Trương Phi Hùng là học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Bắc Giang. Ảnh: NVCC. |
Vài ngày sau lễ bế mạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) lần thứ 54 tại Iran, Trương Phi Hùng (lớp 12 lớp chuyên Lý K31, trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), vẫn nguyên cảm giác hạnh phúc. Em là một trong hai học sinh giành huy chương vàng năm nay.
Gần 2 tháng trước, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) diễn ra từ ngày 3/6 đến 10/6 tại Malaysia, Phi Hùng mang về huy chương đồng cho đội tuyển Việt Nam và lọt vào đội tuyển quốc tế. Nam sinh đã đặt mục tiêu sẽ cải thiện thành tích ở kỳ thi này.
“Em đặt mục tiêu sẽ giành huy chương bạc IPhO 2024 hoặc cao hơn, nhưng cũng không kỳ vọng nhiều sẽ đạt huy chương vàng”, Hùng nói.
Trọn vẹn hành trình 4 năm
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phi Hùng cho biết ở kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương, em làm bài thi thí nghiệm không thực sự tốt, trong khi đó, bài lý thuyết còn để sai sót ở những ý cho điểm, nên chỉ đạt huy chương đồng.
Hùng cũng thừa nhận “điểm yếu" của em là Vật lý lý thuyết. Theo Hùng, Vật lý rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc lượng kiến thức quá rộng, khó nắm bắt hết, không tránh khỏi việc rỗng kiến thức một vài phần.
Đến với kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, Hùng mang tinh thần thoải mái hơn, không áp lực để có thể hoàn thành bài thi tốt nhất.
“Rút kinh nghiệm kỳ thi trước, em đã khắc phục được điểm yếu ở phần thực nghiệm cũng như cẩn thận hơn để không mắc những sai sót nhỏ trong quá trình làm bài", Hùng chia sẻ.
Nam sinh cho biết trong suốt 5 giờ làm bài thi thực nghiệm, em hoàn thành một cách trôi chảy, đến mức “cảm thấy bất ngờ". Nội dung bài thi một nửa liên quan đến đo nhiệt độ, nửa còn lại là quang học.
Thời gian cân bằng nhiệt khá lâu, mất rất nhiều thời gian. Tuy vậy, nam sinh đã phân chia thời gian cho từng phần một cách hợp lý, cũng như phối hợp thời gian chờ cân bằng nhiệt để làm bài quang học. Nhờ vậy, em hoàn thành hầu hết số câu hỏi.
Hùng nói đây có lẽ là lần em làm thí nghiệm tốt nhất từ trước tới giờ. Điều này góp phần giúp em tự tin hơn với bài thi lý thuyết.
Dù vậy, ở bài lý thuyết, nam sinh gặp khó ở câu số 3, nội dung liên quan đến Vật lý thiên văn - mô hình sao xung quanh góa phụ đen. Hùng chỉ hoàn thành 80% bài này trong khi các bài còn lại, em hoàn thành sớm hơn dự tính.
Sau khi hoàn thành bài, Phi Hùng nghĩ có lẽ đây là cơ hội để em nắm lấy tấm huy chương vàng. Tuy nhiên, giải thưởng xếp từ cao xuống thấp, các đội khác cũng rất mạnh, em không thể biết các thí sinh khác làm bài ra sao nên khá lo lắng.
“Lúc nhận tin đoạt huy chương vàng, em rất xúc động. Em đã gắn bó với môn học này gần 4 năm, cuộc thi này sẽ là hồi kết cho quãng đường phổ thông, cuối cùng, em đã giành giải thưởng cao nhất", Hùng xúc động chia sẻ.
Phi Hùng đổi màu huy chương từ đồng thành vàng trong vòng chưa đầy 2 tháng. Ảnh: NVCC. |
Từng giành thủ khoa học sinh giỏi chỉ sau 1 tháng
Chủ nhân tấm huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế cho biết từ năm lớp 6, em là học sinh đội tuyển Toán của trường. Thế nhưng, Hùng nhận thấy tình trạng học môn Toán của em ngày càng giảm sút.
Vào học kỳ 1 năm lớp 9, khi bài khảo sát đội tuyển đang đến gần, em thấy mình không thể đương đầu nên đã từ bỏ và tìm con đường khác. Đúng thời điểm này, giáo viên môn Vật lý đã chú ý tới Hùng và cho phép em học thử.
“Em đã vô cùng thích thú và mê Vật lý ngay từ lúc đó", nam sinh chia sẻ.
Chị Bùi Thanh Ngoan (mẹ của Phi Hùng) cho biết chỉ còn một tháng trước kỳ thi chọn đội tuyển, nam sinh mới chuyển sang học môn Vật lý. Thời điểm đó, gia đình khá ngần ngại vì gấp gáp, nhưng thấy Hùng quyết tâm, bố mẹ cũng đồng ý và ủng hộ.
Điều bất ngờ, kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm đó, Hùng giành số điểm cao nhất với 19,75/20 điểm.
“Điều này khiến ai cũng bất ngờ. Thời điểm đó, các thầy cô ở cấp 2 đều ngỡ ngàng, tò mò về bài thi xuất sắc của Hùng", cô Đỗ Thị Nhung (giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lý K31, trường chuyên Bắc Giang) cho biết.
Theo cô Nhung, Hùng là học sinh thông minh, có quyết tâm cao trong học tập. Không chỉ Vật lý, Hùng học giỏi đều và xuất sắc các môn tự nhiên. Nam sinh hướng nội và khá trầm tính, nhưng mọi hoạt động trong lớp em đều nhiệt tình tham gia. Trước mỗi kỳ thi quan trọng, Hùng có phần căng thẳng, lo lắng hơn. Thầy cô và các bạn phải thường xuyên động viên, trêu đùa để em giữ bình tĩnh.
Chị Ngoan cũng cho hay điểm yếu của Hùng là hay bị mất bình tĩnh, tâm lý căng thẳng khiến làm sai câu dễ. Đây cũng là lý do nam sinh thất bại trong kỳ thi chọn vào đội tuyển Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương năm ngoái.
Hùng cho biết giai đoạn khó khăn nhất của em là lúc ôn thi chọn đổi tuyển APhO 2024. Ảnh: NVCC. |
Theo đó, khi học lớp 11, Hùng đã nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia và giành giải nhì. Nhưng đến vòng 2, Hùng không lọt vào đội tuyển thi APhO 2023, đồng nghĩa với việc không được thi quốc tế.
“Con nội tâm, không chia sẻ nhưng tôi cảm nhận con rất buồn. Sau đó, được thầy gợi ý thi Olympic Vật lý châu Âu 2023, con chuyển hướng, lọt vào đội tuyển và giành huy chương bạc", chị Ngoan chia sẻ.
Chính từ “thất bại" năm trước, Hùng cho biết giai đoạn khó khăn nhất của em là lúc ôn thi chọn đổi tuyển APhO 2024, em phải cạnh tranh với 40 bạn điểm cao nhất của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
“Quãng thời gian đó như nghẹt thở với em, bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ, em cũng có thể bị loại như năm trước. Đến lúc thi xong, em vẫn rất hồi hộp. Khi biết tin mình là một trong 8 thành viên đội tuyển, có cơ hội thi quốc tế, em đã rất xúc động, chuẩn bị tinh thần cho hành trình sau đó", Hùng bộc bạch.
Chia sẻ về phương pháp học của mình, Phi Hùng cho biết em thường chỉ đọc sơ qua lý thuyết rồi bắt tay ngay vào làm bài tập. Việc đối mặt với những câu hỏi giúp em tiếp thu kiến thức sâu và rõ ràng hơn chỉ là đọc lý thuyết một chiều. Ngoài giờ học ở trường, mỗi tối, Hùng thường học 3-4 giờ. Đêm khuya cũng là lúc nam sinh học “vào” nhất bởi khi thật sự yên tĩnh, em có thể tập trung tối đa.
Ngoài các thành tích trên, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm học 2023-2024, Hùng giành giải nhất với số điểm cao nhất toàn quốc (34/40 điểm), giành huy chương đồng tại cuộc thi Olympic Vật lý không giới hạn năm 2022 với số điểm xếp thứ 10 thế giới và thứ nhất Việt Nam; huy chương đồng kỳ thi học sinh giỏi Duyên hải đồng bằng Bắc bộ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.