Oliver Blaise và Leonard Gu, hai học sinh 10 tuổi của trường Trung cấp thung lũng Locust, New York, Mỹ vừa giành giải nhất cuộc thi Explora Vision hạng mục cho học sinh lớp 4 đến lớp 6 với phần thưởng 10.000 USD, theo Business Insider.
"Cháu muốn trở thành nhà khoa học", Gu nói, đồng thời giơ cao chiếc tàu không gian xếp bằng lego mà cậu và Blaise lắp ráp.
Phi thuyền không gian mô hình này là sản phẩm hai em thiết kế để tham dự cuộc thi Explora Vision, dự án do công ty Toshiba tài trợ và Hiệp hội Giáo viên Khoa học Quốc gia tổ chức. Đây là cuộc thi khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, thúc đẩy các em tưởng tượng về các công nghệ trong tương lai.
Sáng chế mang tên Hubble NEST với mục đích làm sạch rác không gian đang quay quanh hành tinh của chính ta.
"Cả hai chúng cháu đều rất thích những điều về không gian và quan tâm tới rác thải ngoài Trái đất. Đó là vấn đề nghiêm trọng mà nhân loại chưa tìm ra cách giải quyết", thần đồng 10 tuổi nói.
Oliver Blaise và Leonard Gu. Ảnh: Business Insider. |
Rác không gian là các mảnh vỡ của tàu vũ trụ, vệ tinh, bộ phận đẩy của tên lửa, các mảnh vỡ tạo ra do sự xói mòn, tan rã, va chạm. NASA đang theo dõi 500.000 mảnh vụn có kích thước chỉ bằng một viên bi cho tới lớn hơn. Chúng quay quanh Trái đất với tốc độ lên tới 28.000 km/h.
Theo NASA, hơn 20.000 mảnh rác lớn hơn một quả bóng tennis đang tồn tại và hàng triệu mảnh khách có kích thước quá nhỏ khiến họ khó phát hiện. Do tốc độ di chuyển của chúng qua nhanh, thậm chí chỉ một đốm đỏ vút qua không gian cũng có thể làm hỏng vệ tinh hoặc tàu vũ trụ.
Ban đầu, Blaise và Gu nảy ra ý tưởng sử dụng một mạng lưới giống như tơ nhện và ống nano carbon kéo dãn giữa hai tòa tháp để thu rác.
"Tuy nhiên, không có gì đảm bảo tấm lưới sẽ được tung ra. Hơn thế, nó có thể gây thiệt hại cho tháp", Gu nói.
Sau đó, các cậu bé nghĩ tới việc sử dụng tia laser để phá vỡ những mảnh rác nhưng ngay khi ý tưởng được đưa ra, chúng đã nhận thấy nhiều vấn đề.
"Chúng cháu biết laze có thể phá hủy mọi thứ, nhưng chúng sẽ chỉ khiến một mảnh rác lớn vỡ ra thành nhiều mảnh hơn", Gu giải thích.
Cuối cùng, hai nhà sáng tạo trẻ quyết định chế tạo NEST Hubble.
"Tại thời điểm đó, chúng cháu được biết NASA sắp ngừng hoạt động của kính viễn vọng không gian Hubble trong khoảng 2 năm nữa. Chúng cháu rất mê Hubble, yêu không gian và không muốn cỗ máy này ngừng hoạt động. Thay vì đưa một tàu vũ trụ mới vào không gian, chúng ta hãy tái chế Hubble và tái sử dụng nó. Việc này sẽ giúp tiết kiệm số tiền đáng kể", hai cậu bé 10 tuổi nói.
Cuộc thi Explora Vision giúp trẻ em phát triển các ý tưởng về khoa học. Ảnh:Classbrain.com |
Theo các thần đồng khoa học này, việc thực hiện chuyển đổi chức năng cho Hubble rất đơn giản. Kính thiên văn vũ trụ này sẽ hoạt động cùng một tàu vũ trụ, giúp phát hiện và loại bỏ rác. Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của kế hoạch này là Hubble không có bộ phận đẩy nên không thể tự di chuyển.
Chính vì thế, Blaise và Gu lên ý tưởng trang bị cho chiếc kính này một nhóm robot bay được gọi là "chim sẻ không người lái". Các robot được điều khiển bởi người trên Trái đất và nhận biết vị trí của rác không gian thông qua kính Hubble. Sau đó, robot sẽ bay tới thu rác bằng "mỏ chim", "móng vuốt" hoặc giác hút.
Nếu là mảnh rác còn giá trị sử dụng, "chim sẻ không người lái" sẽ đưa chúng về Trái đất, nếu không, chúng sẽ bị đốt cháy thành tro trong bầu khí quyển.
Blaise và Gu cho biết, trong khi phần thiết kế phi thuyền khá dễ dàng thì việc nghiên cứu mới thực sự khó khăn bởi hiện nay chưa hề có dự án nào liên quan vấn đề rác thải không gian hoàn thành".
"Hoàn toàn chưa có gì, mọi thứ mới chỉ là một đống ý tưởng", Gu nói.
Cả Blaise và Gu đều không chắc chắn chúng sẽ làm gì khi lớn lên. Chúng có thể làm về khoa học và Explora Vision sẽ giúp những đứa trẻ này đi đúng hướng.
"Cuộc thi giúp cháu hiểu nhiều hơn về không gian, những điều mà cháu không bao giờ được học nếu không tham gia", Blaise hào hứng nói.