Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai phụ nữ đánh nhau trên tàu cao tốc vì một đứa trẻ nghịch ngợm

Vụ ẩu đả giữa hai hành khách trên chuyến tàu cao tốc đến Thành Đô gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc, làm dấy lên các cuộc thảo luận về một số vấn đề xã hội lâu nay.

Vụ việc xảy ra trên chuyến tàu C6276 vào ngày 2/5, đi từ nhà ga phía đông Mi Sơn đến nhà ga phía đông Thành Đô, theo What's on Weibo.

Hai hành khách nữ ngồi trên tàu đã cãi nhau sau khi người phụ nữ tên Wang tức giận vì con của người phụ nữ kia đá vào phía sau ghế ngồi của cô. Wang quay lại và mắng mỏ, sau đó người mẹ, tên là Yang, đã rất bực bội.

Cả hai tranh cãi trong khi lấy điện thoại quay phim lẫn nhau. Cuộc tranh cãi trở nên gay gắt sau khi Yang tát vào mặt Wang và cô bắt đầu đánh trả.

Nhân viên tàu cao tốc và các hành khách khác đã cố gắng hòa giải nhưng vụ ẩu đả vẫn tiếp diễn.

Wang đăng clip ghi lại vụ việc lên mạng xã hội vào tối 2/5. Cô sau đó đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát và được cho là đã bị phạt 200 nhân dân tệ (30 USD).

Đến tối 4/5, Wang tiếp tục đến đồn cảnh sát lúc 20h và mãi đến 3h30 sáng hôm sau mới rời đi. Trong một video được đăng trực tuyến, người phụ nữ giải thích rằng cô từ chối hòa giải với bên kia, nhấn mạnh rằng họ phải nhận hình phạt thích đáng cho hành động của mình.

"Phạt mỗi người 50 roi"

Một trong những lý do chính khiến vụ việc gây chú ý trên mạng xã hội là vì các clip thường kèm theo cụm từ "hành hung lẫn nhau". Nhiều cư dân mạng bày tỏ rằng điều này không đúng vì Yang là người tấn công trước và Wang chỉ tự vệ.

Sự nhầm lẫn giữa tự vệ và hành hung lẫn nhau là một vấn đề lặp đi lặp lại trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng cảnh sát thường quy các vụ việc thành hành hung lẫn nhau để giải quyết cho xong việc.

Cách làm này thường bị mỉa mai bằng thành ngữ Trung Quốc là "mỗi người bị đánh 50 roi", có nghĩa là người có tội và người vô tội đều bị trừng phạt theo cùng một cách.

Vì các cuộc tranh luận trực tuyến, Cảnh sát Đường sắt Thành Đô đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 10/5, trong đó họ cung cấp chi tiết về diễn biến của vụ việc. Cảnh sát kết luận rằng cả hai bên đều phạm tội hành hung và Wang bị phạt 200 nhân dân tệ (30 USD), trong khi Yang bị phạt hành chính 500 nhân dân tệ (72 USD).

au da tau cao toc anh 1

Hai hành khách tát nhau trên tàu cao tốc ở Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy rằng việc trừng phạt cả hai người như vậy là không công bằng, vì nó được cho là ngăn cản mọi người cố gắng tự vệ.

Năm 2020, tác giả Jeremy Daum tại China Law Translate đã xuất bản một bài báo về quyền tự vệ và cách các trường hợp liên quan đến quyền tự vệ có thể gợi lên phản ứng gay gắt của công chúng.

Do một số trường hợp gây ra các cuộc tranh luận lớn, quy định mới năm 2020 kêu gọi cơ quan chức năng minh bạch hơn trong việc giải thích luật cho công chúng và cách thức đưa ra phán quyết.

Quy định mới được thể hiện rõ ràng trong vụ xô xát trên tàu cao tốc, vì lý do phạt cả hai bên đã được thông báo rõ ràng cho công chúng khi vụ việc lan truyền trên mạng.

Những đứa trẻ ngỗ nghịch

Một lý do khác khiến vụ việc được đặc biệt chú ý vì nó có liên quan đến vấn đề được gọi là "những đứa trẻ hỗn láo".

Trong tiếng Trung Quốc, "xióng háizi" được dùng để mô tả những đứa trẻ ngỗ nghịch, dễ gây rắc rối. Từ điển Lịch sử Văn hóa Trung Quốc giải thích rằng sự gia tăng của hiện tượng "xióng háizi" ở Trung Quốc trong những năm 2000 là do sự phổ biến của phong cách nuôi dạy con cái được gọi là "giáo dục nhẹ nhàng".

Cách nuôi dạy con cái này khác biệt đáng kể so với biện pháp cứng rắn của những phụ huynh thuộc các thập kỷ trước. Nhiều đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này thường là con một, được ông bà nuông chiều quá mức, khét tiếng với hành vi quậy phá và tự cao tự đại ở nơi công cộng.

au da tau cao toc anh 2

"Xióng háizi" chỉ những đứa trẻ được nuông chiều quá mức. Ảnh minh họa: Sixth Tone.

Liên quan đến vụ việc trên tàu cao tốc, nhiều người cho rằng cuộc tranh cãi bắt nguồn từ chuyện các bậc phụ huynh ngày càng nuông chiều và không biết kỷ luật con trẻ.

Mặc dù Wang cũng tát Yang, nhiều người vẫn đứng về phía cô, nói rằng họ hiểu sự thất vọng của cô và ủng hộ quyền chỉ trích những đứa trẻ ngỗ nghịch.

"Ngày hôm qua tôi đã ngồi trên tàu cao tốc trong 3 tiếng, và trong suốt thời gian đó, một đứa trẻ nghịch ngợm đã khóc. Tôi kiệt sức khi nghe tiếng khóc đó, còn cha mẹ và những người phục vụ trên tàu đã không làm bất cứ điều gì", một người bình luận.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Wang lập luận rằng nên có toa dành riêng cho hành khách đi cùng trẻ em trên tàu cao tốc để tránh làm phiền những người khác.

Ngay sau đó, các bài đăng khác kêu gọi việc lập toa dành riêng cho trẻ em đã nhận được bình luận hưởng ứng từ rất nhiều người.

Bị khách quấy rối, làm phiền, chàng trai Trung Quốc phải đóng tiệm ăn

Một người bán thức ăn đường phố ở Trung Quốc nổi tiếng nhờ thân hình vạm vỡ đã phải đóng cửa tiệm do người hâm mộ tụ tập, làm gián đoạn công việc kinh doanh.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm