Chiều 19/6, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho hai trường hợp bỏng nặng, phải cắt tứ chi để bảo toàn tính mạng.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân S.C. (39 tuổi, quốc tịch Campuchia). Người nhà bệnh nhân cho biết cách đây 3 ngày, anh C. đang sửa mái, vô tình chạm vào dây điện cao thế nên bị điện giật.
Gia đình nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện ở Campuchia. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Anh C. buộc phải cắt bỏ tứ chi sau khi bị điện giật. Ảnh: BH. |
“Anh C. nhập viện trong tình trạng cánh tay co quắp, tiên lượng không thể giữ được hai tay do bỏng quá sâu. Dù các bác sĩ rất cố gắng cắt lọc da hoại tử, bệnh nhân bị cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và cẳng tay trái cùng 1/3 giữa cẳng chân”, bác sĩ Hiệp nói.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân N.A.K. (41 tuổi, quê Bình Định) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 14/5 trong tình trạng phỏng điện độ 3,4 ở hai tay và chân trái cùng vết thương 10 cm ở vùng đầu.
Bệnh nhân cho biết anh là thợ hồ. Trong lúc đang xây dựng công trình, người này bị dòng điện cao thế ở độ cao 3 m giật, ngã xuống đất, chấn thương sọ não. Anh K. được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân K. hiện ổn định sức khỏe, nhưng phải sống tàn phế suốt đời. Ảnh: BH. |
Bác sĩ Hiệp thông tin anh K. phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt lọc da. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, bệnh nhân bị cắt từ 1/3 cẳng tay trái và giữa cẳng tay phải, 1/3 trên cẳng chân trái.
Hiện, sức khỏe của anh K. ổn định, tính mạng được bảo toàn. Tuy nhiên, về cuộc sống trong tương lai, để có thể vượt qua cú sốc này, hai bệnh nhân rất cần hỗ trợ từ phía cộng đồng.
Trung bình mỗi năm, khoa Phỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận khoảng 2.100 ca bỏng. Trong đó, 300-400 ca bỏng điện và trên dưới 100 trường hợp phải cắt bỏ chi do hoại tử nặng.
Bác sĩ Hiệp cảnh báo nguyên nhân gây bỏng thường do tai nạn lao động và làm việc gần dòng điện cao thế. Mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện sang người rất lớn.
Cách sơ cứu tại chỗ cho nạn nhân bỏng điện
- Khi phát hiện nạn nhân bị điện giật, người gần đó cần tìm cách an toàn để tách nạn nhân khỏi nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng vật cách điện).
- Dập lửa cháy xém trên quần áo và kiểm tra chức năng sống của người bị nạn.
- Nếu nạn nhân ngưng thở, ngưng tim, người sơ cứu phải hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu không cấp cứu kịp thời sau 10 phút, nạn nhân sẽ tử vong.
- Kiểm tra các tổn thương khác (gãy tay, chân, cột sống). Che phủ tổn thương bỏng cho nạn nhân bằng gạc hoặc áo sạch.
- Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất (chỉ chuyển nạn nhân khi đã khôi phục tuần hoàn, hô hấp).