Vấn đề tôi quan tâm nhất trong đời sống gia đình hiện nay là giao tiếp, cụ thể là việc trao đổi giữa vợ và chồng.
Hôn nhân ngày nay có quá nhiều chi phối
Ngày nay, phần lớn cặp vợ chồng trẻ có ít thời gian gặp gỡ, trò chuyện do công việc ngoài xã hội đòi hỏi sự tham gia của người phụ nữ.
Thời gian ít ỏi gặp nhau không thể giải quyết hết những điều quan tâm của gia đình. Đây là một trong những cản trở khiến các cặp vợ chồng thiếu thông tin về đối phương. Từ đó, rất dễ tạo ra những khoảng trống vô hình trong giao tiếp giữa 2 người.
Thạc sĩ Tô Nhi A. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Xã hội hiện đại có nhiều cơ hội giao tiếp với bên ngoài. Mỗi người chồng có ít thời gian dành cho vợ mình, thay vào đó là thời gian dành cho đồng nghiệp, đối tác... và ngược lại. Ai cũng có nhu cầu đảm bảo các mối quan hệ của bản thân.
Cũng từ đó, họ có thêm sự so sánh đối phương với những cô gái trẻ hay người đàn ông chợt gặp. Ví như người chồng có thể thở dài khi giao tiếp với vợ mình bằng suy nghĩ “sao cô ấy không nhẹ nhàng như đồng nghiệp mình”. Hay cô vợ có thể ghen tị vì chồng mình không tâm lý như anh kia…
Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng dẫn theo mối quan ngại lớn trong giao tiếp gia đình. Thay vì tìm hiểu thông tin hàng ngày về đối phương, mỗi người vợ, người chồng lại dành sự quan tâm của bản thân tới những vấn đề chính sự, công việc khi ở bên cạnh họ. Thậm chí, việc giao tiếp với hàng trăm con người trên Facebook đôi khi cũng được coi trọng hơn đời sống vợ chồng tại một số gia đình trẻ.
Hay như chuyện sử dụng mạng xã hội cũng gây ra không ít vấn đề. Nhiều trường hợp vợ lấn át sở thích cá nhân, buộc chồng dùng Facebook không cần biết cảm giác của anh ta… Hay nghiêm trọng hơn là chuyện cô vợ vô tình bắt gặp hình ảnh của chồng cùng đồng nghiệp nữ. Họ không cần tìm hiểu ngọn ngành mà nhanh chóng quy kết thành chuyện động trời… Điều này làm cho mối quan hệ 2 bên rất dễ trở nên căng thẳng...
Cứ thế, mỗi người đều bận rộn với guồng quay của cuộc sống. Để tới khi về nhà là sự mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi. Những cuộc giao tiếp thưa dần, kéo theo tình cảm giữa người với người phai nhạt.
Không ít cuộc hôn nhân ngày nay không tránh khỏi chuyện vợ hay chồng có người tình bên ngoài. Khi tình cảm cả hai không còn, chuyện có nhân tình mới cũng là điều dễ hiểu.
Bởi vậy, mỗi người cần học cách vun đắp tình cảm của mình. Đừng để đến khi quá muộn lại quay ra trách cứ nhau.
Vợ chồng cần có sự nhường nhịn lẫn nhau
Ngày càng có thêm nhiều câu chuyện vợ chồng xích mích, bất đồng quan điểm và tan vỡ hôn nhân...
Nhiều người thường đặt ra câu hỏi, tại sao chuyện tình cảm ngày nay rắc rối hơn xưa quá nhiều? Tôi cho rằng, điều này không quá khó hiểu.
Mỗi thời đại có một sự khác biệt. Ngày xưa, mọi quan hệ của người với người đều thực tế khi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhau. Bởi vậy, mỗi chia sẻ đều dễ dàng hiểu đúng và không quá khó khăn để hòa giải. Bởi vậy, mối quan hệ và giao tiếp giữa vợ, chồng kín đáo, tế nhị hơn.
Mặt khác, người phụ nữ trước đây trưởng thành từ nền văn hóa Á Đông đều có những ràng buộc nhất định. Thời ấy, họ cũng không bị chi phối quá nhiều vào công việc, xã hội và có thêm thời gian quan tâm tới gia đình. Cuộc sống người phụ nữ phụ thuộc khá nhiều vào chồng của họ. Bởi vậy, trong quan hệ giao tiếp, vai vế của người phụ nữ thường bị chồng át chế. Cho dù có bất công, họ cũng đều chấp nhận.
Thế nhưng, đến thời nay, mọi chuyện không còn đơn giản như vậy. Người phụ nữ ngày nay ý thức rõ hơn về vai trò của mình. Họ cũng có những thành công nhất định đối với xã hội. Từ đó, họ mong muốn vị thế của mình phải ngang bằng nam giới. Điều này dẫn đến chuyện khi có bất công, họ sẽ sẵn sàng bùng nổ.
Đôi khi, sự đấu tranh này không còn là chuyện riêng trong gia đình, mà còn lan trên các trang mạng xã hội. Điều này nhiều khi dẫn đến tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Vì vậy, việc hóa giải giữa vợ và chồng trở nên khó khăn hơn.
Cũng bởi sự đổi thay trong xã hội, quan niệm về ly hôn không còn khắt khe như xưa. Cuộc sống của những gia đình trẻ, nếu bất hòa khó giải quyết, hầu hết đều lựa chọn con đường chia ly. Những câu chuyện về bà mẹ đơn thân tự mình lo liệu cuộc sống gia đình, ông bố trẻ một mình xin sữa nuôi con… ngày càng phổ biến…
Có lẽ bây giờ, người ta thường tìm đến sự độc lập bản thân hơn là phụ thuộc vào những người không còn tha thiết.
Dù vậy, tôi vẫn cho rằng, trước khi quá muộn, mỗi người trong một gia đình trẻ cần học thêm cách giao tiếp, ứng xử với nhau. Mỗi người cần học cách nhường nhịn, bình tĩnh phân xử đúng sai trước mỗi bất hòa. Các cặp vợ chồng nên rèn giũa bản thân để cái tôi cá nhân không lấn át những mục tiêu chung trong quá trình cùng nhau xây dựng hôn nhân.
Cần nghĩ cho con cái
Điều quan trọng hơn hết, gia đình không chỉ là sự qua lại giữa vợ và chồng, mà còn có sự xuất hiện của con cái. Mỗi ông bố, bà mẹ là những người thầy đầu tiên của con mình. Bởi vậy, cách hành xử của cha mẹ là quy chuẩn về hành vi xã hội, văn hóa của con cái.
Sự tương tác của bố và mẹ luôn có sự ảnh hưởng tới những đứa con. Chúng sẽ lấy những gì nhìn thấy từ cha mẹ để làm bài học cho chính mình. Đơn giản từ cách xưng hô, nếu như vợ chồng sử dụng những ngôn từ không phù hợp, con cái sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, đứa trẻ lớn lên cũng không biết cách tôn trọng người khác.
Hay cách các ông bố, bà mẹ xử lý những bất đồng trong cuộc hôn nhân. Nếu như mỗi người biết cách ứng xử, giải quyết một cách nhẹ nhàng, vô hình chung con trẻ cũng biết cách lắng nghe mọi người mỗi khi tình huống đó xảy đến với mình… Trái lại, nếu một gia đình có bố mẹ hay cãi vã, bạo lực, đứa trẻ cũng dễ dàng sử dụng biện pháp đó khi bản thân gặp phải trường hợp tương tự…
Khi vợ chồng không thể tìm ra hướng đi chung, việc giáo dục con cái trở nên rất khó khăn khi đứa trẻ không lựa chọn được phương hướng. Điều này thực sự tội nghiệp cho những đứa trẻ.