Hệ thống đèn thông minh này do hai học sinh của TP Đà Nẵng là Lê Nhật Hưng (lớp 12 Trường THPT Trần Phú) và Nguyễn Tiến Dũng (lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) chế tạo, đạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam. Đây cũng là nhóm duy nhất nhận giải thưởng đặc biệt của Microsoft.
Hưng và Dũng cho biết, ý tưởng sáng chế này được vun vén từ khá lâu, sau nhiều lần quan sát thực tế giao thông ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước.
Lê Nhật Hưng (trái) và Nguyễn Tiến Dũng bên “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh và thân thiện môi trường”. |
“Hầu hết giao thông ở nhiều nơi rất phức tạp, tình trạng kẹt xe, vượt đèn đỏ, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế. Việc bắt lỗi vi phạm, xử phạt còn quá đơn giản”- Dũng nói.
Cùng với những kiến thức vật lý, tin học được học, cả hai lên mạng nghiên cứu, tìm hiểu thêm các phần mềm, clip rồi quyết định viết trên nền “C++” (đối với phần cứng) và “.Net” trên phần mềm giúp tương thích hầu hết với mọi hệ điều hành.
Hai nam sinh đến cửa hàng điện tử, ve chai tìm mua các mạch điện, tấm pin năng lượng mặt trời, ống nhôm nhỏ, đèn LED và các vật liệu phụ trợ như dây nối, IC... bắt tay thực nghiệm. Khi ứng dụng vào thực tế, đèn giao thông thông minh tiếp nhận năng lượng mặt trời và chuyển thành điện.
“Lúc đèn đỏ hoạt động, hệ thống cảm biến khoảng cách bằng sóng âm được thiết lập và sẽ chạy liên tục, xác định khoảng cách, thông báo về máy chụp khi có vật vượt qua vạch trắng lúc đèn đỏ (tại Đà Nẵng, xe máy được rẽ phải khi đèn đỏ đã có lối đi riêng). Sau đó, máy chụp sẽ chụp và chuyển về bộ lưu để đưa ảnh lên cơ sở dữ liệu điện toán đám mây thông qua các thiết bị truyền sóng WiFi hay bằng dây”- Hưng nói về tính năng tiện lợi của hệ thống.
Tiếp đó, cảnh sát giao thông chỉ cần vào phần mềm quản lý là có thể lấy hình ảnh, nhận dạng biển số xe, thời gian, số lần, địa điểm mà người tham gia giao thông vi phạm. Riêng phương tiện lấn tuyến sẽ được hệ thống laser báo phát ra tín hiệu ngắt quãng và tự động nhận dạng, chụp lại. Tương tự, phương tiện đi ngược chiều cũng bị phát hiện thông qua định vị tọa độ gắn trên xe.
Không chỉ "phạt”, hệ thống này còn có ích lợi cho người đi đường khi phát đi tín hiệu cảnh báo ùn tắc giao thông. Phát hiện đoạn đường đang tắc nghẽn, hệ thống sẽ gửi tín hiệu về người giám sát để cảnh báo và ra tín hiệu điều khiển người đi đường. Bên cạnh đó, hệ thống tự động chạy chữ trên hệ thống để báo hiệu.
Hai học sinh thực hiện đề tài này trong hơn một năm với kinh phí khoảng 7 triệu đồng. Cả hai tâm sự: “Cứ mỗi khi nghe tin tai nạn giao thông rất ám ảnh. Hiện chúng mình tiếp tục hoàn thiện sản phẩm một cách tinh gọn, đạt độ chuẩn cao nhất và hi vọng sẽ được các nhà khoa học, chuyên gia quan tâm ủng hộ để áp dụng vào cuộc sống hiện nay”.
Nói về đề tài này, thầy Đỗ Văn Nhỏ - giáo viên bộ môn tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng, người trực tiếp hướng dẫn và theo suốt quá trình sáng chế của hai bạn - kể rằng, khi thực hiện gặp rất nhiều khó khăn bởi phần mềm và cứng trong hệ thống còn khá xa lạ với học sinh.
“Sản phẩm này có nhiều chức năng và làm việc gần như tự động, bước đầu như thế là thành công”- thầy Nhỏ nói.