Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai tình huống đối lập bên trong nơi điều trị bệnh nhân mắc Covid-19

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai chia sẻ bệnh nhân vừa là động lực để bản thân cố gắng hoàn thành nghĩa vụ, nhưng cũng khiến bà "đau đầu" khi không hợp tác.

BSCKII Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết điều trị cho các bệnh nhân nước ngoài đa số không gặp nhiều khó khăn, đều tuân theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Tuy nhiên, tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp có một trường hợp bệnh nhân nữ 20 tuổi, người Đan Mạch, nhập viện ngày 8/3 không hợp tác trong quá trình điều trị, khiến y bác sĩ "đau đầu".

Không hợp tác, 8 lần xét nghiệm dương tính

"Bệnh nhân nói tiếng anh không tốt, khi bác sĩ giải thích bạn ấy không hiểu, có thể từ đó dẫn đến việc thiếu hợp tác. Bệnh nhân nhiều lần phàn nàn với Đại sứ quán Đan Mạch và họ hỏi lại chúng tôi. Chúng tôi đã giải thích bệnh nhân không chịu súc họng bằng dung dịch bệnh viện cấp, không mở cửa sổ. Điều dưỡng đến mở cửa, bệnh nhân lại đóng lại, không nghe theo hướng dẫn", bác sĩ Mai nói.

Theo bác sĩ Mai, bệnh nhân người nước ngoài rất được ưu tiên tại bệnh viện. Bệnh nhân luôn được nằm phòng ít người hơn nhưng một số trường hợp vẫn từ chối tuân thủ.

Bệnh nhân người Đan mạch khiến các y bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Đến nay, bệnh nhân đã điều trị gần 40 ngày, làm xét nghiệm 8 lần nhưng kết quả vẫn dương tính với SARS-CoV-2.

"Bệnh nhân may mắn phổi không tổn thương, chỉ nhiễm virus. Cô ấy rất muốn ra viện nhưng chúng tôi không thể làm điều đó. Đại sứ quán Đan Mạch cũng rất muốn đón bệnh nhân về nước nhưng không thể vì có nguy cơ lây nhiễm cho hành khách khác khi đi cùng chuyến bay", bác sĩ Mai thông tin.

Benh nhan mac Covid-19 ra vien anh 1

BSCKII Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Hùng.

Hơn thế, nữ bệnh nhân cũng thường xuyên không hài lòng với chế độ dinh dưỡng tại cơ sở y tế này. Bác sĩ Mai cho hay bệnh viện đã chuẩn bị riêng đồ ăn cho người Việt Nam và người nước ngoài nhưng bệnh nhân không đồng ý. "Bệnh viện đã cố gắng hết sức, thậm chí những bạn trẻ nếu đói có thể đăng ký 2 xuất ăn cũng được. Phục vụ theo sở thích bệnh nhân thì chúng tôi không làm được", bác sĩ Mai chia sẻ.

Xin hiến huyết tương để chữa trị cho người khác

Bác sĩ Mai tâm sự đa số bệnh nhân đều tình cảm, sẵn sàng chia sẻ với nhân viên y tế.

"Một bệnh nhân khiến tôi rất xúc động, trong suốt quá trình điều trị không hề than vãn. Một lần, bệnh nhân gọi cho tôi và mong muốn được thử kháng thể. Nếu có kháng thể, bệnh nhân xin được hiến máu, huyết tương để chữa điều trị cho những người khác. Điều đó động viên chúng tôi rất nhiều. Chứng tỏ không chỉ nhân viên y tế hy sinh để chăm sóc bệnh nhân dương tính mà cả cộng đồng, xã hội cũng quan tâm, cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19",

Từ khi dịch Covid-19 bước vào giai đoạn 2, đánh dấu bằng ca mắc đầu tiên ở Hà Nội (ngày 6/3), bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai cùng hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng tại đây ở viện hoàn toàn.

"Nếu bạn không hỏi, tôi cũng không nhớ mình đã ở đây bao nhiêu ngày. Hàng ngày, tôi liên lạc với gia đình bằng điện thoại. Điều kiện sinh hoạt của chúng tôi rất tốt. Bệnh viện rất phù hợp để giải quyết những đợt dịch như thế này", Bác sĩ Mai chia sẻ.

Nhân viên y tế tại bệnh viện thường phải làm việc 12 tiếng/ngày. Ở một số khoa như Cấp cứu và Hồi sức tích cực, bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc cao độ, chăm sóc bệnh nhân thở máy, hút đờm, nằm trên giường, chống lở loét cho người bệnh rất vất vả. Nhưng chỉ cần bệnh nhân đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, hợp tác với y bác sĩ, những khó khăn này bác sĩ Mai và đồng nghiệp đều có thể vượt qua.

"Khi có bệnh nhân được ra viện là động lực cho tất cả các thầy thuốc. Điều tôi muốn nói nhất là người dân hãy tuân theo chỉ định của Chính phủ. Đó là thực hiện cách ly. Điều đó sẽ đem lại thành công cho thầy thuốc. Chúng tôi có khả năng nhưng chỉ có giới hạn, không thể chữa được lượng bệnh nhân quá lớn. Tôi mong đồng bào cố gắng cách ly an toàn, thành công như thời gian vừa qua", bác sĩ mai xúc động nói.

'Đồng bào hãy cách ly vì sức các bác sĩ có giới hạn' Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai chia sẻ các cán bộ y tế Việt Nam có khả năng nhưng cũng có giới hạn. Việc chữa trị Covid-19 có thể thất bại nếu lượng bệnh nhân quá lớn.

Bác sĩ vẫy tay tạm biệt người mắc Covid-19 khỏi bệnh

Các bệnh nhân mắc Covid-19 số 168, 188 và 231 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam được công bố khỏi bệnh. Họ sẽ tiếp tục cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm