Thiên Bình thành lập nhóm "Touch Blue", tình nguyện dọn rác trên các bãi biển.

Giữa năm 2021, chị Thiên Bình (Hà Nội) cùng cậu con trai 12 tuổi đến Phú Quốc. Dự định ban đầu của hai mẹ con là nghỉ ngơi, thư giãn một thời gian sau nhiều tháng dịch bệnh căng thẳng, bức bối trong những bức tường thành phố.

Nhưng rồi như cái duyên, một phần vì dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát mạnh ở Hà Nội, và không nỡ rời xa cuộc sống an nhiên quá đỗi ấy, chị Thiên Bình và con trai quyết định ở lại Phú Quốc. Hai mẹ con đều làm việc và học theo hình thức online.

bo pho ve rung anh 1

Chị Thiên Bình và con trai.

Mỗi ngày, chị Thiên Bình đều dậy sớm, đi bộ đón bình minh trên bãi biển. Khi con trai học xong hai mẹ con lại cùng nhau ra biển chơi, đùa nghịch cùng lũ chó, rồi về nấu bữa cơm tối với những món hải sản tươi ngon. Ngày ngày, mẹ con chị được ôm ấp vỗ về bởi tiếng sóng rì rào và những cơn gió biển mát lạnh dịu dàng.

"Ở đây mình lúc nào cũng thấy bình an, vui vẻ. Hai mẹ con sống tối giản, cảm thấy tinh thần khoan khoái. Hôm nào thích thì cùng nhau thuê xe điện đi dạo vài vòng. Cuộc sống mỗi ngày cứ nhẹ nhàng như vậy", chị Thiên Bình chia sẻ.

Hơn một năm xa Hà Nội, chị Thiên Bình thấy cuộc sống của mình ngày càng trở nên đơn giản, bình yên. Con trai chị cũng rất yêu cuộc sống ở biển. Cậu bé trở nên vui vẻ, thoải mái chia sẻ cảm xúc và trở thành người bạn đồng hành của mẹ trên mọi hành trình.

bo pho ve rung anh 2

Chị Thiên Bình hạnh phúc khi thấy con ngày một vui vẻ, hoà nhập hơn.

Xót xa khi chứng kiến "nỗi đau" của biển

Sau một thời gian sống ở Phú Quốc, chị Thiên Bình và con trai chuyển đến một vùng biển mới để hai mẹ con có thêm những trải nghiệm. Điểm đến của chị là Thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa.

Nơi đây vốn là một vùng biển xinh đẹp với làn nước trong xanh và những bãi cát trắng trải dài mê mải. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, xã Cam Lập cũng là địa điểm du lịch được nhiều người lựa chọn bởi phong cảnh hoang sơ và những bãi biển tự nhiên đẹp.

Thời gian gần đây, nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh, nhiều hộ dân thôn Bình Lập đầu tư vào các bè tôm giúp kinh tế thôn ngày càng đi lên. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm từ rác thải cũng phát sinh từ đây.

Cả xã Cam Lập với diện tích 21,36 km2 nhưng không có bất kỳ một điểm tập kết và xử lý rác thải nào. Tất cả rác từ quá trình nuôi tôm như lưới, lồng bè, túi nylon, chai lọ, thức ăn cho tôm… ở đây được xử lý theo 2 cách. Một là thuê người gom rác, tẩm xăng và đốt ngay trên bãi biển. Hai là cứ để chúng trôi lập lờ trên nước hoặc dạt vào những bãi cát, con đập và nằm im ở đó.

Bỗng từ bao giờ, cả một vùng biển xanh thẳm bốc mùi hôi thối với những xác cá dạt la liệt vào bờ

bo pho ve rung anh 3

Bãi biển ngập rác

Quyết tâm hành động

Không chịu được cảnh bãi biển bị "đầu độc", chị Thiên Bình đã thành lập nhóm "Touch Blue", với quyết tâm tìm lại màu xanh cho biển.

Touch Blue mang mục tiêu "Chạm tay vào màu xanh, chạm tay vào biển". Nhóm gồm những người cũng như chị, mỗi ngày đều cần mẫn, cặm cụi đi gom từng cọng rác trên bờ biển.

Miền Trung mùa hè chang chang nắng, đến mở mắt ra nhìn nhiều khi cũng thấy khó khăn. Thế nhưng suốt cả tháng, cả nhóm vẫn kiên trì, miệt mài với hành trình của mình.

bo pho ve rung anh 4

Chị Thiên Bình hào hứng nói về kế hoạch của nhóm: "Thay vì cho trẻ đến trại hè, nhóm mình tổ chức để các con tham gia dọn rác trên biển. Mình tin rằng khi được tham gia các hoạt động ý nghĩa như thế này, các con sẽ có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ bé".

Mỗi ngày, nhóm chị Thiên Bình cùng các con đi đến từng đoạn bãi biển, bờ kè ngập rác thu nhặt từng cái chai, từng xác cá chết. Khối lượng rác khổng lồ khiến những đoạn đường biển dường như trở nên dài vô tận. Dù biết hoạt động của cả nhóm chỉ như hạt muốn bỏ biển, chị Bình vẫn muốn làm. Chị muốn bắt đầu từ những việc nhỏ, rồi dần dần lên kế hoạch cụ thể, đường dài.

"Ít nhất trước mắt, sự tích cực này có thể khiến nhiều người cũng sẽ suy nghĩ và hành động theo. Nếu không làm, thì mãi mãi đống rác vĩ đại ấy sẽ chỉ tăng lên. Và rồi sự xinh đẹp của nơi này sẽ hoàn toàn biến mất".

"Mỗi ngày, mình suy nghĩ xem làm thế nào nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường sống. Biển ở Việt Nam nơi nào rất đẹp, không kém gì những nơi được ví như thiên đường biển trên thế giới. Điều mình mong muốn nhất, là với sức lực nhỏ bé của cả nhóm sẽ làm được những điều hữu ích và lan tỏa được ý thức giữ gìn môi trường tới các gia đình, các bạn nhỏ. Hi vọng sẽ có nhiều bàn tay cùng nhau góp sức để làm sạch mọi vùng biển ở Việt Nam, chứ không chỉ riêng Cam Ranh. Nhìn biển bị đau như thế này, thật sự xót xa lắm", chị Bình chia sẻ.

Sau hơn một tháng cặm cụi, những bãi biển ngập rác dần được “thay da đổi thịt”. Những bãi cát trắng mịn màng đã dần hiện ra, biển xanh trong hơn, lác đác đã có người xuống tắm biển trở lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam - cho biết bãi biển Cam Lập bị ô nhiễm rất nặng nề, nước biển sánh đặc bởi rác và chất thải khiến khách du lịch không ai dám xuống tắm. Hoạt động của nhóm "Touch Blue" không chỉ rất kịp thời và cần thiết để bảo vệ biển, mà còn tạo ra được nét sống văn minh cho những người dân địa phương.

Khi nhìn thấy bãi biển được dọn dẹp, mọi người dần có ý thức hơn trong việc xả rác bừa bãi. Đó cũng là tiền đề để nhóm kết hợp với chính quyền, đưa ra những chính sách, chế tài trong việc sản xuất kinh tế kết hợp làm du lịch sao cho hợp lý.

Để có thể dọn sạch núi rác ở Cam Lập, sẽ phải mất nhiều tháng trời. Công việc này cần rất nhiều sự kiên nhẫn, trường kỳ và kế hoạch lâu dài. Trước mắt, cả nhóm sẽ gom hết rác lại và mua một chiếc máy ép nhựa, nylon trị giá 86 triệu đồng để ép rác, sau đó sẽ bán lại cho bên thu mua rác. Chi phí thu được sẽ tiếp tục được sử dụng cho những hoạt động bảo vệ biển.

Cả nhóm cũng đang lên kế hoạch liên kết với những hộ kinh doanh du lịch, chính quyền địa phương để mở rộng hoạt động, đẩy nhanh tiến độ. Khi thấy nhóm làm công việc này, người dân và các doanh nghiệp du lịch tại địa phương rất ủng hộ. Bởi bản thân họ cũng mong biển được sạch, môi trường sống được trong lành và cũng muốn có kế hoạch lâu dài để cùng nhau làm sạch bãi biển.

Dưới các chia sẻ của chị Thiên Bình ở các diễn đàn, vài người cho rằng chị đang làm chuyện "bao đồng", nhưng có đến hàng trăm người quan tâm và đồng tình. Nhiều bạn trẻ trầm trồ bày tỏ sự ngưỡng mộ với những hoạt động ý nghĩa của nhóm.

"Không có lời cảm ơn nào đủ diễn tả hết những gì bạn đã mang lại", "Tuyệt vời chị ạ. Có những người như chị thì sẽ có nhiều người hiểu được giá trị của biển", "Thả tim nghìn like, một công việc quá tốt đẹp. Bạn cho xin lịch trình để nếu được mình cho con trai tham gia với"...

Nhận được đồng cảm và hưởng ứng của cộng đồng, chị Thiên Bình lại nghĩ cách để phát triển phong trào này không chỉ ở Bình Lập mà còn ở khắp các vùng biển xinh tươi của Việt Nam.

Du lịch mùa cao điểm mất sức hơn đi làm

Nắng nóng đỉnh điểm, các vùng biển dọc miền Bắc, miền Trung như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng đều hút khách du lịch. Nhiều người than thở biển quá đông, mệt mỏi, khó tìm phòng.

https://vietnamnet.vn/bo-pho-ve-bien-nguoi-phu-nu-ha-noi-lam-mot-viec-khien-nhieu-nguoi-kham-phuc-2035722.html

Theo Thùy Chi/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm