Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai tháng mở cửa trường học đầy khó khăn ở TP.HCM

Bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian nghỉ dịch, đồng thời dạy chương trình học kỳ 2 trong khi tình trạng F0, F1 tăng là những khó khăn của thầy, trò ở TP.HCM thời gian qua.

"Học trực tuyến, từ tò mò, các em chuyển sang chán nản vì tâm lý chỉ học, ở nhà và bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần. Có em tiếp thu được kiến thức, có em thì học cho có lệ, một số em chưa có ý thức nên vừa học, vừa chơi. Kết quả học tập vì thế giảm sút so với mọi năm, không đảm bảo chất lượng hoàn toàn", cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) nhận định.

Theo cô Thảo, hiện tại, sau hơn 2 tháng trở lại trường, các em đã bắt đà kịp. Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp học sinh chưa tập trung cao độ. Chất lượng dạy học dù đã đảm bảo hơn nhưng vẫn chưa thể so với hình thức học trực tiếp 100%.

Hoc truc tiep o TP.HCM anh 1

Học sinh tiểu học ở TP.HCM đi học trở lại sau thời gian nghỉ dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm.

Khó khăn chồng chất khi giáo viên, học sinh là F0, F1

Nhớ lại khoảng thời gian học trực tiếp vừa qua, bà Anh Thư, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức (TP.HCM), cho biết trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều giáo viên đã mắc Covid-19. Nhà trường phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên, liên tục điều phối nhân lực ở các cơ sở khác nhau để đảm bảo lớp học diễn ra bình thường.

Để đồng hành cùng học sinh là F0, F1, trường Tiểu học Tuệ Đức đã thực hiện giải pháp phân công 2 giáo viên cùng phụ trách một lớp học. Cụ thể, một giáo viên dạy trực tiếp và livestreams buổi học cho những em nghỉ ở nhà; giáo viên còn lại sẽ tham gia lớp học trên nền tảng trực tuyến để quản lý học sinh.

Sau mỗi tiết học, giáo viên dạy trực tuyến sẽ ở lại và hướng dẫn trẻ về bài giảng kỹ hơn trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút. Đây cũng là cách giúp học sinh F0 không bỏ lỡ kiến thức trong thời gian nhiễm bệnh.

"Nhà trường vẫn tìm nhiều giải pháp để có thể 'trụ' được khi thiếu giáo viên. Chúng tôi cũng dùng hết cách hỗ trợ các trường hợp học sinh là F0, F1 và đảm bảo chất lượng học tập", bà Thư nói.

Hoc truc tiep o TP.HCM anh 2

Giáo viên giảng dạy và động viên học sinh nhiều hơn khi trường học mở cửa trở lại sau thời gian nghỉ dịch. Ảnh: Phương Lâm.

Cùng cảnh ngộ, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TP.HCM) cho biết thời gian qua, trường đã đối mặt với tình huống học sinh, giáo viên là F0, F1 gia tăng, nhưng hiện tại các em vẫn đang bắt kịp tiến độ học tập.

Giai đoạn nghỉ dịch, học trực tuyến kéo dài, giáo viên của trường đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để học sinh nắm bắt. Tuy nhiên, tình trạng "hổng" kiến thức ở học sinh rất nhiều, giáo viên trong trường phải tăng cường hỗ trợ thêm khi học trực tiếp.

"Thời gian vừa rồi, các thầy, cô đã vất vả nhiều vì phải bổ sung những kiến thức mà học sinh chưa nắm vững sau thời gian học trực tuyến, đồng thời, dạy chương trình học kỳ II để đảm bảo kịp tiến độ. Hơn một tháng đầu tiên, sau mỗi tiết học, thầy, cô đều phải dành ra khoảng từ 15 đến 20 phút để giúp học sinh hoàn thiện kiến thức của học kỳ I", ông Đảo nói.

Trường học đã có thể sống chung với dịch

Hiện tại, sau khi TP.HCM có quyết định giảm bớt thời gian cách ly tại nhà của học sinh là F1, trường Tiểu học Tuệ Đức đã ghi nhận số trẻ đến lớp đông hơn. Ở mỗi lớp học, tình trạng học sinh là F0, F1 cũng không còn nhiều như tháng trước.

"Giai đoạn đầu, chúng tôi còn cập rập trong công tác phòng, chống dịch, nhưng hiện tại, trẻ đều đã quen với việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và biết ăn, ngủ giãn cách. Tôi nghĩ, trường học đã có thể sống chung với dịch", bà Anh Thư nhận định.

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức cũng cho biết trẻ đã quen với việc học trực tuyến và xem đây là hình thức học tập bình thường, không còn phải mất thời gian tiếp nhận như ở học kỳ I. Vì vậy, khi lớp có nhiều F0, F1, phải chuyển sang hình thức trực tuyến thì học sinh đều sẵn sàng học tập.

Hoc truc tiep o TP.HCM anh 3

Hơn 2 tháng trôi qua, học sinh tiểu học đã quen với việc ăn, ngủ giãn cách ở trường. Ảnh: Phương Lâm.

Ở trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, ông Đảo cho hay học sinh đã hòa nhịp kịp với tiến độ học trực tiếp, cùng với giáo viên thích ứng linh hoạt khi lớp có F0, F1. Trường hợp lớp có trên 50% học sinh là F0, F1 thì sẽ học trực tuyến trong thời gian 5 ngày. Ông Đảo vui mừng khi học sinh thích học trực tiếp. Phụ huynh cũng đã dần ủng hộ và mong muốn con đến trường.

Về phía giáo viên, cô Huyền Thảo cho biết trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, bản thân đã thay đổi phương pháp dạy học, hướng về động viên tinh thần và cố gắng tạo động lực để thúc đẩy học sinh. Nhà trường và giáo viên đã đưa ra các kế hoạch học tập, hệ thống và giãn biên độ thời gian của học kỳ II để không tạo nhiều áp lực cho các em.

Sẽ thi giữa kỳ với mức độ nhẹ nhàng hơn

Trước tình hình dịch bệnh, ông Đảo cho biết nhà trường dự kiến tổ chức đợt kiểm tra giữa kỳ sắp tới ở mức độ và hình thức nhẹ nhàng, linh hoạt. Giáo viên sẽ chủ động làm đề thi và kiểm tra học sinh theo từng lớp trong khoảng thời gian 2 tuần. Học sinh là F0, F1 nghỉ ở nhà được kiểm tra bù khi đi trở lại trường.

Trước đó, từ sau Tết Nguyên đán, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đã cho học sinh hoàn thiện một đầu điểm bằng hình thức kiểm tra nhiều lần, để giảm bớt áp lực điểm số và dễ đạt được kết quả tốt. Mỗi lần kiểm tra, thầy, cô giáo đều động viên học sinh làm tốt hơn.

Theo ông Đảo, việc đánh giá học sinh phải dựa trên sự tiến bộ trong cả một quá trình của người học. Kỳ thi giữa kỳ nên linh động dựa trên điều kiện thực tế của mỗi trường trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Nếu trường có số lượng học sinh F0, F1 nhiều thì phải thực hiện đánh giá dựa trên những nội dung kiến thức mà các em đã được tiếp thu.

"Khi kiểm tra đánh giá học sinh, chúng ta không nên đặt áp lực quá nặng nề cho các em. Làm sao để học sinh cảm thấy nhẹ nhàng và xem kiểm tra giữa kỳ là một kỳ đánh giá quá trình học mà thôi. Tôi vẫn thường gọi đây là kiểm tra giữa kỳ và không xem đây là kỳ thi", ông Đảo nói.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh giai đoạn hiện tại trường học cần phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh nhiều hơn.

"Trẻ đã phải chịu áp lực vì thời gian dài không thể đến trường, gặp bạn bè, thầy, cô, hạn chế giao tiếp ngoài xã hội. Các em chỉ ở nhà và học trực tuyến. Bây giờ, chúng ta tạo thêm áp lực cho học sinh về thi cử thì các em sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Giáo viên và nhà trường cần thấu hiểu nhiều hơn", ông Đảo nói.

5K gây phiền hà trong trường học ở TP.HCM

Hiện nay, nhiều trường tại TP.HCM đã thay đổi thông điệp 5K thành 2K trong công tác phòng, chống dịch. 3K không còn phù hợp là khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm