Theo số liệu được Guardian dẫn lại, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hiện ước tính khoảng 3,6 triệu trẻ em ở Kenya, Somalia và Ethiopia có nguy cơ phải nghỉ học vì áp lực dồn lên các hộ gia đình do hạn hán liên tiếp trong nhiều tháng qua.
Bốn mùa liên tiếp lượng mưa tại khu vực châu Phi luôn ở mức thấp đẩy hàng triệu người vào nạn đói. Số lượng trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng ngày càng tăng, cha mẹ phải dẫn con cái rời bỏ nhà cửa chuyển đến vùng xa trường học để tìm kiếm thêm nguồn lực.
Ở vùng Sừng châu Phi vốn đã có khoảng 15 triệu trẻ em không được đến trường. Hạn hán kéo dài sẽ khiến thêm 3,6 triệu trẻ em - trong đó 1,57 triệu trẻ em ở Kenya, 1,14 triệu trẻ em ở Ethiopia và 900.000 trẻ em ở Somalia, bao gồm cả khu tự trị Somaliland và đa số là các bé gái - phải bỏ học để di cư cùng cha mẹ.
Bên bờ vực thảm họa
Kiin Farah Hasan, hiệu trưởng một trường làng ở Toghdeer (Somaliland), đang cầu nguyện năm nay sẽ tốt hơn cho các học sinh nữ của mình. Cuối năm trước, khi hạn hán xảy ra số học sinh nữ chỉ còn 31 thay vì 56 học sinh như ban đầu.
Hàng triệu trẻ em vùng Sừng châu Phi phải di cư theo cha mẹ vì hạn hán. Ảnh: AP. |
Bà Kiin cho biết: “Tôi thậm chí đã nấu thức ăn ở nhà hoặc đặt thức ăn ở chợ mang đến trường cho bọn trẻ. Nhiều gia đình nghèo đến mức không có gì để ăn. Các bé gái buộc phải nghỉ học lấy chồng hoặc theo gia đình chuyển đi".
"Giáo dục giúp bảo vệ những đứa trẻ cả về thể chất, tâm lý và nhận thức. Đối với các bé gái việc buộc phải nghỉ học dập tắt ước mơ của chúng”, hiệu trưởng lo lắng.
Các cuộc tảo hôn thường gia tăng trong thời điểm hạn hán hoặc thiên tai do các bậc cha mẹ tìm cách kiếm thêm tiền thông qua của hồi môn.
UNICEF cho rằng sự khác biệt về số lượng học sinh nam và nữ bỏ học có thể gây nên những tổn thương về sau. Các bé gái sẽ có ít cơ hội trở lại trường bởi một số sẽ bị ép tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên. Số khác sẽ phải phụ giúp gia đình chăm sóc các thành viên khác hoặc làm việc vặt. Đồng thời, các vấn đề này cũng dẫn tới nạn bạo hành giới ngày càng cao.
Nếu chúng ta không cung cấp nguồn lực để những cô gái tiếp tục được học tập sẽ đồng nghĩa với việc mất đi một thế hệ và rất tốn kém trong tương lai.
Theo báo cáo của UNICEF, các yếu tố làm tăng khả năng trẻ em bỏ học bao gồm việc gia đình phải chuyển đến các làng khác để tìm kiếm nguồn thức ăn, nước uống, có năng lực giáo dục hạn chế, thiếu các chương trình chăm sóc ở trường và cha mẹ không đủ khả năng mua các vật dụng cần thiết như sách vở hoặc đồng phục.
Nguyên nhân sâu xa
Hạn hán làm tăng nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột, mất an ninh, biến đổi khí hậu, dịch châu chấu và các tác động kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng Sừng châu Phi được dự báo sẽ tăng cao do tình hình an ninh lương thực xấu đi nhanh chóng theo thời gian. Hệ lụy của những bất ổn trên đã khiến hàng chục triệu người dân châu Phi phải vật lộn mưu sinh để có miếng ăn hàng ngày. Đáng quan ngại là phần lớn trong số này đều rơi vào trẻ em.
Nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng Sừng châu Phi được dự báo sẽ tăng cao do hạn hán kéo dài. Ảnh: Reuters. |
UNICEF cũng đã kêu gọi cải thiện khả năng phục hồi lâu dài của các gia đình ở khu vực Sừng châu Phi và ngăn chặn hạn hán tàn phá cuộc sống trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, số tiền vận động để cứu trợ nhân đạo hiện chỉ xấp xỉ 3% so với nhu cầu. Trong số này, hầu như không có khoản tiền nào được nhận cho phần dành cho nước, vệ sinh và khả năng chống chịu với khí hậu.
Theo bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cách duy nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này là chính phủ các quốc gia, các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế tăng cường tài trợ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của trẻ em và cung cấp hỗ trợ linh hoạt lâu dài để phá vỡ chu kỳ khủng hoảng này.
Chúng ta không thể trốn tránh và phủ nhận nữa. Trái Đất đang nóng lên, thời tiết khắc nghiệt với tốc độ đáng kinh ngạc ở nhiều nước trên thế giới. Người dân trên toàn cầu đang mất dần cuộc sống và sinh kế do các đợt nắng nóng chết người, lũ lụt, cháy rừng và hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng nhiều và thường xuyên hơn.