1. Là địa điểm thu hút nhiều du khách thăm viếng khi đến TP Quy Nhơn (Bình Định), mộ phần thi sĩ Hàn Mặc Tử hiện tọa lạc tại thắng cảnh nổi tiếng nào của vùng đất này?
Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất phong trào Thơ mới. Ông sinh năm 1912 tại Quảng Bình, mất năm 1940 tại trại phong Quy Hòa và được chôn cất ở đây. Đến năm 1959, mộ phần được cải táng ra Ghềnh Ráng, thắng cảnh tuyệt đẹp của đất Quy Nhơn, Bình Định. Nơi Hàn Mặc Tử yên nghỉ gọi là đồi Thi Nhân, do văn nghệ sĩ địa phương đặt tên. Riêng con dốc lên mộ có tên gọi quen thuộc là dốc Mộng Cầm. Ảnh: Nguyễn Mạnh Quyền.
|
2. Bãi tắm xinh đẹp nằm gần mộ Hàn Mặc Tử trong khu danh thắng này có tên là gì?
Nằm trong danh thắng Ghềnh Ráng, gần mộ Hàn Mặc Tử, bãi tắm Hoàng Hậu kiêu sa, quyến rũ là địa điểm được nhiều du khách check-in khi đến đây. Tương truyền ngày trước, Nam Phương hoàng hậu trên đường qua đây đã chọn bờ biển xinh đẹp này làm bãi tắm riêng, nên người dân gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Nơi đây có vô số tảng đá tròn trịa, nhẵn bóng như quả trứng chim khổng lồ, nên còn được gọi là bãi Trứng, hay bãi đá Trứng. Ảnh: Le Ho Bac. |
3. Thắng cảnh xinh đẹp của TP Quy Nhơn, nơi có mộ Hàn Mặc Tử được xếp hạng danh thắng quốc gia vào năm nào?
Ghềnh Ráng cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 3 km về phía đông nam, là một trong những danh thắng bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh. Nơi đây từng được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Nằm dưới chân núi Xuân Vân, khung cảnh non nước hữu tình với cát trắng, biển xanh, bãi đá kỳ vĩ của Ghềnh Ráng thu hút nhiều du khách tham quan. Ghềnh Ráng được xếp hạng danh thắng quốc gia từ năm 1991, là niềm tự hào của người dân ở đây. Ảnh: Steven Hung Nguyen.
|
4. "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?" là những vần thơ trong tác phẩm nào của Hàn Mặc Tử có nhắc đến một địa danh ở Huế?
Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên. Tác phẩm có những câu thơ hay được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng như "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?" hay "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?". Vĩ Dạ nằm ở phía đông TP Huế, phong cảnh nên thơ, thanh bình. Theo các nhà nghiên cứu, Vĩ Dạ từ gốc là Vĩ Dã, tức cánh đồng lau. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải.
|
5. Thành phố cao nguyên thơ mộng Đà Lạt (Lâm Đồng) được Hàn Mặc Tử gợi tả trong bài thơ nào?
Bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử là một trong những bài thơ đặc sắc viết về thành phố cao nguyên thơ mộng này. Theo một số tư liệu, vào những năm 1930, thi sĩ Hàn Mặc Tử vì rung động trước cảnh sắc nơi đây nên đã sáng tác những vần thơ nổi tiếng về Đà Lạt như "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để nghe trời giải nghĩa yêu..." làm xao xuyến nhiều người. Ảnh: @thaoquyetlinh.
|
6. Hàn Mặc Tử và giai nhân Mộng Cầm từng ngắm trăng ở đâu tại Phan Thiết (Bình Thuận)?
Đầu thế kỷ 20, trên một ngọn đồi cao xinh đẹp có thể nhìn bao quát toàn cảnh Phan Thiết, công tước Pháp De Montpensier đã cho xây dựng biệt thự Tổ chim ưng làm nơi nghỉ dưỡng. Người dân từ đó gọi khu vực này là Lầu Ông Hoàng, dù dấu tích biệt thự hiện không còn. Hàn Mặc Tử từng đến Phan Thiết giữa những năm 1930 và gặp gỡ giai nhân Mộng Cầm, cháu thi sĩ Bích Khê. Theo nhiều giai thoại, thi sĩ đã cùng "nàng thơ" của mình ngắm trăng tại Lầu Ông Hoàng. Chính Hàn Mặc Tử cũng nhắc đến địa danh này trong bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! Ảnh: Flickr. |
7. Khu vực Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng ngắm trăng còn có di tích cổ kính nào được nhiều du khách tìm thăm khi đến Phan Thiết?
Khu vực Lầu Ông Hoàng ở TP Phan Thiết còn nổi tiếng với nhóm đền tháp Chăm Po Sah Inư. Công trình này xây dựng vào khoảng thế kỷ 8-9, thuộc phong cách Hòa Lai, mang dấu ấn thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Chăm Pa xưa. Nhóm đền tháp Chăm Po Sah Inư được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1991. Hiện di tích Chăm cổ kính này là điểm đến thu hút nhiều du khách trên bản đồ du lịch Phan Thiết. Ảnh: Oai Kiệt.
|