Mukbanger Pan Xiaoting qua đời khi đang phát trực tiếp. |
Hôm 14/7, Pan Xiaoting (24 tuổi, Trung Quốc) đột tử ngay trên sóng livestream. Nguyên nhân tử vong được xác định là ăn quá nhiều. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bụng cô bị biến dạng nghiêm trọng và dạ dày chứa đầy thức ăn chưa tiêu hóa.
Ngày 14/6, Dongz Apatan (37 tuổi, Philippines) đã qua đời. Một ngày trước đó, anh đăng video quay cảnh mình nấu ăn và sau đó ăn nhiều miếng gà rán cùng cơm trắng. Vlogger ở thành phố Iligan, với 460.000 người theo dõi, đã bị đau tim và rơi vào hôn mê trước khi qua đời do đột quỵ xuất huyết.
Cả Xiaoting và Apatan đều làm nghề mukbang (phát sóng cảnh ăn uống) và nổi tiếng với các clip tiêu thụ lượng lớn thức ăn. Cái chết của hai người có ảnh hưởng này một lần nữa khiến trào lưu ăn thùng uống vại bị lên án mạnh mẽ. Trước đó, khía cạnh độc hại của mukbang từng nhiều lần được cảnh báo khi không chỉ đe dọa đến sức khỏe của người thực hiện, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lượng lớn khán giả tiêu thụ loại nội dung này.
Xu hướng độc hại
Thuật ngữ "mukbang" xuất phát từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn có nghĩa là "ăn" và "phát sóng". Và đó chính xác là những gì trào lưu này thể hiện. Mukbang là các video phát trực tuyến cho thấy những người sáng tạo nội dung ăn một lượng lớn thức ăn trước ống kính.
Xu hướng này bắt nguồn từ Hàn Quốc vào khoảng năm 2014 và đã lan rộng ra toàn cầu kể từ đó. Ngày nay, mukbang có thể dễ dàng tìm thấy thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, nhưng lại phổ biến nhất trên YouTube.
Một số đã đạt hàng triệu lượt xem. Một trong những video mukbang phổ biến nhất trên YouTube của người sáng tạo “Zach Choi ASMR” có hơn 59 triệu lượt xem.
Jun Choe, học sinh cuối cấp tại trường Carlmont (California, Mỹ), cho biết: "Tôi thích xem mukbang vì mọi người thường làm cho đồ ăn có vẻ rất ngon và đang tận hưởng quá trình chế biến".
Mukbanger Dongz Apatan qua đời ở tuổi 37. |
Khán giả không chỉ xem mukbang do thích thú với đồ ăn, mà còn theo dõi vì mục đích xã hội như để vơi đi nỗi cô đơn.
Theo Cureus, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng người sống một mình đang tăng lên. Điều này dẫn đến nhiều người xem mukbang có cảm giác "tương tác kỹ thuật số", ám chỉ cảm giác được kết nối thông qua sự can thiệp dựa trên công nghệ kỹ thuật số ngay cả khi ăn một mình.
Mặc dù những video này có thể mang tính giải trí và thậm chí hữu ích cho người xem, nhưng một số người lại thấy chúng khá khó chịu. "Tôi không thích xem mukbang vì thấy kinh hãi khi nhìn lượng thức ăn mà một số người sáng tạo cho vào miệng. Ngoài ra, tiếng nhai của mọi người làm tôi khó chịu", Alyssa Victory, sinh viên năm hai tại Carlmont, cho biết.
Agnes Hsu, doanh nhân truyền thông xã hội có bằng thạc sĩ về khoa học dinh dưỡng, cho biết: "Ăn những khẩu phần lớn như vậy trong một lần không phải là cách cơ thể con người hoạt động. Loại thực phẩm thường xuất hiện trong mukbang cũng không phải là bữa ăn cân bằng chất dinh dưỡng hàng ngày".
Ngoài ra, việc xem video mukbang có thể gây chứng rối loạn ăn uống. "Xu hướng này rất nguy hiểm và đi ngược lại bản chất tự nhiên của chúng ta. Con người không được tạo ra để chịu đựng điều này trong thời gian dài mà không có tác dụng phụ nguy hiểm về mặt sức khỏe", Hsu nói.
Mukbang bị giám sát
Sau cái chết của vlogger Apatan, Bộ Y tế Philippines (DOH) đang cân nhắc cấm các video mukbang.
"Đây là một thói quen xấu vì mọi người tạo ra nội dung bằng cách ăn quá nhiều, và ăn quá nhiều không tốt cho sức khỏe. Nó sẽ dẫn đến béo phì, tăng huyết áp, các vấn đề tim mạch, các bệnh không lây nhiễm, và thậm chí cả đau tim", báo Philippines Daily Inquire trích lời Bộ trưởng Y tế Teodoro Herbosa.
Trước Philippines, Trung Quốc cũng từng đưa ra nhiều quy định để hạn chế sự phát triển không lành mạnh của trào lưu ăn uống vô độ.
Tháng 3/2021, Trung Quốc ban hành luật chống lãng phí thực phẩm nhằm hạn chế trào lưu mukbang đang gia tăng và trừng phạt những người cung cấp dịch vụ ăn uống lãng phí thực phẩm.
Philippines, Trung Quốc muốn giám sát trào lưu ăn uống trên mạng. |
Theo luật mới, những người có sức ảnh hưởng về ăn uống và các chương trình truyền hình có cuộc thi ăn uống sẽ bị phạt tới 100.000 NDT nếu khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh. Các nhà hàng được khuyến khích cung cấp những khẩu phần khác nhau, đồng thời chủ động nhắc nhở khách hàng không lãng phí thức ăn.
Thông tin này xuất hiện sau các báo cáo về vấn đề lãng phí thực phẩm ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Theo đó, lượng thực phẩm lãng phí hàng năm của nước này lên tới 35 triệu tấn, chiếm khoảng 6% tổng nguồn cung thực phẩm quốc gia và đủ để nuôi sống 350 triệu người/năm.
Năm ngoái, YouTube được cho đang cố gắng thắt chặt quy định liên quan đến nội dung có thể gây rối loạn ăn uống. Tiến sĩ Garth Graham, Giám đốc YouTube Health, cho biết quy định mới của YouTube sẽ cấm nội dung có hành vi "có thể bắt chước" và khiến người xem có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống, bao gồm các video cho thấy chế độ hạn chế calo nghiêm ngặt hoặc nhịn ăn, cũng như bắt nạt liên quan đến chứng rối loạn ăn uống dựa trên cân nặng.
YouTube đã hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực rối loạn ăn uống để xây dựng các hướng dẫn mới và xác định hành vi nào có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống và phải bị gỡ bỏ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.