Hai mức điểm sàn, bước ‘cải lùi’ trong tuyển sinh ĐH?
“Bộ GD quy định điểm sàn là điểm tối thiểu vào đại học. Vì vậy nếu đưa ra 2 mức thì không cải tiến mà còn cải lùi”, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết.
Vừa qua, Bộ GD – ĐT đã đưa ra dự kiến phương án hai mức điểm sàn trong mùa tuyển sinh năm nay. Cụ thể phương án này đó là:
Điểm sàn trên: như cách đã làm lâu nay, được tính dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền. Điểm sàn này luôn cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được.
Điểm sàn dưới: tổng điểm bình quân 3 môn thi của khối thi tương ứng. Đây được coi là ngưỡng giới hạn đảm bảo chất lượng đầu vào.
Phương án 2 mức điểm sàn sẽ quy định cụ thể: Đối với thí sinh đạt kết quả thi trên điểm sàn trên thì các trường xét trúng tuyển như đã làm lâu nay, không có gì thay đổi.
Đối với thí sinh có kết quả thi nằm giữa điểm sàn trên và điểm sàn dưới thì các trường xét thêm điểm tốt nghiệp phổ thông để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh.
Những thí sinh đạt điểm trên sàn trên vẫn được ưu tiên, nên trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chưa nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh dưới mức sàn này.
Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm thi đến điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông.
Ngay sau khi phương án này được đưa ra, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số trường đại học và được nghe nhiều ý kiến trái chiều.
Hạ điểm sàn chưa chắc đã tuyển đủ chỉ tiêu
Về phương án này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: “Không phải chỉ vì không tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn xuống để đạt được số lượng. Vì Bộ GD – ĐT đã quy định điểm sàn là điểm tối thiểu mà các thí sinh phải đạt để vào đại học. Còn những em không đạt yêu cầu thì theo học bậc thấp hơn. Vì vậy, nếu Bộ đưa ra hai mức điểm sàn thậm chí không cải tiến mà còn cải lùi”.
Vị phó hiệu trưởng này cũng khẳng định phương án này không có lợi cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Đồng quan điểm, một chuyên gia giáo dục phụ trách công tác đào tạo cũng nhận định: “Nếu thực hiện phương án này sẽ làm mất đi ý nghĩa của điểm sàn và thậm chí còn gây phản tác dụng. Bởi khi đó, các thí sinh sẽ nghi ngờ chất lượng của các trường áp dụng mức điểm sàn dưới và dù đủ điểm thì chưa chắc các em đã đăng ký vào học”.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Điểm sàn sinh ra để đảm bảo chất lượng chứ không phải để các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Ý nghĩa của điểm sàn chính là đánh giá năng lực của thí sinh đủ điều kiện tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. Nếu muốn các trường đều tuyển đủ chỉ tiêu thì không cần có điểm sàn”.
Một số ý kiến cho rằng phương án này của Bộ GD – ĐT để ưu tiên các trường ngoài công lập khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhưng theo ông trong vấn đề đào tạo cần phải có sự công bằng, việc các trường này không tuyển đủ thì chỉ lãng phí về chi phí đầu tư nhưng tuyển vào mà đào tạo ra những người không làm việc được, hay làm sai thì còn gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, đất nước sau này.
Trao đổi với lãnh đạo của ĐH Dân lập Đông Á (Đà Nẵng), ông Đỗ Trọng Tuấn, Phó hiệu trưởng cũng cho rằng: “Phương án này của Bộ GD – ĐT chưa chắc đã giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Xã hội rất công bằng, người ta có thể nhìn được trường nào yếu trường nào mạnh. Đối với các trường hoạt động vì lợi nhuận, không đảm bảo chất lượng thì dù có đăng ký tuyển bao nhiêu cũng không đủ chỉ tiêu. Nếu giải quyết cho những trường hợp này bằng cách hạ điểm sàn sẽ phá vỡ hết hệ thống”.
Khó khăn cho công tác tuyển sinh
Về phương án có thêm điểm sàn dưới và sẽ xét kết hợp cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, đa số các lãnh đạo đều cho rằng không hợp lý và sẽ gây rắc rối, khó khăn cho công tác tuyển sinh. Bởi nếu dựa theo mức điểm trung bình (điểm sàn dưới) của thí sinh trong các năm qua, chỉ cần mỗi môn 3-4 điểm là thí sinh đã đỗ ĐH. Ví dụ, năm 2011, tổng điểm 3 môn khối A là 10,54 (TB mỗi môn 3,51), khối B 12,46 (TB 4,15), khối C 11,18 (TB 3,72), khối D1 11,48 (TB 3,82). Năm 2012: khối A 10,51 (TB 3,5), khối B - 11,47 (TB 3,82), khối C - 12,17 (TB 4,05) , khối D - 12,56 (TB 4,18).
Một chuyên gia giáo dục băn khoăn: “Điểm sàn tức là thấp nhất rồi, vậy điểm sàn dưới có nghĩa là gì. Nếu đưa vào kỳ thi năm nay thì trường nào sẽ áp dụng điểm nào. Cuối cùng, bằng tốt nghiệp của các sinh viên đỗ ở hai mức điểm sàn có khác nhau không?”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng việc xét thêm điểm tốt nghiệp không giải quyết được vấn đề gì bởi kết quả của kỳ thi này hiện này còn rất nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng năng lực của người học. Vì vậy theo ông đối với các trường chưa tuyển đủ hệ đại học có thể xin chỉ tiêu đào tạo cao đẳng, đào tạo nghề. Hiện nay xã hội đang thiếu rất nhiều những người thợ có trình độ.
Còn theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM các trường công lập sẽ chỉ quan tâm đến mức điểm sàn trên. Bởi mức điểm sàn dưới khá phức tạp vì kèm theo xét điểm tốt nghiệp THPT. Ông Hùng băn khoăn: “Vậy thì bao nhiêu điểm tốt nghiệp là được xét? Hơn nữa nếu phương án này được thực hiện sẽ kéo dài thời gian xét tuyển phá vỡ kế hoạch tuyển sinh, học tập”.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: “Theo tôi giải pháp này sẽ không khả thi và có thể không có được sự đồng thuận của nhiều trường”.
Thông qua việc phân tích những bất cập của phương án này, các vị lãnh đạo đều cho rằng vẫn cần duy trì điểm sàn để đánh giá năng lực người học, tuy nhiên chỉ nên sử dụng một mức điểm sàn.
Còn đối với các vùng, ngành khó tuyển Bộ GD – ĐT đã có chính sách ưu tiên riêng. Ví dụ năm 2012 Bộ GD cho các trường ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ được tuyển sinh thấp hơn điểm sàn 1 điểm.
Ý kiến các trường ngoài công lập
Bên cạnh những ý kiến phản đối cách làm này của Bộ GD – ĐT, cũng có lãnh đạo đồng tình với quan điểm này. Ông Nguyễn Đình Ngộ - hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế) cho biết: “Tôi hoan nghênh việc làm này của Bộ GD – ĐT. Vì chúng ta cần có mức trên dành cho các trường đào tạo nhân tài, đào tạo người ra nghiên cứu, còn điểm sàn dưới là dành cho các đại học top dưới để nâng cao dân trí.
Mặc dù vậy, ông Ngộ cũng đề nghị Bộ GD – ĐT nên xem xét lại việc xét điểm tốt nghiệp THPT kèm theo điểm thi đại học bởi kỳ thi này còn rất hình thức và tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, chưa chắc đã thực sự công bằng, minh bạch, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Vị hiệu trưởng này cũng cho biết năm trước tình hình tuyển sinh của trường khá ảm đảm vì các trường quốc lập “vét” thí sinh đến điểm sàn. Nếu Bộ GD – ĐT áp dụng mức hai điểm sàn sẽ cải thiện được tình hình tuyển sinh hơn năm ngoái.
Ông Đỗ Trọng Tuấn – Phó hiệu trưởng ĐH Dân lập Đông Á (Đà Nẵng) cũng cho rằng việc đưa ra hai mức điểm sàn là thiết thực với tình hình tuyển sinh hiện nay. Bởi nếu duy trì một mức điểm sàn cho tất cả các trường thì nhiều đại học bé, mới thành lập sẽ yếu thế hơn các đại học lớn, lâu năm.
Tuy nhiên, ông không cho rằng phương án này sẽ cải thiện tình hình tuyển sinh mà chỉ có ý nghĩa xắp xếp lại đúng vị trí các đại học, trường lớn thì tuyển sinh để đào tạo nhân tài, còn các trường thấp hơn sẽ tham gia vào việc đào tạo nhân lực.
Ông cũng hy vọng, nếu có ưu tiên cho các trường ngoài công lập thì nên ưu tiên ở khâu xét tuyển. Vì các trường này phải tự làm nên cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, không được hỗ trợ mà còn phải đóng thuế cho nhà nước ; vì vậy đối với các trường công cần đặt mức điểm cao hơn, còn các trường ngoài công lập thì có mức thấp hơn mới tuyển sinh được.
An Hoàng
Theo Infonet