Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ siết chặt tình hình đăng ký nguyện vọng (NV) thi vào lớp 10. Chẳng hạn những học sinh có hộ khẩu quận Gò Vấp, 12 nhưng đăng ký trường ở huyện Củ Chi, Hóc Môn... sẽ được xem xét kỹ.
Đậu trường này lại muốn chuyển trường kia
Theo số liệu từ Phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Sở GD&ĐT TP.HCM, trong năm học 2017, có đến gần 500 học sinh đăng ký NV vào các trường tại khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh… dù thường trú tại các quận, huyện nội thành.
Rất nhiều học sinh sau đó không thể theo học vì khoảng cách nhà xa. Mặt khác, có nguyên nhân là những học sinh này chỉ xem các trường trên là bến đỗ tạm thời, sau đó sẽ tìm cách xin chuyển trường.
Học sinh thi vào lớp 10 tại TP HCM năm 2017 Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động. |
Theo ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng trường THPT Tân Phong (quận 7), năm nào cũng có trường hợp học sinh xin chuyển trường, điều này không chỉ xảy ra ở những trường tốp cuối chỉ được xem là trường dành cho bến đỗ tạm thời.
Chẳng hạn, trúng tuyển vào trường THPT Trưng Vương, có em muốn vào THPT Nguyễn Thượng Hiền; trúng tuyển THPT Bùi Thị Xuân lại có em muốn vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa.
"Nguyên nhân lớn nhất là các em đăng ký NV chưa phù hợp nên khi trúng tuyển vào trường này lại muốn vào trường kia", ông Hải nói.
Tình trạng học sinh xin chuyển trường xảy ra nhiều nhất tại các quận, huyện khu vực ngoại thành.
Ông Lê Thanh Tòng, hiệu trưởng trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn), cho hay kể từ khi TP.HCM áp dụng quy chế tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức thi tuyển ở tất cả quận, huyện thì tình trạng học sinh chuyển trường vì sai NV hầu như ở trường nào cũng có, tùy số lượng mỗi năm ít hay nhiều.
Sẽ siết chặt đăng ký nguyện vọng
Tại TP.HCM, việc tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay thực hiện theo hình thức thi tuyển. Học sinh được quyền đăng ký 3 NV vào 3 trường THPT công lập tại tất cả các quận, huyện. Sau khi tổng hợp đăng ký từ các trường, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có thống kê ban đầu về tình hình đăng ký.
Sau đó, học sinh sẽ có 5 ngày để điều chỉnh NV trước khi bước vào kỳ thi. Sau khi có kết quả, học sinh không được đổi NV, đồng nghĩa với không được chuyển trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguyên tắc là vậy nhưng rất nhiều trường THPT có tình trạng sau khi có kết quả, phụ huynh và học sinh đến xin chuyển với rất nhiều lý do. Đến mức, nhiều trường THPT đã đưa ra quy định yêu cầu phụ huynh viết cam kết không được chuyển trường cho con dưới bất kỳ hình thức nào, trừ khi chuyển nơi cư trú.
Điển hình như trường hợp vào đầu năm học mới 2017, trường THPT Thạnh Lộc (quận 12) đã phải yêu cầu phụ huynh viết cam kết như trên.
Ông Hoàng Sơn Hải cho rằng không phải trường hợp nào nhà trường cũng giải quyết cho chuyển. Chẳng hạn, khi theo dõi hồ sơ học sinh, có những em ở Bình Chánh, Cần Giờ nhưng học tại trường là điều không thể, bởi lẽ khoảng cách địa lý xa… vì vậy thì phải giải quyết.
"Tuy nhiên, cũng có trường hợp có em xin chuyển về trường THPT Nam Sài Gòn, khoảng cách giữa 2 trường tại quận 7 chỉ khoảng 3 km. Tuy nhiên, nếu chuyển thì không thể nào vì điểm chuẩn ở mỗi trường khác nhau" - ông Hải cho biết.
Một chuyên gia về giáo dục phổ thông cho rằng hình thức để học sinh đăng ký NV rồi mới thi tuyển lâu nay tại TP.HCM đang bộc lộ những bất cập khi có tình trạng học sinh điểm cao vẫn rớt oan do đăng ký sai .
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, sở không thể dùng biện pháp hành chính để quản lý việc đăng ký NV của học sinh vì đây là quyền tự do của các em.
Tuy nhiên, sở nhấn mạnh việc các trường THCS đừng vì thành tích đẹp, bắt buộc tất cả học sinh trúng tuyển vào hệ công lập mà tư vấn hời hợt, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Học sinh lớp 9 tăng mạnh
Năm học 2017-2018, số học sinh đang học lớp 9 tại TP.HCM tăng mạnh so với năm học 2016-2017.
Cụ thể, hơn 104.000 học sinh, tăng gần 21.000 em so với năm trước. Trong khi đó, mỗi năm TP sẽ giảm 3% học sinh vào lớp 10 công lập, vì thế cuộc đua vào lớp 10 năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn.